Bệnh tim thông liên nhĩ là một trong số những bệnh bẩm sinh thường gặp, chiếm khoảng 7-15% các bệnh về tim bẩm sinh. Thông liên nhĩ là tình trạng xuất hiện một lỗ thông bất thường ở tim trên vách liên nhĩ, dẫn tới nhĩ trái và nhĩ phải thông thương nhau
Bệnh tim thông liên nhĩ có nhiều thể, tuy nhiên thông liên nhĩ lỗ thứ phát là thể bệnh thường gặp nhất.
Menu xem nhanh:
Biểu hiện bệnh tim thông liên nhĩ
Thông liên nhĩ thường không có biểu hiện rầm rộ, hầu như không có triệu chứng. Tuy nhiên, tình trạng tim thông liên nhĩ nếu không điều trị, bệnh diễn tiến nhanh sẽ làm giãn nở cấu trúc tim phải (nhĩ phải, thất phải, động mạch phổi), tăng máu lên phổi gây tăng áp động mạch phổi, rối loạn nhịp…điều này khiến người bệnh cảm thấy khó thở khi gắng sức, ho, tim đập nhanh bất thường… Đến thời kỳ cuối, khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng tím là tình trạng bệnh đã rất nặng, lúc này không thể phẫu thuật hay điều trị gì khác.
Phương pháp điều trị bệnh tim thông liên nhĩ
Điều trị nội khoa: phương pháp này được áp dụng cho các bệnh nhân chưa có chỉ định mổ hoặc quá giai đoạn chỉ định mổ.
Trong trường hợp người bệnh chưa có chỉ định mổ: người bệnh cần đi khám chuyên khoa định kỳ, theo dõi triệu chứng lâm sàng, siêu âm tim 6 tháng/lần. Nếu thấy người bệnh có các tổn thương phối hợp như rãnh xẻ ở van hai lá hoặc có sa van hai lá, các bác sĩ sẽ có biện pháp phòng viêm nội tâm mạc.
Đối với các trường hợp người bệnh đã qua giai đoạn mổ do đến đến muộn, điều trị lúc này nhằm giảm triệu chứng tăng áp động mạch phổi, điều trị suy tim (trợ tim, lợi tiểu…). Ngoài ra, chú ý điều trị loạn nhịp tim do các rối loạn nhịp nhĩ, chống đông máu nếu có tình trạng tăng đông trong buồng tim,
Điều trị ngoại khoa:
Mổ vá lỗ thông liên nhĩ dưới trợ giúp của máy tim phổi nhân tạo, phương pháp này áp dụng với tất cả các trường hợp thông liên nhĩ không phải lỗ thứ phát như: thông liên nhĩ lỗ thứ 1, lỗ xoang vành,..
Ngoài ra, bệnh thông liên nhĩ có luồng thông lớn (lưu lượng qua van động mạch phổi lớn hơn nhiều so với lưu lượng qua van động mạch chủ). Ở những trường hợp này, chỉ định phẫu thuật sẽ có tính ảnh hưởng tới huyết động hoặc có biến chứng của bệnh rối loạn nhịp tim, tắc mạch nghịch thường,…vì vậy cần chú ý một số điểm như về tuổi, độ tuổi lý tưởng thực hiện ca mổ này là lúc trẻ 3-4 tuổi, không nên để muộn vỡ ít nhiều sẽ làm ảnh hưởng các cấu trúc, chức năng tim.
Đối với người lớn, nếu phát hiện ra bệnh, cần mổ đóng lỗ thông liên nhĩ khi áp lực và sức cản động mạch phổi chưa quá cao (sức cản động mạch phổi/sức cản động mạch chủ < 0,7), độ bão hòa ôxy động mạch >92%.
Kết quả tiến triển sau điều trị
Nếu lỗ thông liên nhĩ đóng sớm thì thường trẻ nhỏ sẽ khỏi hẳn. Tuy nhiên, các bạn vẫn cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa định kỳ để được các bác sĩ theo dõi.
Nếu đóng lỗ thông càng muộn thì các thay đổi về cấu trúc và huyết động càng chậm hồi phục.
Bệnh tim mạch là những nhóm bệnh có khả năng gây tử vong cao, vì vậy khám sức khỏe tim mạch định kỳ là phương pháp giúp phòng ngừa bệnh, bảo vệ một trái tim khỏe mạnh.