Menu xem nhanh:
Cách ăn uống giúp ngăn chặn sỏi thận tái phát
- Uống nhiều nước
Nên uống khoảng 2 – 2.5 lít nước/ngày (chia ra uống nhiều lần trong ngày). Đây là cách đơn giản nhất để phòng tránh tái phát sỏi thận. Mẹo để biết cơ thể đã được cung cấp đủ nước hay chưa là quan sát màu sắc nước tiểu. Nếu nước tiểu trong hoặc có màu vàng nhạt chứng tỏ cơ thể đã đủ nước.
- Tránh các loại thực phẩm giàu purin
Cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng heo, lòng bò…thường chứa nhiều purin. Purin trong cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit uric. Do đó hàm lượng purin quá cao sẽ dẫn tới tình trạng axit uric trong tăng cao, gây lắng đọng ở thận dẫn tới sự xuất hiện của sỏi axit uric.
- Ăn uống điều độ thực phẩm chứa canxi
Theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày có thể dùng khoảng 3 ly sữa tươi hoặc một lượng tương đương các sản phẩm từ sữa như: bơ, phô mai (khoảng 800 – 1300mg canxi).
Tuyệt đối không nên kiêng cữ quá mức việc tiêu thụ các thực phẩm có chứa canxi vì sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng hấp thụ canxi, khiến cơ thể hấp thu oxalat nhiều hơn từ ruột và sẽ tạo sỏi thận. Chưa kể việc thiếu hụt canxi có thể dẫn tới loãng xương.
Riêng với các trường hợp sỏi thận tái phát nhiều lần, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có đa canxi niệu do tăng hấp thu canxi từ ruột thì cần kiêng canxi, nhưng không phải kiêng hoàn toàn, mà ăn khoảng 400mg/ngày, tương đương 1,5 ly sữa tươi.
- Giảm các thực phẩm giàu oxalate
Trà đặc, cà phê, sôcôla, bột cám, ngũ cốc, rau muống… thường có nhiều oxalate. Chất này khi đi qua ruột sẽ kết hợp với canxi tạo thành hợp chất canxi oxalate và được bài tiết trong chất thải. Tuy nhiên, khi có quá nhiều oxalate trong thận thì có thể dẫn đến bệnh sỏi thận.
- Nên uống nhiều nước cam, chanh, bưởi
Những thức uống này chứa nhiều citrate – chất này có tác dụng chống lại quá trình tạo tinh thể, ngăn chặn tạo thành sỏi thận.
- Ăn nhạt
Vì ăn quá nhiều muối (natri) có thể góp phần dẫn đến sỏi thận. Lượng natri cao khiến cơ thể giữ nước và thận không thể hoạt động để đưa lượng natri dư thừa ra khỏi cơ thể. Nó thậm chí còn làm tăng mức canxi và làm giảm nồng độ citrate (chất ức chế sỏi thận) trong nước tiểu. Do đó để ngăn chặn sỏi thận hãy cố gắng giảm bớt lượng muối trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Lưu ý cho người bệnh sỏi thận
Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, người bệnh sỏi thận cũng nên dành thời gian tập thể dục thường xuyên để đẩy lùi sự xuất hiện của sỏi. Bên cạnh đó nên duy trì khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm sỏi (nếu có) và điều trị kịp thời.
Đối với những trường hợp sỏi thận tái phát nhiều lần nên đi khám chuyên khoa để tìm nguyên nhân gây sỏi tái phát để điều trị và chế độ ăn cụ thể phù hợp đối với từng nhóm nguyên nhân. Có nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau dễ khiến sỏi thận tái phát như dị dạng, hẹp đường tiết niệu, do nhiễm khuẩn niệu, bệnh acid hóa do ống thận, đa canxi niệu do tăng thải canxi từ xương, do tăng hấp thu canxi từ ruột và do thận, đa oxalat niệu nguyên phát hoặc do ăn uống, đa uric niệu.