Cách chữa thủy đậu dân gian cho trẻ, ý kiến của chuyên gia

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Thủy đậu, do virus varicella zoster gây ra, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt phổ biến ở trẻ em. Mặc dù y học hiện đại đã cung cấp nhiều biện pháp điều trị hiệu quả, nhiều phụ huynh Việt Nam vẫn muốn áp dụng các cách chữa thủy đậu dân gian cho trẻ. Bài viết này của Thu Cúc TCI sẽ chia sẻ 5 cách chữa thủy đậu dân gian phổ biến nhất và ý kiến của chuyên gia về hiệu quả của 5 cách này nói riêng và các phương pháp dân gian khác nói chung, đọc ngay bố mẹ nhé!

1. 5 Cách chữa thủy dân gian phổ biến nhất và hiệu quả của chúng

1.1. 5 Cách chữa thủy đậu dân gian phổ biến nhất

Thủy đậu thường xuất hiện như một đợt bùng phát các tổn thương da đặc trưng. Các tổn thương da này phát triển qua nhiều giai đoạn. Ban đầu, chúng là các ban đỏ trên da. Các ban này có kích thước từ 2 – 4 mm và có thể mọc ở bất kỳ đâu trên cơ thể, bắt đầu từ da đầu, mặt rồi đến thân. Sau khoảng một ngày, các ban phát triển thành phỏng nước chứa dịch trong. Phỏng nước chứa dịch trong sau đó phát triển thành phỏng nước chứa mủ, đó là khi dịch trong trở nên đục. Khi phỏng nước chứa mủ vỡ, nó để lại các vết loét nhỏ trên da. Một vài ngày sau, chúng khô và tạo thành lớp vảy. Lớp vảy này cuối cùng sẽ rụng và để lại da non. Da sẽ lành hoàn toàn mà không để lại sẹo nếu các phỏng nước chứa mủ vỡ tự nhiên chứ không vỡ do bị gãi hoặc nếu các vết loét không nhiễm trùng.

Thủy đậu thường xuất hiện như một đợt bùng phát các tổn thương da đặc trưng.

Ban đầu, chúng là các ban đỏ trên da.

Khi còn là phỏng nước chứa dịch và phỏng nước chứa mủ, các tổn thương da thường gây ngứa dữ dội, khiến trẻ bứt rứt. Các phương pháp chữa thủy đậu dân gian được áp dụng chủ yếu là để kiểm soát cảm giác khó chịu ấy cho trẻ thủy đậu.

Theo đó, một số loại lá thường được dùng cho mục đích đó là:

– Lá tía tô,

– Lá kinh giới,

– Lá khế,

– Lá trầu không,

– Lá trà xanh.

Mặc dù khác nhau nhưng để kiểm soát ngứa do các tổn thương da thủy đậu, chúng đều được nhiều phụ huynh Việt Nam dùng theo một trong hai cách:

– Cách thứ nhất: Rửa sạch lá dưới vòi nước chảy để loại bỏ bụi và các tác nhân tiêu cực khác từ môi trường. Đun sôi lá với khoảng 2 – 3l nước trong 15 – 20 phút; để nước nguội đến nhiệt độ phù hợp; sử dụng nước lá đã nguội để tắm cho trẻ. Tắm hàng ngày trong suốt thời gian trẻ mắc thủy đậu.

– Cách thứ hai: Giã nhuyễn lá đã được rửa sạch. Đắp trực lá nhuyễn lên các tổn thương da trong khoảng 15 – 20 phút. Rửa sạch các tổn thương da bằng nước.

Các cách chữa thủy đậu dân gian được áp dụng chủ yếu là để kiểm soát cảm giác khó chịu ấy cho trẻ thủy đậu.

Theo đó, một số loại lá thường được dùng cho mục đích đó là lá tía tô, lá kinh giới, lá khế, lá trầu không, lá trà xanh.

1.2. Hiệu quả của các cách chữa thủy đậu dân gian

Các cách chữa thủy đậu dân gian đã lưu truyền qua nhiều thế hệ tại nhiều nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là ở các cộng đồng mà y học hiện đại chưa phát triển. Mặc dù các loại lá trên được tin là có tính kháng viêm và có thể mang lại một số lợi ích nhất định trong kiểm soát triệu chứng thủy đậu, hiệu quả thực sự của chúng vẫn thiếu thẩm định khoa học; không có đủ nghiên cứu lâm sàng chứng minh hiệu quả của chúng trong điều trị thủy đậu.

Việc áp dụng các cách chữa thủy đậu dân gian cần được cân nhắc kỹ lưỡng, do chúng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dưới đây là một số nguy cơ khi áp dụng các phương pháp dân gian để điều trị thủy đậu:

– Nhiễm trùng: Nếu không được xử lý cẩn thận, lá hoặc các hỗn hợp tự chế có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là khi chúng được dùng để điều trị vết loét thủy đậu. Nhiễm trùng có thể khiến thủy đậu trở nên nghiêm trọng hơn.

– Dị ứng: Một số thành phần trong các lá có thể gây dị ứng, nhất là đối với trẻ có da nhạy cảm. Dị ứng có thể làm nặng thêm các tổn thương da, gây đau đớn cho trẻ

– Áp dụng không đúng cách: Thiếu hướng dẫn chuyên nghiệp có thể dẫn đến việc áp dụng không đúng cách các phương pháp dân gian, như dùng các loại lá với nồng độ không phù hợp. Tình trạng áp dụng các phương pháp dân gian không đúng cách thường không mang lại hiệu quả mong muốn hay thậm chí còn có thể gây hại.

– Chậm trễ điều trị y tế: Ưu tiên các phương pháp dân gian có thể làm chậm trễ việc tìm kiếm các biện pháp điều trị y tế hiệu quả hơn. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm khi thủy đậu gây ra các biến chứng nghiêm trọng, yêu cầu can thiệp y tế kịp thời.

– Thiếu giám sát chuyên môn: Khi bố mẹ áp dụng các phương pháp điều trị thủy đậu dân gian, trẻ thường thiếu sự giám sát của các chuyên gia y tế. Tình trạng này có thể dẫn đến việc các rủi ro không được phát hiện và xử lý kịp thời.

2. Một số lưu ý trong điều trị y tế thủy đậu cho trẻ

Điều trị thủy đậu cho trẻ cần được tiếp cận một cách khoa học để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng trong điều trị thủy đậu cho trẻ:

2.1. Điều trị nguyên nhân

Các bệnh lý phát sinh do virus thường không có thuốc điều trị đặc hiệu và bệnh truyền nhiễm cấp tính thủy đậu không phải là ngoại lệ. Mặc dù vậy, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus như acyclovir cho trẻ, đặc biệt là đối với những trẻ có nguy cơ cao biến chứng hoặc đã có biểu hiện thủy đậu nặng.

2.2. Điều trị triệu chứng

– Hạ sốt, giảm đau: Sử dụng paracetamol (acetaminophen) để hạ sốt, giảm đau. Tránh sử dụng aspirin vì thuốc này có thể gây ra hội chứng Reye rất nguy hiểm ở trẻ dưới 12 tuổi.

Sử dụng paracetamol (acetaminophen) để hạ sốt, giảm đau.

Tránh sử dụng aspirin vì thuốc này có thể gây ra hội chứng Reye rất nguy hiểm ở trẻ dưới 12 tuổi.

– Uống nhiều nước: Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để hạn chế nguy cơ mất nước, mất điện giải, giúp cơ thể phục hồi thuận lợi hơn.

– Giảm ngứa: Sử dụng kem chứa calamine để bôi lên các tổn thương da, giúp giảm ngứa. Ngoài ra, antihistamine dạng uống cũng có thể được sử dụng để giảm ngứa, nhưng muốn sử dụng thì cần có chỉ định của bác sĩ. Giữ cho trẻ không gãi vì gãi có thể làm vỡ các phỏng nước, gây nhiễm trùng.

– Theo dõi các dấu hiệu của biến chứng: Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng tại các vết loét như đỏ, sưng, đau tăng, hoặc có mủ. Ngoài ta, bố mẹ cũng cần theo dõi dấu hiệu khó thở (đây có thể là dấu hiệu của biến chứng phổi), nhức đầu dữ dội (đây có thể là dấu hiệu của biến chứng não).

Áp dụng các biện pháp điều trị y tế giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và hạn chế nguy cơ biến chứng thủy đậu. Tuy nhiên, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp điều trị nào cho trẻ, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital