Tăng đường huyết hay tăng lượng đường trong máu, là một tình trạng sức khỏe cần quan tâm. Các dấu hiệu của tăng đường huyết bao gồm khát nước, đi tiểu thường xuyên và lượng đường trong nước tiểu tăng cao. Đường huyết tăng khi cơ thể sản sinh ra quá ít insulin hoặc không có khả năng sử dụng insulin đúng cách. Nếu không theo dõi và có biện pháp kiểm soát, đường huyết quá cao có thể dẫn tới tình trạng nhiễm toan ceton hay còn gọi là hôn mê tiểu đường. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người bệnh chỉ cần điều chỉnh một số thói quen ăn uống sinh hoạt hàng ngày là một trong các cách làm giảm đường huyết tự nhiên, có thể giảm bớt lượng đường trong máu, duy trì ở mức độ ổn định.
Menu xem nhanh:
1. Chế độ ăn uống
Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ hỗ trợ làm giảm lượng đường trong máu. Tiêu thụ carbohydrate chất xơ như trái cây tươi và rau quả, đậu và ngũ cốc. Ăn protein nạc, bao gồm thịt gia cầm bỏ da, cá, các sản phẩm từ đậu nành và thay thế sữa nguyên kem bằng các loại sữa tách béo. Bổ sung thực phẩm có chứa chất béo lành mạnh vào chế độ ăn uống với các loại hạt và quả bơ, dùng dầu oliu hoặc dầu hạt cải khi chế biến thức ăn. Ngoài ra, tránh hoặc hạn chế tiêu thụ các chất béo chuyển hóa, có nhiều trong đồ ăn chiên xào, đồ ăn vật, đồ ăn chế biến sẵn.
2. Tập thể dục
Tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên. Hãy lựa chọn các hình thức hoạt động vừa phải như đi bộ, đi xe đạp hoặc bơi lội và cố gắng dành 30 phút mỗi ngày để luyện tập. Với những ngày bận rộn, có thể giảm xuống từ 10 – 15 phút nhưng tuyệt đối không nên bỏ dở. Chủ động lựa chọn những hình thức vận động mà bản thân ưa thích hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết hình thức thể dục, thể thao nào phù hợp nhất với bản thân.
3. Kiểm soát cân nặng
Giảm bớt lượng cân nặng dư thừa có thể làm giảm đường huyết tăng cao. Ngay cả khi chỉ giảm 5% trọng lượng cơ thể cũng đã có một tác động đáng kể tới lượng đường trong máu, theo MayoClinic. com. Kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày bằng cách sử dụng nhật ký thực phẩm khi lại những đồ ăn thức uống đã tiêu thụ và cân đo, đong đếm lượng thức ăn mỗi ngày. Có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để xây dựng một kế hoạch giảm cân riêng cho bản thân. Duy trì trọng lượng hợp lý không chỉ giúp làm giảm đường huyết mà còn có tác dụng cải thiện sức khỏe tổng quát.
4. Hạn chế đồ uống có cồn
Rượu, bia có thể gây biến động lượng đường trong máu. Vì thế nên hạn chế, chỉ nên uống với lượng vừa phải. Theo khuyến cáo chung, phụ nữ không nên uống quá 1 ly/ngày và nam giới là không quá 2 ly/ngày.
5. Giảm stress
Căng thẳng tâm lý có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nếu thường xuyên cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, hãy xác định nguyên nhân và tìm cách giải quyết như trò chuyện với bạn bè, người thân hoặc tìm tới các chuyên gia tâm lý.