Tai biến mạch máu não thường là tình trạng xảy ra đột ngột và để lại nhiều di chứng nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời còn có thể gây tử vong cho người bệnh. Chính vì vậy, người bệnh cần nắm rõ những cách phòng ngừa tai biến mạch máu não để hạn chế rủi ro có thể xảy ra.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu não ở người bệnh
Tai biến mạch máu não là tình trạng mất đột ngột lượng máu lưu thông lên não. Hiện tượng này kéo dài hoặc lượng máu thiếu hụt quá nhiều trong một thời gian ngắn sẽ khiến các tế bào não chết đi, có thể để lại nhiều di chứng nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Một số dấu hiệu cảnh báo tai biến đó là:
– Đau đầu đột ngột, dữ dội, chóng mặt không rõ nguyên nhân.
– Mặt buồn, bị méo một bên.
– Giảm khả năng cử động ở một bên cánh tay.
– Thị lực giảm dần.
– Gặp khó khăn khi nói, không thể kiểm soát lời nói.
– Hoa mắt, chóng mặt.
– Gặp khó khăn trong việc đi lại và di chuyển.
– Nấc cụt.
– Khó thở, tim đập nhanh.
Người bệnh có thể có biểu hiện tổn thương não rõ rệt như mê sảng hoặc rơi vào hôn mê, đại tiện không tự chủ, có thể liệt hoặc tổn thương các dây sọ não. Khi rơi vào trạng thái hôn mê, người bị tai biến mạch máu não thường hôn mê sâu và nặng, có thể kèm theo thở to, sắc mặt tái nhợt, mất phản xạ giác mạc và đồng tử mắt…
Tùy vào vùng não tổn thương mà người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Các dấu hiệu thường diễn ra rất nhanh, đôi khi chỉ thoáng qua. Một số trường hợp triệu chứng nhanh chóng biến mất khiến người bệnh có tâm lý chủ quan và không nghĩ rằng mình đang gặp nguy hiểm.
2. Cách xử trí khi xuất hiện tai biến
Khi nhận thấy người bệnh xuất hiện những triệu chứng tai biến mạch máu não, cần phải đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt bởi thời gian cứu sống người bệnh lúc này thậm chí chỉ được tính bằng phút. Trong lúc chờ cấp cứu, có thể thực hiện một số cách sơ cứu sau:
– Quan sát kỹ tình trạng đang diễn ra ở người bệnh để khai báo với nhân viên y tế, bởi đây sẽ là những thông tin quan trọng giúp cứu chữa người bệnh kịp thời.
– Nên đưa người bệnh đến nơi thoáng mát, kê gối cao khoảng 30 – 45 độ và nới lỏng quần áo cho bệnh nhân.
– Trong trường hợp người bệnh bị nôn cần nghiêng đầu sang một bên để tránh đờm dãi chảy vào mũi hoặc phổi.
– Nếu người bệnh xảy ra tình trạng co giật cần đặt một chiếc đũa vào giữa hai hàm răng để tránh trường hợp bị cắn lưỡi trong quá trình co giật.
– Không cho người bệnh ăn hay uống bất cứ loại thực phẩm nào vì sẽ khiến dễ bị sặc và nghẹt thở.
3. Cách phòng ngừa tai biến mạch máu não quan trọng cần lưu ý
Do tai biến mạch máu não rất nguy hiểm nên việc ngăn ngừa căn bệnh này là vô cùng cần thiết. Để phòng tránh cơn tai biến mạch máu não, các chuyên gia Nội thần kinh khuyên người bệnh nên lưu ý một số điều sau đây:
3.1 Kiểm soát tốt bệnh lý là cách phòng ngừa tai biến mạch máu não hiệu quả
Những người mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hay mắc các bệnh về tim mạch… nên điều trị tích cực để kiểm soát bệnh hiệu quả. Cụ thể, người bệnh cần đi tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn, uống thuốc theo đơn của bác sĩ và nếu có dấu hiệu bất thường cần đi khám khám ngay để xử lý kịp thời. Việc kiểm soát tốt bệnh lý chính là cách giúp phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não quan trọng và hiệu quả nhất đối với người bệnh.
3.2 Hạn chế sử dụng chất kích thích
Hút thuốc lá, uống rượu bia đều là những thói quen xấu có hại cho sức khỏe, làm gia tăng nguy cơ cao huyết áp, đau tim, đột quỵ. Do đó, nên ngừng thói quen hút thuốc và hạn chế sử dụng các chất kích thích để không làm tổn hại đến sức khỏe.
3.3 Kiểm soát cân nặng hợp lý
Béo phì, thừa cân sẽ khiến cơ thể dễ mắc phải nhiều bệnh lý nghiêm trọng như tim mạch hay đột quỵ. Vì vậy, bạn nên duy trì cân nặng ở mức vừa phải để huyết áp, mỡ máu cùng lượng đường trong máu có thể được kiểm soát tốt hơn. Bên cạnh đó, nên cần giảm cân một cách khoa học, lành mạnh vì việc giảm cân quá nhanh cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
3.4 Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách phòng ngừa tai biến mạch máu não
Đối với người bị tai biến mạch máu não, tập thể dục vừa có tác dụng làm giảm huyết áp, tăng mức lipoprotein mật độ cao, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể của mạch máu và tim. Bên cạnh đó, việc tập thể dục thường xuyên còn giúp kiểm soát cân nặng, giảm bớt căng thẳng và nguy cơ tiểu đường, nhờ đó giảm nguy cơ tai biến.
3.5 Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh chính là một trong những cách phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não hiệu quả. Hãy bổ sung các loại trái cây, cá, rau, ngũ cốc và thịt nạc để cung cấp chất xơ, vitamin, protein và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, nên sử dụng các loại thực phẩm có chứa plant sterol – loại chất béo chiết xuất từ thực vật giúp làm giảm lượng cholesterol đi vào máu, cùng các axit béo không no PUFA, MUFA giúp hỗ trợ sức khỏe mạch vành, hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong chế độ ăn uống hàng ngày, cần hạn chế ăn đồ mặn để tránh nạp vào cơ thể lượng natri cao gây tăng huyết áp bởi tăng huyết áp chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tai biến mạch máu não.
4. Phòng bệnh tái phát khi cơn tai biến mạch máu não đi qua
Dù cơn tai biến nguy kịch đã đi qua nhưng người bệnh vẫn cần lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe để phục hồi tránh biến chứng và tái phát. Những thói quen tốt cần xây dựng đó là:
– Chú ý giữ sức khỏe khi thời tiết giao mùa.
– Tránh tắm khuya hoặc ở những nơi có gió lùa mạnh, nhất là với người bị cao huyết áp.
– Thay đổi nếp sống, bỏ các thói quen xấu như thuốc lá, uống rượu, đồng thời chống béo phì bằng cách đi bộ mỗi ngày ít nhất 30 phút.
– Điều trị các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não não như tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim…
– Ăn nhiều rau xanh và chất xơ, tránh để táo bón.
– Tránh các vận động thể lực quá mạnh như mang vác nặng, chạy nhanh…
Những thông tin trong bài viết trên hy vọng sẽ giúp người bệnh nắm rõ hơn về cách phòng ngừa tai biến mạch máu não – một trong những căn bệnh nguy hiểm có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người. Qua đó có thể thấy rằng một trong những điểm quan trọng trong kế hoặc phòng ngừa căn bệnh này đó là người bệnh cần duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ với các chuyên gia Nội thần kinh để tầm soát nguy cơ gây bệnh từ sớm, hạn chế tối đa biến những chứng khó lường.