Loãng xương là căn bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hoá của xương, khiến xương bị suy giảm về khối lượng và chất lượng. Người bệnh có nguy cơ bị gãy xương do xương giòn và xốp. Cùng tìm hiểu mục tiêu, cách điều trị loãng xương và phòng tránh biến chứng trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh loãng xương
Bệnh loãng xương không chỉ gây tê mỏi tay chân, đau nhức, ê buốt, khó chịu cho người bệnh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng như thoái hóa khớp, suy thận, mắc các bệnh về tim mạch, teo cơ, bại liệt, tàn tật suốt đời… Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, nên mục tiêu của việc điều trị loãng xương là tập trung vào cải thiện triệu chứng, ngăn chặn và phòng ngừa gãy xương.
Việc điều trị này bao gồm: Phục hồi cấu trúc xương bị loãng, tăng cường khối lượng xương và ngăn chặn tình trạng mất xương tiếp tục diễn ra.
2. Tìm hiểu các cách điều trị bệnh loãng xương hiệu quả
Tùy vào mức độ loãng xương, tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân mà sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Các cách điều trị loãng xương có thể được áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau và được chia thành ba nhóm như sau:
2.1 Cách điều trị loãng xương không dùng thuốc
Tình trạng loãng xương thường xảy ra là do xương không khôi phục lại kịp với tốc độ hủy xương. Vì vậy, một chế độ sinh hoạt khoa học, dinh dưỡng lành mạnh và tập luyện phù hợp có thể giúp giảm nguy cơ phát triển loãng xương hoặc gãy xương.
Chế độ dinh dưỡng cần lưu ý cho người loãng xương
Canxi và vitamin D là 2 dưỡng chất quan trọng tạo ra nguyên liệu tái tạo xương, giúp xương tăng độ bền chắc. Bổ sung các thực phẩm giàu thành phần này có ý nghĩa lớn đối với bệnh nhân loãng xương. Bạn có thể “nạp” thêm canxi và vitamin D cho cơ thể bằng cách ăn nhiều rau lá xanh, hạt óc chó, cá hồi, hải sản, sữa và các chế phẩm từ sữa, …
Thức uống có ga, cà phê, rượu bia và các chất kích thích, thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp… là những thực phẩm nên tránh vì cản trở quá trình tái tạo xương.
Sinh hoạt, vận động phù hợp
Vận động phù hợp giúp tăng cường sự chắc khỏe và dẻo dai của xương khớp và cơ bắp. Đặc biệt tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng còn là một biện pháp hấp thu vitamin D tự nhiên và hiệu quả. Các bài tập được khuyến nghị gồm: đi bộ, chạy bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ…Tuy nhiên, người bệnh loãng xương cần chú ý tập luyện với cường độ vừa phải, tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh.
Có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ xương khớp, nẹp chỉnh hình… trong quá trình sinh hoạt giúp giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông, hạn chế tổn thương đến xương.
2.2 Cách điều trị loãng xương bằng thuốc
Các loại thuốc điều trị loãng xương hiện nay đa phần đều hoạt động theo cơ chế ức chế quá trình hủy xương. Bên cạnh đó, một số thuốc khác kích thích quá trình tạo xương, giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy.
Một số nhóm thuốc thường được chỉ định trong điều trị loãng xương, bao gồm:
– Bisphosphonates: Nhóm thuốc này có tác dụng chống hủy xương và là một trong những lựa chọn đầu tiên khi điều trị loãng xương. Tuy nhiên, thuốc có một số tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng, ợ chua, sốt, đau đầu và đau cơ.
– Denosumab: Thường được dùng cho những người không thể sử dụng bisphosphonate.
– Strontium ranelate: Nhóm này có tác dụng tăng tạo xương, ức chế hủy xương, tuy nhiên có những tác dụng phụ cho hệ tim mạch.
– Deca – Durabolin và durabolin: Thuốc này có tác dụng làm tăng quá trình đồng hóa, có thể được sử dụng phối hợp với các loại thuốc trên.
Các loại thuốc tăng tạo xương có thể kể đến như teriparatide, abaloparatide, romosozumab… Thuốc thường được dùng cho các trường hợp bệnh nhân bị loãng xương nghiêm trọng, nguy cơ gãy xương cao và không đáp ứng đủ hiệu quả điều trị khi dùng các loại thuốc khác. Sau khi dừng nhóm thuốc này, người bệnh thường được chỉ định dùng các thuốc khác để duy trì sự phát triển của xương mới.
2.3 Liệu pháp hormone
Hay còn gọi là liệu pháp thay thế estrogen (ERT) thường được dùng cho phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương, để ngăn ngừa tình trạng mất xương và giảm nguy cơ gãy xương.
Tuy nhiên, liệu pháp này có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung, huyết khối dẫn đến đột quỵ. Do đó, cần thăm khám và tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng phương pháp này.
Ngoài ra, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương, đặc biệt sau tuổi mãn kinh thường sẽ được chỉ định dùng raloxifene. Tác dụng phụ thường gặp của loại thuốc này là làm tăng nguy cơ huyết khối nhưng lại giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư vú.
Ở nam giới, liệu pháp hormone giúp cải thiện các triệu chứng testosterone thấp và cũng được khuyến nghị sử dụng để điều trị loãng xương ở nam giới.
3. Phòng ngừa tình trạng loãng xương bằng cách nào?
Để giảm thiểu nguy cơ loãng xương, bạn cần chú ý những điều sau:
– Uống nhiều nước
– Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là canxi và vitamin D. Đảm bảo cung cấp cho cơ thể 1000 – 1500mg canxi và 800 – 1000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày.
– Không hút thuốc lá để tránh làm tăng tỷ lệ mất xương và nguy cơ gãy xương.
– Nếu đang sử dụng thuốc điều trị những bệnh lý khác, đặc biệt là các thuốc làm tăng nguy cơ loãng xương như corticoid… thì bạn cần thông báo với bác sĩ để được điều chỉnh.
– Tập thể dục thường xuyên nhưng với cường độ vừa phải.
– Mang giày dép chống trượt, dùng thảm chống trượt, các công cụ hỗ trợ đi lại, lắp đặt tay vịn trong phòng tắm, bố trí không gian ngăn nắp…để phòng ngừa té ngã.
– Theo dõi chiều cao vì việc giảm chiều cao có thể là dấu hiệu đầu tiên của loãng xương và các biến chứng liên quan.
– Đo mật độ xương định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu loãng xương.
Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn nắm được cách điều trị loãng xương. Nếu đã được chẩn đoán loãng xương, bạn cần chủ động theo dõi và điều trị sớm bằng phương pháp phù hợp để bảo tồn xương khớp, tránh những biến chứng nặng nề. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ loãng xương, cần thăm khám chuyên khoa Cơ xương khớp sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.