Chi tiết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 3 

Ở giai đoạn thứ 3 hay còn được biết đến là giai đoạn nặng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây ra nhiều đợt bùng phát triệu chứng thường xuyên hơn, các hoạt động thể chất khó thực hiện hơn, cả sức khỏe thể chất và tinh thần đều bị ảnh hưởng. Từ đó khiến chất lượng cuộc sống cũng đi xuống. Cùng tìm hiểu chi tiết bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 3 trong bài viết dưới đây.

1. Khái quát về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trên toàn thế giới, với 3,23 triệu ca tử vong vào năm 2019.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính xảy ra khi bạn có các yếu tố nguy cơ như: Tiếp xúc lâu dài với một số chất kích thích (thuốc lá, bụi, hóa chất, nhiên liệu sinh khối, khói từ than…), có tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, hen suyễn thời thơ ấu, hoặc một tình trạng di truyền hiếm gặp là thiếu hụt alpha-1 antitrypsin. Trong đó, hút thuốc và ô nhiễm không khí là nguyên nhân phổ biến gây nên COPD. Những tác nhân này sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng phổi và đường hô hấp khiến bạn ngày càng khó thở hơn.

Các triệu chứng trong giai đoạn 3 của bệnh COPD

COPD có thể gây ra các tình trạng ho, khó thở, thở khò khè…

2. Chi tiết bệnh COPD phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 3

Chương trình Chiến lược toàn cầu về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (The Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease – GOLD) đã chỉ ra 4 giai đoạn của bệnh COPD theo các mức độ từ nhẹ đến nặng, dựa trên FEV1 – Chỉ số đo lượng không khí ở một người có thể thở ra trong một giây, cho biết phổi của người đó hoạt động tốt như thế nào. Các giai đoạn của COPD bắt đầu từ 1 đến 4, trong đó giai đoạn 1 cho thấy chức năng phổi bị mất nhẹ và giai đoạn 4 cho thấy chức năng phổi bị mất nghiêm trọng.

Tuy nhiên theo hướng dẫn mới nhất vào năm 2020 của GOLD, bệnh COPD được phân giai đoạn từ 1 đến 4 để phân loại sự giới hạn luồng khí và các cấp độ từ A đến D để phản ánh các triệu chứng hiện tại của người đó và tiền sử các đợt trầm trọng từ trung bình đến nặng.

2.1 Mô tả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở giai đoạn 3

Ở giai đoạn 3, chức năng phổi đã giảm đáng kể. Khi thành của các túi khí trong phổi tiếp tục yếu đi, việc hấp thụ oxy và loại bỏ carbon dioxide trong khi thở ra sẽ trở nên khó khăn hơn.

Ở giai đoạn này rất có thể các hoạt động thường ngày sẽ bị ảnh hưởng do tình trạng khó thở. Người bệnh có thể phải nhập viện một hoặc nhiều lần để điều trị tình trạng bệnh của mình.

Theo hệ thống phân giai đoạn GOLD cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, trong giai đoạn 3 FEV1 của một người sẽ nằm ở khoảng 30 đến 50%. Trong khi đó, một người mắc COPD ở giai đoạn 1 có FEV1 trên 80%, nghĩa là chức năng phổi của họ bị suy giảm không quá 20%. Do đó có thể thấy ở giai đoạn 3, khả năng hoạt động của phổi bị suy giảm đáng kể.

2.2 Các triệu chứng trong giai đoạn 3

Các triệu chứng trước đây trở nên dữ dội hơn và dễ nhận thấy hơn: khó thở ngày càng trầm trọng, ho hoặc thở khò khè xảy ra thường xuyên hơn và bạn có thể tiết ra chất nhầy đặc hơn.

Người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng sau:

– Mệt mỏi hoặc cơ thể suy nhược cực độ

– Cảm giác bối rối hoặc quên lãng

Sưng mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân

– Căng tức ở ngực

– Nhiễm trùng ngực thường xuyên hơn

Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể bị bùng phát khi các triệu chứng đột nhiên trở nên nghiêm trọng hơn và chức năng phổi thay đổi đáng kể. Trong những đợt trầm trọng này, người bệnh có thể cảm thấy lượng chất nhầy lớn hơn làm tắc nghẽn ống phế quản và co thắt đột ngột các cơ xung quanh đường thở.

Chi tiết bệnh COPD phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 3

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 3, chức năng phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp khó khăn nhiều trong cuộc sống sinh hoạt và thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Các đợt bùng phát là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện liên quan đến COPD và điều quan trọng là phải hành động ngay lập tức nếu bạn gặp các triệu chứng của đợt bùng phát. Hãy chú ý những dấu hiệu sau:

– Khó thở hoặc khó thở

– Gia tăng các cơn ho

– Tiếng thở khò khè hoặc tiếng huýt sáo khi thở

– Tăng chất nhầy

– Cơ thể mệt mỏi, người bệnh gặp các vấn đề về giấc ngủ

Suy giảm nhận thức bao gồm nhầm lẫn, trầm cảm hoặc mất trí nhớ.

2.3 Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 3

Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 3, người bệnh có thể cần can thiệp điều trị nhiều hơn.

Triệu chứng và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở giai đoạn 3

Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh COPD dù ở bất kỳ giai đoạn nào cũng sẽ giúp các triệu chứng được kiểm soát tốt hơn, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày

– Bỏ hút thuốc lá là một trong những bước quan trọng để có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh COPD và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

– Những bệnh nhân mắc COPD bị khó thở và nhiễm trùng thường xuyên có thể dùng thuốc để giảm các triệu chứng, chúng bao gồm: thuốc giãn phế quản để mở rộng đường thở, corticosteroid để giảm sưng và chất nhầy, kháng sinh để chống nhiễm trùng do virus và vi khuẩn, tiêm chủng để phòng các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp có thể làm trầm trọng hơn triệu chứng của COPD.

– Một số phương pháp điều trị khác có thể là thực hiện phục hồi chức năng phổi, liệu pháp oxy hay phẫu thuật phổi.

– Sử dụng một chế độ ăn ít carbohydrate, nhiều chất béo tốt không chứa cholesterol, đảm bảo đủ protein và cần uống nhiều nước để có thể giúp chất nhầy mỏng và dễ loại bỏ hơn…

– Tập thể dục thường xuyên với các bài tập được hướng dẫn bởi bác sĩ cũng là một biện pháp có thể nâng cao thể trạng, điều hòa nhịp thở và giảm các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Nhìn chung, quá trình điều trị yêu cầu người bệnh cần kiên trì, và tuân thủ phác đồ cũng như kế hoạch của bác sĩ chuyên khoa từ việc dùng thuốc, chế độ sinh hoạt, theo dõi triệu chứng đến lịch trình thăm khám để hạn chế tối đa khả năng tiến triển của bệnh, ngăn chặn các biến chứng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital