Bệnh động kinh: Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Động kinh là một trong những bệnh lý về thần kinh phổ biến nhất trên toàn cầu. Vậy nguyên nhân bệnh động kinh là gì? Tại sao người bệnh lại mắc bệnh này và động kinh có di truyền không? Cùng đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu kiến thức và có biện pháp điều trị cũng như phòng ngừa chứng bệnh này nhé.

1. Động kinh là bệnh gì?

Động kinh là một bệnh lý mạn tính và xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới kích thích các tế bào thần kinh gây ra sự phóng điện đột ngột và không kiểm soát được. Biểu hiện của bệnh động kinh là co giật, các cơn vắng ý thức và co cứng chân tay.

Bệnh động kinh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể kiểm soát được các cơn co giật và nhanh chóng phục hồi.

Biểu hiện của bệnh động kinh là co giật, các cơn vắng ý thức và co cứng chân tay

Biểu hiện của bệnh động kinh là co giật, các cơn vắng ý thức và co cứng chân tay

2. Nguyên nhân bệnh động kinh là gì?

Một nửa trường hợp bệnh động kinh không rõ nguyên nhân, còn lại là xuất phát từ các tổn thương ở não.

2.1 Di truyền có thể là nguyên nhân bệnh động kinh

Theo các nhà khoa học, ảnh hưởng của gen có thể là một trong những nguyên nhân gây động kinh. Tuy nhiên tỷ lệ này rất nhỏ, yếu tố gen khiến người bệnh nhạy cảm khi tác động bởi môi trường gây ra cơn động kinh.

2.2 Các bệnh lý về não là nguyên nhân bệnh động kinh

– Chấn thương sọ não: Những tai nạn xe hoặc va đập nghiêm trọng khiến vùng não bị tổn thương có thể gây động kinh.

– Bệnh lý gây tổn thương cho não: Một số trường hợp như có khối u trong não, đột quỵ, dị dạng mạch máu,… Khi não bị tổn thương sẽ gây rối loạn hệ thần kinh trung ương khiến các hoạt động não bị thay đổi và tăng nguy cơ bị động kinh.

– Bệnh lý gây nhiễm trùng thần kinh như viêm màng não, HIV, viêm não,… cũng là một nguyên nhân gây bệnh động kinh

Nguyên nhân bệnh động kinh một nửa là do các tổn thương ở não

Một nửa trường hợp bệnh động kinh không rõ nguyên nhân, còn lại là xuất phát từ các tổn thương ở não

2.3 Yếu tố lối sống

Lạm dụng rượu, các chất kích thích như ma túy là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra các cơn động kinh. Sốc tâm lý, sốt, tụt đường huyết, thiếu ngủ, uống rượu, bia là những yếu tố nguy cơ làm khởi phát các cơn co giật. Vì vậy, bạn cần để bản thân tránh xa những tác nhân này.

Ngoài ra, đối với trẻ sơ sinh, khi người mẹ bị thiếu dinh dưỡng hoặc nhiễm trùng thì em bé sinh ra sẽ có nguy cơ bị tổn thương não dẫn đến chứng động kinh. Trẻ nhỏ khi sốt cao hoặc bị co giật kéo dài cũng có thể phát triển thành bệnh động kinh.

3. Dấu hiệu của cơn động kinh

Động kinh chia làm hai dạng chính là động kinh cục bộ và động kinh toàn thể. Trong mỗi trường hợp, biểu hiện của người bệnh ở các cơn động kinh sẽ khác nhau.

3.1 Cơn động kinh cục bộ

Cơn động kinh cục bộ xuất hiện khi một phần của não bộ hoạt động bất thường. Khi đó, biểu hiện của bệnh chỉ xảy ra ở một vài bộ phận trên cơ thể. 

– Động kinh cục bộ đơn giản: Biểu hiện là người bệnh bị co giật hoặc co cứng ở một phần của cơ thể. Ngoài ra người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng như: chóng mặt, dạ dày khó chịu, tâm trạng lo lắng sợ sệt, khứu giác và thị giác bất thường.

– Động kinh cục bộ phức tạp: Khi cơn động kinh xảy ra, người bệnh bị mất ý thức. Biểu hiện của họ là nhìn chằm chằm vào một khoảng không, mắt đờ đẫn và có những hành vi vô thức như xoa tay, xoa đầu. Sau cơn động kinh họ sẽ không nhớ được những gì đã xảy ra.

3.2 Cơn động kinh toàn thể

Cơn động kinh toàn thể xuất hiện khi hoạt động phóng điện trong não ảnh hưởng đến toàn thể não bộ.

– Cơn co giật toàn thể: Biểu hiện là người bệnh bị mất ý thức, mất thăng bằng và bị té ngã. Lúc này, bệnh nhân sẽ xuất hiện các cơn co giật và không thể kiểm soát được chân tay. Cơn động kinh sẽ diễn ra trong vài phút, bệnh nhân có thể kèm theo tình trạng sùi bọt mép.

– Cơn vắng ý thức: Đây là cơn động kinh mất ý thức trong khoảng 5 – 15 giây, biểu hiện là nhìn chằm chằm hoặc đánh rơi đồ. Trường hợp này khiến người bệnh gặp nguy hiểm nếu đang bơi hoặc di chuyển ngoài đường.

Khi lên cơn co giật toàn thể, người bệnh sẽ bị mất ý thức, mất thăng bằng và bị té ngã

Khi lên cơn co giật toàn thể, người bệnh sẽ bị mất ý thức, mất thăng bằng và bị té ngã

4. Chẩn đoán và điều trị bệnh động kinh

Bệnh động kinh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.

4.1 Phương pháp chẩn đoán bệnh động kinh

– Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh và các triệu chứng cùng với đó là kiểm tra hành vi và chức năng vận động để định dạng động kinh mà người bệnh gặp phải.

Xét nghiệm máu để biết được dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng, một số rối loạn và di truyền.

– Điện não đồ (EEG): Đây là phương pháp phổ biến nhất trong chẩn đoán bệnh động kinh. EEG ghi lại hoạt động điện của não, từ đó bác sĩ sẽ quan sát được mô hình sóng não.

Chụp cắt lớp vi tính (CT): Với phương pháp này, bác sĩ sẽ phát hiện ra những bất thường trong não như chảy máu não hoặc có khối u,…

Chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện ra những tổn thương trong não – nguyên nhân gây ra cơn động kinh.

4.2 Điều trị bệnh động kinh

Người bệnh có thể kiểm soát được bệnh động kinh nếu phát hiện sớm và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

– Thuốc điều trị động kinh: Người bệnh sẽ được chỉ định thuốc kháng động kinh để hạn chế tình trạng co giật. Các loại thuốc này cần được sử dụng lâu dài và theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi dùng thuốc, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như mệt mỏi, chóng mặt, tăng cân, phát ban,…

– Phẫu thuật: Khi sử dụng thuốc nhưng không mang lại hiệu quả, các cơn động kinh không được kiểm soát thì bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật. 

Ngoài dùng thuốc và phẫu thuật, một số phương pháp khác cũng có tác dụng trong việc điều trị bệnh động kinh như: chế độ ăn kiêng keto, kích thích thần kinh phế vị hoặc kích thích não sâu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital