Bố mẹ cần làm gì khi trẻ biếng ăn

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Biếng ăn là tình trạng mà rất nhiều trẻ gặp phải. Tình trạng biếng ăn có thể chỉ xảy ra trong 1 giai đoạn ngắn nhưng cũng có những trẻ bị biếng ăn kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình phát triển. Vậy bố mẹ cần xử trí thế nào khi trẻ biếng ăn?

Dấu hiệu khi trẻ bị biếng ăn

Rất nhiều trẻ gặp phải tình trạng biếng ăn.

1. Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn

Khi trẻ biếng ăn khiến bố mẹ không khỏi lo lắng và có phần khó khăn khi cố gắng giúp con khơi gợi hứng thú ăn uống và đưa trẻ trở về quỹ đạo ăn uống như bình thường. Để khắc phục, bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ biếng ăn?
– Thực đơn nhàm chán: nhiều trẻ gặp phải tình trạng biếng ăn khi thực đơn không có sự phong phú, không được thay đổi
– Khẩu phần ăn thiếu cân đối: việc mất cân bằng trong khẩu phần ăn có thể khiến trẻ giảm hứng thú với một số món ăn, lâu dần khiến trẻ cảm thấy việc ăn là nhàm chán và trở nên biếng ăn hơn
– Ăn dặm quá sớm cũng là một nguyên nhân đáng chú ý gây nên tình trạng biếng ăn. Trẻ ăn dặm sớm, hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, khó hấp thu nhiều nhóm chất khiến trẻ biếng ăn hoặc lười ăn một số loại thực phẩm nhất định.
– Thay đổi sinh lý giữa các giai đoạn phát triển: bò, tập đi,…
– Bố mẹ không cho trẻ ăn theo giờ giấc cố định, dễ thỏa hiệp với thói quen ăn tùy giấc của trẻ khiến trẻ hình thành tâm lý ăn uống thất thường, có thể là không ăn, bỏ ăn, biếng ăn
– Trẻ được phép ăn vặt, kẹo bánh trước bữa ăn chính sẽ lười ăn bữa chính, hình thành thói quen ăn vặt trước bữa ăn gây nên tình trạng biếng ăn kéo dài, khó sửa
– Khi ăn trẻ xem ti vi, nghịch ngợm, không tập trung ăn uống
– Bố mẹ áp dụng phương pháp dạy trẻ ăn sai cách. Trẻ thường xuyên bị ép ăn bằng cách quát mắng có xu hướng biếng ăn hơn những trẻ được chủ động và không bị quát mắng.
– Trẻ có thể biếng ăn khi thay đổi môi trường như khi đi học nội trú, xa bố mẹ. Đây là một yếu tố tâm lý tác động không nhỏ đến hứng thú ăn uống của trẻ.
– Các món ăn không hợp khẩu vị và bố mẹ không chú ý để thay đổi

Khi trẻ biếng ăn thể hiện các dấu hiệu như thế nào?

Thực đơn nhàm chán là một trong những lý do khiến trẻ biếng ăn.

Đó là các nguyên nhân sinh lý khiến trẻ bị biếng ăn. Ngoài ra, trẻ có thể bị biếng ăn khi bị ốm, cơ thể không khỏe, gọi là biếng ăn bệnh lý. Biếng ăn bệnh lý có thể xuất hiện trong thời gian ngắn khi trẻ bị ốm, cảm, đang dùng thuốc,…

2. Dấu hiệu khi trẻ biếng ăn bệnh lý

Khác với biếng ăn sinh lý, trẻ bị biếng ăn bệnh lý do sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng, có bệnh hoặc có bất thường ở một số cơ quan. Dấu hiệu khi trẻ biếng ăn bệnh lý có thể kể đến như:
– Trẻ gặp khó khăn khi nhai, nuốt do các nguyên nhân như viêm amidan, mọc răng, áp xe lợi,…
– Triệu chứng rối loạn tiêu hóa
– Nhiễm trùng do viêm đường hô hấp, tiêu hóa,… làm hàm lượng vitamin sụt giảm khiến trẻ lười ăn, khó hấp thu
– Trẻ bú ít
– Trẻ không có hứng thú với đồ ăn dặm
– Trốn ăn, giả vờ ăn

3. Khi trẻ biếng ăn kéo dài ảnh hưởng như thế nào?

Khi trẻ bị biếng ăn trong thời gian dài, sức khỏe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều:
– Chậm tăng cân, chậm lớn hơn các trẻ đồng trang lứa
– Suy dinh dưỡng
– Sức đề kháng giảm khiến trẻ dễ ốm vặt
– Nếu bị suy dinh dưỡng nặng, trẻ có thể bị ảnh hưởng chiều cao. Khi này, việc khắc phục sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
– Thiếu năng lượng khiến trẻ chậm chạp, giảm giao tiếp xã hội
– Kém phát triển trí não

Tác hại khi trẻ biếng ăn

Biếng ăn trong thời gian dài dễ khiến trẻ bị chậm phát triển, thấp còi.

4. Trẻ biếng ăn phải làm sao?

Vậy khi trẻ biếng ăn, bố mẹ cần làm gì để khơi dậy hứng thú ăn uống và giúp con ăn uống bình thường trở lại? Bố mẹ có thể áp dụng một số phương án dưới đây:
– Mỗi tuần, mỗi ngày có thể thay đổi các thực phẩm khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng cơ bản
– Hạn chế hoặc không thúc ép trẻ ăn khi con chưa đói. Thông thường, các bữa ăn có thể cách nhau 4 – 5 tiếng. Bố mẹ có thể dựa vào lượng thức ăn, thời gian ăn và hoạt động của trẻ để bổ sung thêm cho trẻ. Với những trẻ lớn, đã biết nói thì bố mẹ có thể dặn dò con tự bày tỏ mong muốn khi con đói và cần ăn.
– Khuyến khích con ăn bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng, chia sẻ những bài học.
– Bố mẹ có thể ghi lại thời gian biểu của con để xây dựng, điều chỉnh chế độ ăn hợp lý hơn cho trẻ
– Có thể cắt giảm số bữa và lượng thức ăn để khơi dậy mong muốn ăn uống của con. Việc cung cấp thừa lượng đồ ăn, bữa ăn cũng gián tiếp khiến trẻ biếng ăn.
– Nếu trẻ không bỏ được bữa ăn vặt thì bố mẹ nên thay đổi thành các món nhẹ nhàng, có thể là trái cây, sữa chua,… Sau khi giảm, bố mẹ có thể thử nghiệm cắt hoàn toàn bữa ăn vặt của trẻ và theo dõi phản ứng của con. Việc cắt bữa ăn vặt sẽ hỗ trợ trẻ ăn bữa chính tốt hơn. Trước bữa ăn bố mẹ không nên cho con uống nước, sẽ tạo nên cảm giác no, đầy bụng.

– Giảm khẩu phần ăn của trẻ. Tuy trẻ đang biếng ăn nhưng nếu cứ cố gắng nhồi nhét cho trẻ ăn quá nhiều một bữa cũng không phải tốt. Nhìn một bát cơm đầy, khẩu phần ăn khổng lồ hơn sẽ khiến tâm lý trẻ sợ hãi việc ăn hơn. Thay vào đó, hãy chia nhỏ bữa ăn với lượng đồ ăn ít hơn. Trẻ sẽ bị “đánh lừa” tâm lý rằng phải ăn ít hơn nhưng trên thực tế vẫn là lượng đồ ăn như cũ.
– Với trẻ nhỏ, có thể thay đổi dụng cụ ăn uống của con để khơi dậy hứng thú ăn uống. Nhiều trẻ có phản ứng tốt với cách này.
– Bố mẹ vẫn cần nghiêm khắc với con nhưng không nên quá cứng nhắc khi con quá hiếu động trong bữa ăn. Có thể thỏa hiệp với con nhưng không được để con đi quá giới hạn, con không được phép đòi hỏi rồi mới ăn. Như vậy sẽ xây dựng nên tâm lý chống đối.
– Để trẻ tự ăn và hạn chế hoặc không bón, xúc cho trẻ khi trẻ đã lớn
– Đánh lừa trẻ bằng cách thay vì cho trẻ ăn cơm với thịt thì có thể cho trẻ ăn bánh mì kẹp thịt. Đảm bảo đủ nhóm chất và đủ lượng
– Để bé cùng tham gia nấu nướng, cùng ăn với cả gia đình. Điều này không những tạo gắn kết mà còn khiến trẻ hòa nhập.

Trên đây là những biện pháp mà bố mẹ hoàn toàn có thể tự thực hiện mỗi ngày khi trẻ biếng ăn. Nhưng nếu trẻ biếng ăn quá lâu, do bệnh lý thì bố mẹ nên xem xét cho trẻ đi thăm khám các bác sĩ Nhi, bác sĩ dinh dưỡng. Các bác sĩ có thể chỉ định cung cấp các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, kẽm, crom…. Bố mẹ tuyệt đối không tự ý bổ sung vitamin, thực phẩm chức năng khi trẻ bị biếng ăn vì có thể làm đảo ngược hiệu quả thậm chí gây hại đến sức khỏe của con.

Xử trí thế nào khi trẻ biếng ăn?

Trẻ biếng ăn do bệnh lý cần được gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán.

Bố mẹ cần luôn chú ý để đồng hành và hỗ trợ con trên chặng đường khôn lớn. Bố mẹ cũng cần có sự hỗ trợ của các bác sĩ khi trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe. Thu Cúc TCI với các bác sĩ chuyên khoa Nhi có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện lớn luôn sát cánh bên cạnh bố mẹ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital