Thoái hóa cột sống không chỉ gây đau nhức mà còn làm giảm khả năng vận động của người bệnh. Vậy làm sao để nhận diện dấu hiệu thoái hóa cột sống? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng, từ đó nhận diện và điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về thoái hóa cột sống
Cột sống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phần khung xương của con người. Đây là một bộ phận chịu nhiều áp lực nên rất dễ bị tổn thương. Tình trạng thoái hóa xảy ra khi các đĩa đệm, thân cột sống và gai xương bị bào mòn.
Hai dạng thoái hóa cột sống thường gặp là thoái hóa cột sống cổ và thoái hóa cột sống lưng:
– Thoái hóa cột sống cổ: Tình trạng thoái hóa thường xảy ra ở ba đốt sống C5, C6 và C7. Nguyên nhân là do sự lắng đọng canxi ở các dây chằng cổ, chấn thương vùng cổ, tuổi tác,…
– Thoái hóa cột sống lưng: Vị trí dễ mắc thoái hóa nhất là L4-L5 và L5-S1. Các cơn đau ở vùng lưng ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Người cao tuổi và trung niên là hai đối tượng có nguy cơ bị thoái hóa cột sống cao nhất. Bệnh này tiến triển chậm và không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa, vận động suy yếu,…
2. Dấu hiệu thoái hóa cột sống đáng lưu tâm
Thoái hóa cột sống là một bệnh lý mạn tính về xương khớp. Bệnh thường tiến triển chậm. Vì vậy, ở giai đoạn đầu người bệnh rất khó phát hiện các triệu chứng. Dần dần, các cơn đau nhức sẽ xuất hiện ở vị trí bị thoái hóa và nghiêm trọng hơn người bệnh sẽ gặp khó khăn khi vận động.
2.1 Dấu hiệu thoái hóa cột sống: Đau nhức xương khớp
Triệu chứng đầu tiên là người bệnh là cảm thấy đau nhức tại vị trí thoái hóa. Các cơn đau có thể dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài vào các thời điểm trong ngày. Cơn đau sẽ nặng hơn khi người bệnh di chuyển và hoạt động. Nếu tình trạng nặng hơn, cơn đau sẽ lan ra các vùng lân cận thậm chí là cả người.
2.2 Dấu hiệu thoái hóa cột sống: Giảm khả năng vận động
Thoái hóa khiến cột sống bị biến dạng, khi đó cấu trúc và chức năng của cột sống sẽ thay đổi. Điều này sẽ khiến người bệnh gặp khó khăn khi di chuyển và vận động. Nếu bị thoái hóa cột sống cổ bệnh nhân sẽ khó chuyển động cổ, xoay trái, xoay phải hoặc cúi, ngửa đầu. Nếu bị thoái hóa cột sống lưng người bệnh không thể cúi được, mất thăng bằng hoặc đi lại khó khăn.
2.3 Xương khớp xuất hiện tiếng kêu lục cục
Giai đoạn đầu, khi di chuyển hoặc vận động người bệnh sẽ nghe thấy tiếng xương khớp kêu lục cục. Nguyên nhân là do thoái hóa dẫn đến các cấu trúc của khớp xương bị thay đổi. Đây là một triệu chứng phổ biến, hầu như người bệnh nào cũng cảm nhận được.
2.4 Chân tay tê bì
Đa số người bệnh bị thoái hóa cột sống đều gặp phải triệu chứng này. Người bệnh sẽ có cảm giác tê cứng hoặc tê liệt tạm thời. Cảm giác này chủ yếu xuất hiện vào ban đêm hoặc lúc ngủ. Nguyên nhân là khi thoái hóa, các dây chằng quanh khớp xương bị tổn thương nghiêm trọng.
2.5 Chán ăn, mất ngủ
Những cơn đau nhức kéo dài khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, không muốn ăn,… Đặc biệt tình trạng đau vào ban đêm khiến người bệnh trằn trọc, không thể ngủ. Do ảnh hưởng của các cơn đau nhức, người bệnh sẽ cảm thấy ăn không ngon miệng có thể dẫn đến suy nhược cơ thể.
Ngoài ra, ở từng vị trí thoái hóa có thể xuất hiện những triệu chứng khác nhau như:
– Thoái hóa cột sống cổ: Cổ bị đau nhức, cứng cổ khiến người bệnh khó khăn khi quay cổ hoặc cúi đầu. Các cơn đau có thể lan rộng xuống bả vai và cánh tay. Ở giai đoạn nặng hơn, thoái hóa cột sống cổ có thể dẫn đến tê liệt hai cánh tay và vai. Ngoài đau nhức và tê bì ở vùng cổ người bệnh sẽ gặp các triệu chứng khác như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu,…
– Thoái hóa cột sống lưng: Xuất hiện các cơn đau nhói, đau âm ỉ ở vùng thắt lưng. Sau đó, các cơn đau có thể lan rộng xuống hông, mông và hai chân. Triệu chứng của thoái hóa đốt sống lưng là cảm giác kim châm, ngứa ran ở thắt lưng, đùi, hai bên chân, bàn chân,…khiến việc vận động gặp khó khăn. Nếu tình trạng nặng, người bệnh sẽ không thể kiểm soát được bàng quang và ruột.
– Thoái hóa cột sống ngực: Tuy không phổ biến nhưng người bệnh sẽ gặp một số triệu chứng như: đau tức ngực, khó thở, đau dây thần kinh liên sườn và đau mạn sườn. Người bệnh có thể bị rối loạn chức năng đại tiện, bàng quang và ruột.
3. Cách ngăn ngừa thoái hóa cột sống
Thoái hóa là tình trạng tự nhiên của cơ thể nên khó để tránh khỏi. Tuy nhiên, việc bảo vệ xương khớp và sức khỏe sẽ làm chậm quá trình thoái hóa xương cột sống. Các biện pháp được khuyến cáo giúp ngăn ngừa thoái hóa gồm:
– Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Ưu tiên bổ sung nhóm thực phẩm có chứa Canxi, Vitamin D, Vitamin E, Omega-3,… Những chất dinh dưỡng này rất tốt cho đĩa đệm, có tác dụng tốt trong phòng ngừa loãng xương và thoái hóa. Các thực phẩm thuộc nhóm này có thể kể đến như: cá, gan, thịt, cá, rau xanh, trứng, nấm, ngũ cốc, hạt,…
– Kiểm soát cân nặng: Bởi vì khi trọng lượng cơ thể tăng lên sẽ gây áp lực lên cột sống khiến cột sống bị tổn thương.
– Uống nhiều nước lọc, bỏ đồ uống có chất kích thích vì chúng không tốt cho khớp.
– Không mang vác vật nặng quá sức, điều chỉnh tư thế sinh hoạt chuẩn để tránh những tổn thương cho cột sống. Thay đổi tư thế, vận động cơ thể đối với những người làm công việc phải ngồi lâu như lái xe, nhân viên văn phòng,…
– Tập thể dục thường xuyên để duy trì tính linh hoạt của các khớp xương, giảm căng thẳng và giảm triệu chứng của các cơn đau. Các môn thể thao được khuyến khích tập luyện là yoga, bơi lội, đi bộ. Tránh các môn thể thao nặng như golf, tennis,…
– Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm triệu chứng và có biện pháp điều trị kịp thời.