Chọc hút tế bào khối u vú bằng kim nhỏ là kỹ thuật được sử dụng phổ biến để xác định tính chất u là lành tính hay ác tính. Phương pháp này được đánh giá là đơn giản, nhanh chóng, mang lại hiệu quả chẩn đoán cao. Để tìm hiểu thêm về chọc hút tế bào khối u vú mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Chọc hút tế bào khối u vú là gì?
U vú là loại u thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 – 50. Các khối u này thường được phát hiện thông qua thăm khám lâm sàng, siêu âm, chụp X quang tuyến vú hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Tuy nhiên những phương pháp này chưa đủ cơ sở để đưa ra kết luận u vú là lành tính hay ác tính.
Để có thể biết chính xác tính chất của khối u, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện sinh thiết u vú. Chọc hút tế bào khối u vú bằng kim nhỏ là một trong những phương pháp sinh thiết u vú được áp dụng phổ biến hiện nay. Bản chất của phương pháp này hiểu đơn giản là sử dụng một mũi kim siêu nhỏ tiếp cận với khối u để lấy ra một ít chất dịch rồi mang đi xét nghiệm để tìm kiếm tế bào ác tính. Nhờ đó chọc hút tế bào khối u vú giúp người bệnh có thể lấy mẫu thử để xác định u lành hay ác mà không cần phẫu thuật.
2. Chọc hút tế bào khối u vú được chỉ định khi nào?
Các trường hợp được chỉ định thực hiện chọc hút tế bào khối u vú bao gồm:
– Người bệnh cảm nhận thấy hoặc trong quá trình thăm khám lâm sàng bác sĩ phát hiện có khối u hoặc một vùng dày lên bất thường ở vú nghi ngờ ung thư.
– Kết quả các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X quang hoặc chụp MRI cho thấy có bất thường ở vú.
– Người bệnh có những biểu hiện bất thường ở núm vú như sưng, đau, nứt, chảy máu, thay đổi hình dạng, vùng da xung quanh núm vú bị nhăn hoặc lõm…
Chọc hút tế bào khối u vú sẽ cung cấp cho bác sĩ kết quả về bản chất của khối u để từ đó có hướng điều trị phù hợp.
3. Chọc hút tế bào khối u vú được thực hiện như thế nào?
3.1. Chuẩn bị khi thực hiện chọc hút tế bào khối u vú
Chọc hút tế bào khối u vú rất ít xâm lấn, nhẹ nhàng và nhanh chóng nên thông thường người bệnh ít khi phải chuẩn bị gì, chỉ cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng viên.
Trước khi tiến hành chọc hút tế bào, người bệnh sẽ phải cởi bỏ trang phục đang mặc. Cần thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe, loại thuốc đang sử dụng (nếu có), tình trạng dị ứng của bản thân. Trường hợp có sử dụng thuốc chống đông máu cần tạm ngừng sử dụng trong vòng 3 ngày trước khi thực hiện chọc hút tế bào.
Tốt nhất nên có người nhà hoặc bạn bè đi cùng để đưa người bệnh ra về sau khi hoàn thành chọc hút tế bào khối u vú.
3.2. Quy trình chọc hút tế bào khối u vú
– Người bệnh nằm ngửa, ngay ngắn hoặc đôi khi hơi nghiêng sang một bên.
– Tiếp đến bác sĩ sẽ tiến hành sát khuẩn ở vùng da nơi có khối u vú.
– Trong một số trường hợp bác sĩ có thể sẽ gây tê tại chỗ để người bệnh giảm bớt khó chịu. Tuy nhiên vì việc chọc hút là tương đối nhẹ nhàng, chỉ như lấy máu xét nghiệm nên phần lớn bệnh nhân không cần gây tê tại chỗ. Bệnh nhân có thể cảm thấy hơi khó chịu lúc đưa kim nhưng cảm giác này chỉ là tạm thời và rất nhẹ.
– Sử dụng một cây kim nhỏ và rỗng đưa qua da tiếp cận đến vị trí khối u.
– Nhẹ nhàng hút, lấy ra đủ lượng mô hay chất dịch cần khảo sát để mang đi phân tích dưới kính hiển vi.
– Sau khi hoàn tất, mũi kim được rút ra.
– Ấn nhẹ vùng đã chọc kim để giảm nguy cơ chảy máu và băng lại ngay sau đó.
Toàn bộ quá trình này thường diễn ra trung bình trong khoảng 15 phút. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, có thể sẽ cảm thấy hơi nhói hoặc khó chịu một chút trong quá trình thực hiện. Vết kim rất nhỏ nên hoàn toàn không để lại sẹo ở vú. Bệnh nhân nên nằm im, thả lỏng, không gồng người lên khi thực hiện chọc hút. Khi đã hoàn tất, người bệnh nghỉ ngơi tại chỗ trong khoảng 15 – 30 phút là có thể về nhà.
5. Chọc hút tế bào khối u vú có nguy hiểm không?
Nhìn chung đây là phương pháp chẩn đoán được đánh giá an toàn, hầu như không gây ra biến chứng gì. Một số trường hợp người bệnh có thể thấy hơi đau một chút trong vòng vài ngày sau khi thực hiện thủ thuật. Tại vị trí đâm kim có thể có vết bầm tím tuy nhiên tình trạng này sẽ nhanh chóng chấm dứt.
Các biến chứng sau khi chọc hút tế bào khối u vú rất hiếm gặp có thể là:
– Chảy máu
– Nhiễm trùng
– Có bất thường ở vị trí đâm kim.
Thông báo ngay với bác sĩ nếu vùng chọc hút sưng to, chảy máu, tiết dịch, ửng đỏ hoặc nóng kéo dài ở bên vú thực hiện chọc hút tế bào.
6. Lưu ý sau khi chọc hút tế bào khối u vú
Sau khi đã hoàn thành chọc hút tế bào khối u vú, người bệnh sẽ nhận được kết quả trong vòng vài ngày làm việc. Căn cứ trên cơ sở kết quả này, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra tư vấn điều trị phù hợp nhằm ngăn chặn kịp thời các biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp u vú lành tính kích thước nhỏ có thể chỉ cần theo dõi định kỳ bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X quang tuyến vú… U kích thước lớn (>3cm), u tăng sinh gây đau, khó chịu, gồ ghề biến dạng mất thẩm mỹ có thể được chỉ định can thiệp ngoại khoa.
7. Kết luận
So sánh với các phương pháp sinh thiết u vú khác thì chọc hút tế bào có ưu điểm là ít xâm lấn, nhẹ nhàng hơn, không để lại sẹo và không mất quá nhiều thời gian thực hiện. Giúp lấy mẫu mô một cách nhanh chóng, hỗ trợ xác định tính chất khối u là lành tính hay ác tính hiệu quả. Chi phí để thực hiện chọc hút tế bào khối u cũng tiết kiệm hơn, bệnh nhân hồi phục nhanh, sớm trở lại sinh hoạt bình thường. Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về phương pháp chọc hút tế bào khối u vú để từ đó an tâm thăm khám và điều trị.