Viêm tai giữa là một bệnh lý rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh dễ tái phát và có thể biến chứng đến điếc vĩnh viễn, nếu không được điều trị “đến nơi đến chốn”. Vậy, chữa viêm tai giữa cho trẻ thế nào mới được xem là đến nơi đến trốn. Đọc bài viết sau ngay, nếu đây là vấn đề bố mẹ quan tâm.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm
Tai giữa là một trong 3 bộ phận cấu thành tai, bên cạnh tai ngoài và tai trong. Tai giữa bao gồm màng nhĩ, hòm nhĩ, vòi nhĩ và xương con (xương búa, xương đe và xương bàn đạp). Nhiệm vụ của tai giữa là đón và truyền những rung động từ màng nhĩ đến tai trong thông qua xương con, để những rung động này được chuyển thành các xung thần kinh, giúp chúng ta nghe thấy âm thanh.
Theo đó, khi tai giữa viêm, sự tồn tại của bệnh lý viêm tai giữa được xác định. Tùy thuộc mức độ nhiễm trùng, viêm tai giữa được phân loại thành 3 nhóm như sau:
– Viêm tai giữa cấp tính: Là biến chứng rối loạn chức năng vòi nhĩ, xảy ra trong một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus hoặc là biến chứng của một đợt viêm VA cấp/mạn tính.
– Viêm tai giữa mạn tính: Là tình trạng viêm tai giữa dai dẳng, thường trên 12 tuần.
– Viêm tai giữa ứ dịch: Là tình trạng niêm mạc tai giữa nhiễm trùng và tiết dịch. Dịch này không thoát mà ứ đọng phía sau màng tai. Dịch ứ đọng có thể ở dạng thanh dịch, dịch nhầy hoặc keo dính.
Viêm tai giữa có thể xuất hiện ở cả người trưởng thành và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ 6 – 36 tháng tuổi, vẫn là nhóm dễ bị viêm tai giữa hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 80% trẻ ở tuổi lên 3 sẽ bị viêm tai giữa ít nhất 1 đợt trong đời.
2. Nguyên nhân
Viêm tai giữa thường là biến chứng của rối loạn chức năng vòi nhĩ, xảy ra trong một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus hoặc biến chứng của một đợt viêm VA cấp tính. Cụ thể, Bố mẹ có thể hiểu cơ chế phát sinh bệnh lý viêm tai giữa từ tình trạng rối loạn chức năng vòi nhĩ hoặc viêm VA như sau:
– Vòi nhĩ: Là một ống vòi tai rất hẹp, nối tai giữa và vòm họng, có chức năng điều hòa không khí, điều chỉnh áp suất (không khí) và dẫn lưu dịch từ tai giữa ra bên ngoài. Khi vòi nhĩ sưng, dịch sẽ tích tụ làm nhiễm trùng tai giữa. Ở trẻ nhỏ, vòi nhĩ chưa phát triển nên thường hẹp hơn và nằm ngang hơn, khiến chức năng dẫn lưu dịch dễ rơi vào trạng thái không đảm bảo hơn so với người trưởng thành.
– VA: Là mô lympho nhỏ, phía sau mũi, hoạt động như một hệ miễn dịch. Do VA nằm tương đối gần điểm mở của vòi nhĩ, nên khi VA sưng nề do viêm, vòi nhĩ có thể tắc nghẽn, dẫn đến nhiễm trùng tai giữa.
3. Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu nào cho thấy trẻ có khả năng bị viêm tai giữa? Phần lớn các triệu chứng của bệnh lý viêm đường hô hấp như: Ho, chảy mũi, nghẹt mũi… đều là triệu chứng bệnh lý viêm tai giữa. Tuy nhiên, ngoài những dấu hiệu nhận biết đó, viêm tai giữa còn một số dấu hiệu nhận biết khác, điển hình hơn. Những dấu hiệu nhận biết đó là: Đau đầu, đau tai, phản ứng kém với âm thanh, mất thăng bằng, tai chảy dịch. Đối với trẻ sơ sinh, chưa có khả năng nói, trẻ quấy khóc dữ dội khi nằm và hay đưa tay xoa tai bị đau,…
4. Biến chứng
Như đã đề cập phía trên, viêm tai giữa có thể tiến triển đến điếc vĩnh viễn, nếu không được điều trị “đến nơi đến chốn”. Trường hợp may mắn không mất hoàn toàn, thính lực của trẻ viêm tai giữa không được điều trị tử tế, vẫn có thể suy giảm trầm trọng. Ngoài biến chứng liên quan đến thính lực, viêm tai giữa còn một số biến chứng khác, nguy hiểm không kém, như viêm màng não, viêm não.
5. Chẩn đoán và điều trị
5.1. Chẩn đoán
Khi trẻ có các dấu hiệu đã được chia sẻ tại mục 3, bố mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay, để trẻ được thăm khám, chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Thăm khám cần và đủ để chẩn đoán xác định viêm tai giữa ở trẻ là nội soi tai mũi họng. Bên cạnh nội soi tai mũi họng, trẻ có thể sẽ phải thực hiện cả Xquang ngực thẳng (xác định tình trạng đường hô hấp), xét nghiệm máu (xác định các chỉ số đánh giá tình trạng viêm nhiễm) và một số thăm khám cận lâm sàng khác. Trước khi thực hiện các thăm khám cận lâm sàng, trẻ phải được thăm khám lâm sàng hay có thể hiểu đơn giản là trẻ phải được khai thác tiền sử và dấu hiệu bệnh lý.
5.2. Chữa viêm tai giữa cho trẻ: Những vấn đề cơ bản
Tùy mức độ nặng – nhẹ của viêm tai giữa, trẻ sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu viêm tai giữa nhẹ, phương pháp điều trị chuyên gia chỉ định cho trẻ sẽ là điều trị nội khoa với thuốc kháng sinh, thuốc kháng Histamin, thuốc chống phù nề, thuốc nhỏ mũi, bơm hơi vòi nhĩ. Nếu viêm tai giữa nặng (nhiễm trùng lan tỏa), điều trị nội khoa không hiệu quả, phương pháp điều trị chuyên gia chỉ định cho trẻ sẽ là điều trị ngoại khoa, như nạo VA, cắt Amidan, đặt ống thông khí,…
Viêm tai giữa là bệnh lý dễ điều trị nhưng khả năng tái phát rất cao. Theo WHO, khoảng 1/3 số trẻ viêm tai giữa sẽ tái phát bệnh 6 lần trong 7 năm ( tương đương gần 1 lần/năm). Do vậy, chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ đã một lần mắc bệnh, khi đã điều trị ổn định, bố mẹ nên cho trẻ tái khám định kỳ thường xuyên (4 – 6 tháng/lần), nhất là trẻ có giảm thính lực, chậm nói. Ở trẻ viêm tai giữa mạn tính, cần điều trị nhanh chóng các bệnh lý đường hô hấp trẻ mắc phải.
Phía trên là thông tin cơ bản về cách chữa viêm tai giữa cho trẻ. Nếu còn thắc mắc cần giải đáp chi tiết, liên hệ Thu Cúc TCI ngay, bố mẹ nhé!