Đau khớp khi trở trời là một trong những bệnh lý thường gặp, đặc biệt là người cao tuổi. Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phương pháp phòng bệnh hiệu quả là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Menu xem nhanh:
Bệnh làm giảm chất lượng cuộc sống
Theo Tiến sĩ Robert Newlin Jamison, một giáo sư tại Đại học Y khoa Harvard (Hoa Kỳ) và là một nhà nghiên cứu về hiệu ứng thời tiết trên các bệnh nhân đau mạn tính, thì sở dĩ có hiện tượng như vậy là do áp suất khí quyển. Bình thường, áp suất khí quyển cao sẽ đẩy từ bên ngoài vào cơ thể khiến cho các mô không nở rộng ra được. Khi thời tiết xấu, áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực cho các khớp. Đặc biệt đối với những bệnh nhân mạn tính, dây thần kinh có thể nhạy cảm hơn.
Cô Lan Anh (55 tuổi, giáo viên sắp về hưu) chia sẻ: “Cứ mỗi khi trời trở lạnh là đầu gối, các khớp cổ tay, chân của tôi lại bị sưng, đỏ và có cảm giác đau nhức không muốn làm gì cả. Những lúc đó tôi chỉ muốn nghỉ ngơi và được chườm nóng cho dễ chịu hơn.”
Giống như trường hợp của cô Lan Anh, bác Thúy (67 tuổi, Cầu Giấy) tâm sự: “bắt đầu vào mùa đông, những ngày đầu chuyển mùa đầu gối của tôi lại dở chứng, nhức nhối và có cảm giác như kiến bò. Đặc biệt sáng thức dậy nhiều khi chân tê cứng, co duỗi rất khó khăn, cứ phải xoa bóp một lúc mới đi lại được, những lúc đó chẳng biết kêu ai”
Đau nhức xương khớp ở người già khiến cho chất lượng cuộc sống bị giảm sút, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị hiệu quả.
Tại sao lại bị nhiều ở người cao tuổi
Theo thời gian, phần sụn bao bọc các đầu xương sẽ dần bị lão hóa nên không còn trơn tru, mất khả năng đàn hồi. Phần đầu xương không còn được bao bọc như trước và bảo vệ kém đi nên khi vận động sẽ cọ xát, nên khi vận động hoặc trở trời người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức.
Hơn nữa người già sức đề kháng kém hơn nên dễ bị đau nhức khi thời tiết thay đổi đột ngột. Đây là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, khó chữa khỏi nhưng có thể loại bỏ các cơn đau. Việc tập luyện khớp mỗi ngày là rất cần thiết. Nếu làm việc văn phòng, nên thường xuyên thay đổi tư thế ngồi, đứng lên khoảng 5 – 10 phút để tránh mỏi khớp. Nếu đã về hưu, thì nên đi bộ nhẹ nhàng vừa sức 30 phút mỗi ngày.
Đối phó như thế nào?
Các chuyên gia về y tế khuyên rằng, người bệnh nên giữ ấm các khớp ngay khi thời tiết sắp sửa thay đổi. Khi bị đau, có thể áp dụng các biện pháp như xoa bóp khớp, co duỗi nhẹ nhàng, chườm nóng… Chườm nóng bằng paraffin, túi chườm nhiệt, khay nhiệt điện có tác dụng giảm đau, nhưng không nên áp dụng với ổ viêm có mủ, chấn thương đang sung huyết. Người bệnh cũng nên tránh bê vác nặng làm khớp thêm tổn thương và cần giảm cân (nếu béo phì) để hạn chế áp lực lên khớp. Chế độ ăn uống cũng rất quan trọng: nên ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, cần bổ sung canxi, vitamin (nhất là vitamin C và E), các khoáng chất….
Nếu tình trạng trên kéo dài và mang đến nhiều phiền toái thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, thông qua quá trình thăm khám bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị hợp lý nhất.