VA giúp trẻ tạo kháng thể qua các lần viêm nhiễm, tuy nhiên nếu sức đề kháng giảm, vi khuẩn có thể xâm nhập toàn bộ VA gây viêm VA. Các biểu hiện viêm VA ở trẻ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Các biểu hiện viêm VA ở trẻ
1.1. Viêm V.A cấp tính
- Thường xảy ra ở trẻ từ 6 – 7 tháng tuổi đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở trẻ lớn hơn.
- Khởi bệnh đột ngột, trẻ bị sốt, 38 – 39 độ C, đôi khi sốt cao đến 40 độ C hoặc không sốt.
- Triệu chứng quan trọng nhất là ngạt mũi, ngạt nặng dần, ngạt một bên rồi hai bên. Trẻ thở khó khăn, thường phải há miệng thở, thở khụt khịt, khóc hoặc nói giọng mũi kín … Trẻ có thể bỏ bú hoặc bú ngắt quãng vì không thở được bằng mũi.
- Chảy nước mũi ra phía trước và xuống dưới họng: nước mũi lúc đầu trong về sau đục. VA càng to thì nghẹt mũi và chảy mũi càng tăng. Viêm VA phát triển lâu ngày thường dẫn đến chảy nước mũi thường xuyên, nước màu vàng hoặc xanh.
- Ho: thường xuất hiện muộn hơn, vào ngày thứ hai hoặc thứ ba. Trẻ ho do khô miệng vì thường xuyên thở bằng miệng hoặc do dịch chảy xuống từ vòm mũi họng, gây viêm họng.
- Trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở có mùi hôi khó chịu.
- Có thể có rối loạn tiêu hóa: nôn trớ, tiêu chảy.
- Trẻ nghe kém.
1.2. Viêm V.A mạn tính
Viêm VA mạn tính là tình trạng quá phát và xơ hóa của tổ chức này sau nhiều lần viêm cấp tính. Hai dấu hiệu chủ yếu của viêm VA mạn tính là chảy nước mũi và ngạt mũi mạn tính.
- Trẻ chảy nước mũi trong hoặc nhày, cũng có thể chảy nước mũi mủ (bội nhiễm). Chảy mũi thường kéo dài.
- Ngạt mũi có nhiều mức độ, ít thì chỉ ngạt về đêm, nhiều thì ngạt suốt ngày, thậm chí tắc mũi hoàn toàn. Trẻ phải thở bằng miệng, nói hoặc khóc giọng mũi.
Nếu viêm VA kéo dài, không được điều trị, trẻ bị thiếu oxy mạn tính có thể gây nên những biến đổi đặc trưng:
- Chậm phát triển thể chất và tinh thần, chậm chạp, kém hoạt bát.
- Khó ngủ, nghiến răng khi ngủ, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, thường giật mình,… thậm chí có thể xuất hiện những cơn ngừng thở trong lúc ngủ.
2. Chữa trị viêm V. A ở trẻ như thế nào?
Những trẻ mắc bệnh viêm VA nhẹ thì có thể không cần dùng thuốc. Cha mẹ chỉ bổ sung dinh dưỡng và thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý thì bệnh sẽ khỏi nhanh chóng.
Còn những trường hợp nặng thì tất nhiên phải đưa trẻ đến bác sĩ để điều trị kịp thời. Bác sĩ chuyên khoa sẽ kê đơn cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt,… tùy trường hợp. Nếu như viêm VA đến mức nghẹt đường thở thì bắt buộc phải can thiệp bằng cách nạo VA. Và để phòng ngừa căn bệnh viêm VA ở trẻ nhỏ phải giữ vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ thường xuyên.