Bệnh ngoài da ở trẻ em: Thông tin bố mẹ cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện hệ miễn dịch, dễ mắc nhiều bệnh lý. Trong đó, có các bệnh lý về da. Mặc dù không nguy hiểm, những bệnh lý này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Vậy, nếu bố mẹ chưa nắm rõ thông tin về các bệnh ngoài da ở trẻ em, đọc bài viết sau của Thu Cúc TCI ngay, bố mẹ nhé!

1. Chàm sữa

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 100 trẻ, có đến 20 trẻ là bị chàm sữa. Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa, thường xuất hiện ở trẻ từ 2 tháng tuổi. Đây là một bệnh lý mang đặc tính viêm da dị ứng, biểu hiện bằng những mụn nhỏ li ti. Những mụn này mọc theo thứ tự: Hai má trước rồi trán và cằm sau. Chúng nhanh chóng vỡ. Khi chúng vỡ, da trẻ đỏ và rớm dịch. Khi ấy, nếu có nhiễm trùng đi kèm, tình trạng đỏ của da sẽ tăng, da đóng mày màu vàng, khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu. Có 3 loại chàm sữa là: Chàm sữa cấp tính, chàm sữa mạn tính và chàm sữa bán cấp.

– Chàm sữa cấp tính: Chính là loại chàm sữa được mô tả phía trên.

– Chàm sữa mạn tính: So với chàm sữa cấp tính, chàm sữa mãn tính tổn thương một vùng da rộng và dày hơn. Vùng da tổn thương do chàm sữa mãn tính của trẻ thường khô ráp, bong tróc, có nhiều rãnh ngang dọc.

– Chàm sữa bán cấp: Là chàm sữa sở hữu đặc điểm của cả chàm sữa cấp tính và chàm sữa mãn tính.

Mặc dù thường tái phát nhiều lần, chàm sữa sẽ biến mất hoàn toàn mà không để lại di chứng nào khi trẻ lên 2 tuổi.

Chàm sữa mang đặc tính viêm da dị ứng, biểu hiện bằng những mụn nhỏ li ti

Chàm sữa hay còn gọi là lác sữa, thường xuất hiện ở trẻ từ 2 tháng tuổi

2. Mụn hạt kê

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: Có tới 50% trẻ sơ sinh bị mụn hạt kê. Vậy, mụn hạt kê là gì? Về bản chất, chúng là các nang chứa chất nhờn hay Keratin. Chúng có kích thước khoảng 3mm, màu trắng hoặc hồng, nằm rải rác hoặc tập trung thành cụm trên nhiều vùng da trẻ sơ sinh, đặc biệt là da vùng mí mắt và vùng má. Mụn hạt kê có 2 loại: Mụn hạt kê nguyên phát và mụn hạt kê thứ phát. Tương tự chàm sữa, mụn hạt kê cũng sẽ biến mất mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, thời gian để chúng lặn ngắn hơn rất nhiều so với chàm sữa (chỉ vài tuần). Để thuận lợi tạm biệt mụn hạt kê, khi tắm cho trẻ, bố mẹ nên nhẹ nhàng, tránh kỳ cọ mạnh những vùng da có chúng.

3. Bớt

Với 80% trẻ sơ sinh bị bớt, có thể nói đây là bệnh ngoài da ở trẻ em phổ biến nhất. Theo đó, vùng da sẫm màu, xuất hiện trên da trẻ khi trẻ chào đời hoặc khi trẻ được vài tháng tuổi được gọi là bớt. Bớt có thể mờ dần rồi biến mất theo thời gian hoặc tồn tại vĩnh viễn suốt đời trẻ. Có 2 loại bớt là bớt mạch máu và bớt sắc tố. Trong đó, bớt mạch máu bao gồm bớt đốm cá hồi, bớt mạch máu, bớt rượu vang đỏ; hình thành do mạch máu nằm sai vị trí hoặc quá phát. Còn bớt sắc tố bao gồm bớt xanh (bớt mông cổ), bớt mụn mủ hắc tố, mụn hạt kê, bớt ban nhiệt, bớt ban đỏ, nốt ruồi; hình thành do sự quá phát của các tế bào sắc tố dưới da.

Với 80% trẻ sơ sinh bị bớt, có thể nói đây là bệnh ngoài da ở trẻ em phổ biến nhất

Vùng da sẫm màu, xuất hiện trên da trẻ được gọi là bớt

4. Rôm sảy

Tình trạng viêm da hình thành do tắc nghẽn tuyến mồ hôi được gọi là rôm sảy. Rôm sảy có thể được nhận biết bằng các mụn nước li ti, mọc thành mảng trên nền da mẩn đỏ, ở các vị trí tập trung tuyến mồ hôi như trán, cổ, vai, ngực và lưng. Tuyến mồ hôi ở trẻ tắc nghẽn chủ yếu do thời tiết nóng nực. Chính vì vậy, rôm sảy thường xuất hiện vào mùa hè. Rôm sảy có thể được phân loại thành:

– Rôm dạng tinh thể: Là loại rôm nhẹ nhất; nó chỉ ảnh hưởng đến các ống tuyến trên cùng của da. Rôm dạng tinh thể không ngứa hay đau và thường xảy ra do trẻ sốt cao.

– Rôm đỏ: Là loại rôm xảy ra sâu trong da, gây ngứa, thường xuất hiện do thời tiết.

– Rôm sâu: Là loại rôm phát sinh từ lớp sâu nhất của da. Rôm sâu ít gặp nhất trong 3 loại rôm.

5. Viêm da tã lót

Một trong những bệnh ngoài da ở trẻ em thường gặp nhất là viêm da tã lót hay còn gọi là chứng hăm tã. Bệnh lý này khởi phát do những nguyên nhân sau:

– Trẻ kích ứng da do tiếp xúc thời gian dài với nước tiểu và phân;

– Trẻ dị ứng các thành phần của tã lót;

– Trẻ nhiễm các tác nhân tiêu cực từ môi trường, như vi khuẩn, nấm Candida Albicans,…

Trẻ viêm da tã lót do nhiễm các tác nhân tiêu cực từ môi trường thường bị ngứa ngáy, dát, đỏ, tổn thương vệ tinh nhỏ như đầu đinh ghim ở vùng nhạy cảm. Trẻ viêm da tã lót do dị ứng các thành phần của tã lót, vùng da mặt trong đùi, mông, bụng,… bị đỏ. Trẻ viêm da tã lót do kích ứng nước tiểu và phân, cũng đỏ vùng da mông, quanh hậu môn,… nhưng tình trạng nghiêm trọng hơn so với viêm da tã lót do dị ứng các thành phần tã lót.

Trẻ dị ứng các thành phần của tã lót có thể bị viêm da tã lót

Trẻ có thể bị viêm da tã lót do dị ứng các thành phần của tã lót

6. Nhọt

Tình trạng viêm toàn bộ nang lông và các tổ chức xung quanh do liên cầu hoặc tụ cầu vàng, được xác định là nhọt. Nhọt thường mọc ở các vùng mặt, cổ, nách, vai, mông. Nhọt có một số yếu tố nguy cơ. Theo đó, trẻ có những vấn đề sau dễ bị nhọt hơn những trẻ còn lại: Sinh trường trong môi trường nóng nực; vệ sinh da kém; dùng nhiều đồ ngọt; bị đái tháo đường; bị eczema; thiếu máu thiếu sắt; miễn dịch kém hoặc suy giảm. Khi mới xuất hiện, nhọt chỉ là các nốt đỏ nhỏ trên da. Qua thời gian, chúng lan rộng, sưng, phù nề, mưng mủ, gây đau đớn cho trẻ.

7. Nấm Candida Albicans

Nấm Candida Albicans không chỉ gây viêm da tã lót mà còn gây một bệnh ngoài da khác ở trẻ là bệnh nấm Candida Albicans. Trẻ bị nấm Candida Albicans thường có triệu chứng: Da vùng nhạy cảm bị đỏ bóng, có ít bợn trắng, kèm theo ngứa. Trẻ sinh trưởng trong môi trường ẩm ướt, hay ra mồ hôi, vệ sinh kém (nước tiểu ứ đọng) dễ bị nấm Candida Albicans.

Khi trẻ gặp các bệnh ngoài da đã được liệt kê phía trên, để chúng nhanh chóng được kiểm soát hiệu quả, bố mẹ có thể xin tư vấn từ chuyên gia để được chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc trẻ đúng đắn. Liên hệ Thu Cúc TCI ngay, nếu bố mẹ còn thắc mắc cần giải đáp chi tiết về bệnh ngoài da ở trẻ em, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital