Hiện nay, việc quan tâm tiêm phòng mới chỉ tập trung ở trẻ nhỏ, phụ nữ mà lãng quên nhóm người trường thành (20 – 50 tuổi), cụ thể là nam giới. Khi nam giới không được tiêm phòng đầy đủ thì sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của chính mình và chịu nhiều di chứng trong tương lai. Dưới đây là các loại vacxin nên tiêm sớm cho nam giới mà bạn cần biết.
Menu xem nhanh:
1. Lí do nam giới cần tiêm phòng đầy đủ
Vacxin được khuyến cáo tiêm ở mọi đối tượng, giúp xây dựng hàng rào chắc chắn bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm bệnh. Vacxin cần tiêm từ khi còn nhỏ, duy trì ngay cả khi trưởng thành hoặc đã cao tuổi.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy nam giới trong độ tuổi trưởng thành không quan tâm và không thực hiện theo những khuyến cáo về tiêm phòng. Có rất nhiều người suy nghĩ rằng “tiêm từ nhỏ là được rồi, giờ không tiêm cũng được”, “chẳng biết tiêm mũi phòng bệnh nào nữa”, “vợ và con tiêm rồi là không sao”,… Chính điều đó đã khiến cộng đồng xuất hiện một lỗ hổng tiêm phòng, một bộ phận không được bảo vệ bằng vacxin – chính là nam giới, đồng thời nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.
Nếu nhiễm bệnh, nam giới sẽ phải chịu rất nhiều di chứng ảnh hưởng đến tương lai:
– Viêm phổi.
– Viêm màng não.
– Ung thư gan.
– Ung thư biểu mô dương vật.
– Ung thư hậu môn.
2. Các loại vacxin nên tiêm sớm ở nam giới
2.1. Vacxin uốn ván
Do có lợi về mặt thể chất, nam giới thường được phân công các công việc nặng nhọc hơn, phải bê vác hoặc leo trèo. Trong quá trình lao động sẽ không tránh khỏi nguy cơ chấn thương, tỷ lệ mắc bệnh uốn ván cũng tăng cao hơn. Do đó, nam giới cần chủ động bảo vệ bản thân khỏi bệnh này bằng cách tiêm ngừa uốn ván từ sớm.
Hiện có 2 loại vacxin uốn ván mà bạn có thể lựa chọn:
– Vacxin uốn ván đơn.
– Vacxin phối hợp phòng 3 bệnh cùng lúc gồm uốn ván, bạch hầu và ho gà.
Vacxin uốn ván nên được tiêm sớm ở nam giới. Với những người chưa từng tiêm chủng hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng thì cần hoàn thành lịch tiêm cơ bản (3 mũi) như sau:
– Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt.
– Mũi 2: Cách mũi đầu là 4 tuần.
– Mũi 3: Cách mũi đầu là 6 tháng.
Sau đó, tiêm nhắc lại 1 mũi sau mỗi 10 năm để duy trì hiệu quả bảo vệ của vacxin.
2.2. Vacxin viêm gan B là một trong các loại vacxin nên tiêm ở nam giới
Viêm gan B là bệnh có tỷ lệ nhiễm và tử vong cao. Di chứng do bệnh gây ra rất nặng nề, nhất là nam giới trong độ tuổi sinh sản có nhiều bạn tình.
Với trường hợp nam giới đã kết hôn, nếu chồng mắc bệnh thì khả năng lây sang vợ là rất cao. Nguy hiểm hơn, vợ trong thời gian mang thai chẳng may nhiễm viêm gan B thì sẽ lây truyền sang thai nhi. Bé sinh ra có nguy cơ mắc bệnh cao, phát triển thành viêm gan mãn tính và xơ gan.
Do đó, chuyên gia y tế khuyến cáo nam giới cần chủ động chích ngừa để bảo vệ bản thân khỏi mắc bệnh. Lịch tiêm cơ bản như sau (dành cho đối tượng chưa tiêm hoặc đã tiêm nhưng kháng thể viêm gan B thấp dưới 10 IU/l):
– Tiêm 3 mũi theo lịch 0 – 1 – 2 tháng (sau mũi 1).
– Hoặc tiêm 3 mũi theo lịch 0 – 1 – 6 tháng (sau mũi 1).
Bên cạnh đó có lịch tiêm tăng cường gồm:
– Mũi 4: Thực hiện sau 1 năm kể từ mũi 3.
– Mũi 5: Thực hiện sau 8 năm kể từ mũi 4.
2.3. Vacxin cúm mùa
Virus cúm tấn công mọi đối tượng, không phân biệt già – trẻ, nam – nữ,… Nam giới hoàn toàn có khả năng mắc cúm nếu không chủ động thiết lập hàng rào vacxin bảo vệ. Một khi nhiễm bệnh sẽ trở thành nguồn lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình.
Bệnh cúm thường kéo dài 6-7 ngày. Lúc này cơ thể trở nên mệt mỏi, nam giới buộc phải nghỉ làm và mất chi phí ngày công. Do đó, việc hàng năm tiêm vacxin cúm mùa là rất quan trọng, vừa giúp phòng bệnh vừa đảm bảo sức khỏe lao động cho nam giới.
2.4. Các loại vacxin nên tiêm ở nam giới? – Vacxin HPV
Phải đến 9/10 người nghĩ rằng “Tiêm phòng HPV thường dành cho nữ để phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh phụ khoa”. Với suy nghĩ như vậy, rất nhiều nam giới đã bỏ qua mũi tiêm này mà không lường trước được virus HPV có thể gây ra các bệnh như:
– Ung thư dương vật.
– Ung thư hậu môn.
– Ung thư vòm họng.
Ở người trẻ virus HPV có thể đào thải nhanh nhưng ở nam giới từ 35 tuổi trở lên thì có thể tồn tại suốt đời trong cơ thể. Đồng thời, tỷ lệ đào thải virus lúc này thấp, lâu ngày tiến triển thành tế bào ung thư. Chính vì vậy rất khó để nhận biết thời điểm lây nhiễm HPV ở nam giới và khó có phương pháp điều trị hoặc chữa khỏi.
Do đó, chuyên gia y tế khuyến cáo nam giới cũng rất cần tiêm vắc xin HPV sớm, đầy đủ và đúng lịch. Đặc biệt, tiêm chủng trước khi cưới sẽ giúp phòng ngừa tình trạng nhiễm HPV lâu dài, giảm nguy cơ mắc bệnh và truyền bệnh sang bạn đời.
2.5. Vacxin quai bị – sởi – rubella
Nếu hỏi các loại vacxin cần tiêm ở nam giới thì không thể thiếu vacxin phòng 3 bệnh đồng thời gồm:
– Quai bị.
– Sởi.
– Rubella.
Quai bị có thể gây viêm tinh hoàn, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Trong khi đó, sởi và rubella có khả năng lây nhiễm sang nhóm phụ nữ có thai và trẻ nhỏ rất cao, gây ra biến chứng nặng.
Để phòng ngừa, nam giới cần chủng ngừa đầy đủ với 2 mũi tiêm cơ bản (đối với trường hợp chưa tiêm). Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần.
2.6. Vacxin thủy đậu
Nhiều người vẫn giữ quan niệm bệnh thủy đậu chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ hoặc nếu từng mắc bệnh thì sẽ có miễn dịch cả đời. Chính điều này khiến nhiều người, trong đó có nam giới chủ quan và không tiêm vacxin phòng bệnh nữa.
Nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo nam giới vẫn cần tiêm vacxin thủy đậu đủ liều. Bao gồm 2 mũi tiêm cách nhau từ 6 đến 8 tuần.
Trên đây là các loại vacxin nên tiêm mà nam giới không nên bỏ qua. Tiêm phòng không chỉ quan trọng đối với trẻ em, người già, phụ nữ,… mà nam giới cũng cần quan tâm về vấn đề này. Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm chủng sớm và đầy đủ là rất cần thiết để bảo vệ bản thân mình khỏi những rủi ro bệnh tật trong tương lai. Từ đó mới có một sức khỏe tốt để cống hiến làm việc và gánh vác gia đình nhỏ của mình.