Viêm dạ dày là bệnh lý khá phổ biến và có nhiều nguyên nhân gây viêm dạ dày. Viêm loét dạ dày cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh để lại các biến chứng nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm viêm dạ dày
Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân gây viêm dạ dày, chúng ta cần tìm hiểu về bệnh viêm dạ dày là gì? Viêm dạ dày là khi trên bề mặt của niêm mạc dạ dày xuất hiện các tổn thương. Dựa theo giải phẫu bệnh thì viêm dạ dày được chia thành 2 loại:
– Viêm dạ dày cấp tính: Xuất hiện các vùng xung huyết và phù lan rộng tại bề mặt niêm mạc
– Viêm dạ dày mạn tính: Khi tình trạng viêm dạ dày xảy ra âm thầm, kéo dài không được điều trị triệt để.
Đây là bệnh lý không đáng lo ngại nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên mọi người không nên chủ quan vì bệnh dạ dày để lâu có thể tiến triển thành ổ viêm loét, thậm chí có nguy cơ mắc ung thư.
Viêm dạ dày có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất ở những người cao tuổi.
2. Các nguyên nhân gây viêm dạ dày phổ biến
Bệnh lý viêm dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân tác động. Một số nguyên nhân do yếu tố bên ngoài tác động. Bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân chủ quan do chính thói quen xấu của người bệnh gây ra.
2.1. Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây viêm dạ dày hàng đầu
Vi khuẩn Helicobacter pylori được xem là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh. Tên thường gọi của loại vi khuẩn này là khuẩn HP. Chúng thường sống trong lớp niêm mạc dạ dày sau đó tiết ra độc tố gây tổn thương cho dạ dày.
2.2. Thói quen dùng chất kích thích, đồ uống có cồn
Nhiều trường hợp viêm dạ dày do lạm dụng rượu bia, đặc biệt ở phái nam. Các độc tố trong đồ uống có cồn làm tổn thương nghiêm trọng niêm mạc dạ dày. Nếu bệnh nhân không ngưng sử dụng rượu bia sẽ khiến bệnh tiến triển nặng hơn, thậm chí gây ra ung thư. Các chất kích thích cũng gây tác dụng tương tự đối với dạ dày vì vậy mọi người nên hạn chế sử dụng.
2.3. Lạm dụng thuốc
Thuốc kháng viêm, giảm đau có thể gây tác dụng phụ khi sử dụng với liều lượng quá nhiều và trong thời gian dài. Nguyên nhân là do trong thuốc có chứa thành phần làm suy giảm nhiệm vụ bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày. Dạ dày lúc này rất dễ bị viêm nhiễm và bị tổn thương.
Mọi người không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp cần sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm bạn nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ để lựa chọn loại thuốc lành tính, ít ảnh hưởng tới dạ dày.
2.4. Stress
Căng thẳng, áp lực cũng là yếu tố tác động gây ra viêm dạ dày. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này khi căng thẳng, hệ thần kinh bị ảnh hưởng và tác động vào dạ dày. Tình trạng này kéo dài làm cho chức năng dạ dày hoạt động kém, lớp niêm mạc dễ bị tổn thương. Vì vậy nếu tâm lý bạn không ổn định thường xuyên sẽ có nguy cơ cao bị bệnh về dạ dày.
2.5. Chế độ ăn uống không hợp lý
Thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới dạ dày. Nếu chế độ ăn uống thiếu khoa học sẽ làm cho dạ dày tiết ra nhiều acid dịch vị hơn bình thường gây viêm loét niêm mạc. Việc ăn uống không đúng bữa, nhịn ăn, ăn khuya hoặc ăn quá no cũng đều khiến dạ dày hoạt động không ổn định nên dễ bị tổn thương.
2.6 Rối loạn tự miễn
Viêm teo dạ dày có thể do rối loạn tự miễn khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công những tế bào khỏe mạnh của niêm mạc. Niêm mạc dạ dày từ từ mỏng đi ( teo lại) khiến dạ dày sinh ra ít acid dịch vị hơn.
2.7 Một số bệnh lý cũng là nguyên nhân gây viêm dạ dày
– Bệnh Crohn: Đây là bệnh gây viêm mạn tính niêm mạc đường tiêu hóa. Dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh này là người bệnh thường thấy đau bụng, tiêu chảy, suy nhược cơ thể,…
– Bệnh trào ngược mật
– Bệnh suy gan, suy thận cũng ảnh hưởng không nhỏ tới dạ dày
– Bệnh nhân bị ung thư và đang trong thời gian hóa trị, xạ trị. Các độc tố trong biện pháp trị liệu này sẽ tác động lên dạ dày gây ra viêm loét.
3. Triệu chứng viêm dạ dày
– Đau vùng thượng vị: Cơn đau có thể diễn ra âm ỉ hoặc dữ dội tùy thuộc vào tình trạng bệnh
– Cảm giác buồn nôn, nôn
– Đầy bụng, khó tiêu gây ra tình trạng chán ăn thường xuyên
– Ợ chua, ợ hơi, ợ rát vùng ngực
– Một số trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể nôn ra máu, đi ngoài phân có lẫn máu màu đen, hắc ín do dạ dày bị xuất huyết
Đối với viêm dạ dày cấp các triệu chứng sẽ xảy ra đột ngột. Viêm dạ dày mạn tính thường tiến triển từ từ, âm ỉ. Một số trường hợp viêm dạ dày mạn tính có thể không hề có triệu chứng nào cho tới khi bệnh đã sang giai đoạn nặng.
4. Các lưu ý khi chăm sóc khi bị viêm dạ dày
Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp tới dạ dày vì vậy việc ăn gì và nên kiêng gì khi bị bệnh vô cùng quan trọng. Bạn cần tìm hiểu kỹ về mức độ ảnh hưởng của các loại thực phẩm
4.1 Chế độ ăn uống
– Người bị viêm dạ dày cần có chế độ ăn phù hợp để hạn chế bệnh tiến triển. Muốn có hệ tiêu hóa ổn định bạn nên cung cấp cho cơ thể các thực phẩm có khả năng giảm acid, bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ điều trị vết loét.
– Các thực phẩm khuyến khích sử dụng cho bệnh nhân: Nghệ, mật ong, tinh bột dễ tiêu hóa, trái cây, rau xanh,…
– Các thực phẩm nên hạn chế ăn: Đồ ăn liền, thực phẩm chua, cay, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ,…
– Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn sẽ khiến tình trạng viêm dạ dày trở nên nặng hơn.
– Bạn cần lưu ý rửa tay sạch bằng nước và xà phòng trước khi ăn để ngăn nhiễm trùng
– Các bữa ăn nên được chia nhỏ để giảm gánh nặng lên dạ dày
4.2 Chế độ sinh hoạt
– Tinh thần của bệnh nhân ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình kiểm soát và điều trị bệnh. Bạn nên giữ tâm lý vui vẻ, lạc quan để không làm bệnh tiến triển nặng hơn.
– Người bệnh cần có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, làm việc khoa học và lành mạnh.
– Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao phù hợp với thể trạng, tránh các bài tập quá nặng.
– Cân nhắc trước khi sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm. Bạn không nên tùy tiện sử dụng mà cần tư vấn của bác sĩ
– Tạo thói quen khám bệnh định kỳ giúp tầm soát và phát hiện bệnh sớm
– Tránh việc tự ý thay đổi liều lượng thuốc, dừng thuốc khi thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm.
Sau khi hiểu rõ về nguyên nhân gây viêm dạ dày sẽ giúp bạn phòng tránh bệnh hiệu quả hơn. Trong trường hợp có những dấu hiệu nghi ngờ bị viêm dạ dày bạn nên tới bệnh viện thăm khám để phát hiện và điều trị bệnh sớm.