Đánh giá mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường diễn biến thầm lặng và tiến triển nhanh chóng nên được xem là một “sát thủ vô hình”. Vậy mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cụ thể như thế nào, thông tin giải đáp sẽ được đưa ra trong bài viết sau. 

Menu xem nhanh:

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và những cảnh báo

1.1 Những con số cho thấy mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), hiện có đến 600 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và có khoảng 3 triệu người tử vong bởi căn bệnh này mỗi năm. Bệnh là nguyên nhân dẫn tới tử vong cao trong khoảng thứ 4 trên thế giới sau bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não và ung thư. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này vẫn đang có xu hướng tăng cao.

Bệnh dẫn tới tình trạng suy giảm chức năng hô hấp, cản trở hoạt động sinh hoạt hàng ngày, khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh đi xuống rõ rệt.

Thống kê cũng cho thấy, chi phí điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có phần cao hơn so với điều trị nhiều loại bệnh khác như viêm phổi, hen suyễn

mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Chi phí điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường cao hơn so với nhiều loại bệnh hô hấp khác

1.2 Mức độ nguy hiểm của bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính nếu không điều trị kịp thời

Không chỉ đối với người cao tuổi mà đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh thường gặp ở những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, hít nhiều khói thuốc thụ động, sống trong môi trường ô nhiễm, hít nhiều khói bụi hoặc hóa chất, nhiễm trùng đường hô hấp kéo dài(viêm phổi/viêm phế quản…)

Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời xử lý và tuân thủ điều trị. Trong đó, những biến chứng phổ biến bao gồm:

– Nguy cơ mắc bệnh về tim: nếu trở nặng, phổi tắc nghẽn mạn tính có thể khiến tim người bệnh đập nhanh, rối loạn nhịp tim hoặc suy tim.

– Cao huyết áp: COPD cũng có thể khiến áp suất của các mạch dẫn máu đến phổi cao khiến tăng huyết áp, tăng áp xe phổi.

– Nhiễm trùng đường hô hấp: người bệnh có thể thường xuyên bị cảm lạnh, viêm phổi hoặc cảm cúm mà không thể điều trị dứt điểm.

– Một số biến chứng nguy hiểm: ngoài những tình trạng kể trên, COPD kéo dài có thể gây ra suy hô hấp, ung thư phổi, suy tim, tử vong…

Tuy nhiên, đa số người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường phát hiện bệnh trong giai đoạn muộn dẫn tới tình trạng tắc nghẽn nặng. Lúc này việc điều trị khó khăn hơn, sức khỏe của người bệnh cũng chịu ảnh hưởng đáng kể.

1.3 Tiên lượng điều trị khỏi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Phổi tắc nghẽn mạn tính có thể cải thiện triệu chứng nếu người bệnh tuân thủ điều trị với thuốc, phục hồi chức năng phổi và ngưng hút thuốc. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được đánh giá là có thể phòng ngừa và điều trị được theo hướng kiểm soát mức độ bệnh.

Tuy nhiên tình trạng phổi của người bệnh vẫn sẽ bị tổn thương và không thể trở lại như bình thường. Vì vậy, người bệnh phải sống chung với bệnh suốt đời, cũng như cần tái khám và theo dõi lâu dài. Người bệnh thường gặp phải tình trạng khó thở, mệt mỏi nhưng có thể kiểm soát bệnh nếu tuân theo phác đồ phù hợp. Khó thở và mệt mỏi có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhưng người bệnh có thể học cách kiểm soát tình trạng của mình và có một cuộc sống khá trọn vẹn.

mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tùy thuộc vào tình trạng bệnh

Người bệnh phổi tắc nghẽn có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc khó chịu

2. Cần làm gì nếu phát hiện triệu chứng của COPD?

2.1 Khám bệnh và chẩn đoán sớm triệu chứng

Những triệu chứng phổ biến để người bệnh nhận dạng COPD bao gồm: hoạt động thể chất kém, ho nhiều, mệt mỏi, thở khò khè, tiết đờm nhầy kéo dài… Đặc biệt đối với bệnh nhân hút thuốc lá trong thời gian dài thì cần nhanh chóng đi khám.

Bác sĩ có thể chẩn đoán phổi tắc nghẽn mạn tính thông qua những triệu chứng và kết quả chụp chiếu, thăm khám bệnh. Tùy vào đánh giá tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm đặc biệt để đánh giá kĩ hơn. Một trong số các xét nghiệm để xác định bệnh quan trọng là hô hấp ký.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể xác định tình trạng bệnh thông qua chụp X quang ngực hoặc CT scan ngực, đồng thời có thể bổ sung một số xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng hô hấp của người bệnh khi ngủ và khi vận động, bao gồm cả đánh giá mức độ bão hòa oxy.

2.2 Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh đúng cách

Thói quen hút thuốc là điều đầu tiên người bệnh cần bỏ bởi điều này gây ra nguy cơ mắc bệnh cao hơn rất nhiều so với người không hút thuốc. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tuân theo phác đồ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính của bác sĩ, dưới hướng dẫn của Bộ Y tế gồm:

– Sử dụng nhóm thuốc giảm triệu chứng bệnh: thuốc giãn phế quản, nhóm kháng sinh. Thuốc không nên lạm dụng trong những đợt kịch phát khiến mất chức năng phổi.

– Nhóm thuốc điều trị dự phòng để kiểm soát đợt kịch phát bệnh: nhóm corticoid dạng hít để kiểm soát bệnh mỗi ngày, trong suốt đời người bệnh.

mức độ nguy hiểm của căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phụ thuộc vào phác đồ điều trị

Mỗi bệnh nhân sẽ được chỉ định và kê đơn nhóm thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính khác nhau

Tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ kê liều dùng và cách dùng phù hợp với mục tiêu kiểm soát bệnh, ngăn suy giảm chức năng phổi.

Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh cũng hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh hô hấp bởi virus, thường xuyên vệ sinh tay, tiêm vắc xin cúm và viêm phổi định kì hoặc nếu có chỉ định.

Một vài trường hợp, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật giảm thể tích ở phổi hay ghép phổi nếu như sức khỏe người bệnh đáp ứng tốt và có thể đem đến hiệu quả điều trị cao.

Chế độ dinh dưỡng cũng cần được lưu ý. Có thể kết hợp tập luyện phục hồi chức năng phổi để tăng cường khả năng hô hấp và chất lượng đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Mong rằng những thông tin về mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên đây có thể giúp mỗi người có thêm nhận thức về căn bệnh này. Từ đó có cách phòng tránh và xử trí đúng, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital