Nhiễm trùng roi âm đạo là bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới, bệnh gây ra cho chị em những triệu chứng khó chịu và nhiều bất tiện trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Trong bài viết này, Thu Cúc TCI sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến âm đạo nhiễm trùng roi, triệu chứng thường gặp và cách điều trị hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân âm đạo bị nhiễm trùng roi là gì?
Nhiễm trùng roi âm đạo là bệnh do ký sinh trùng loại trùng roi Trichomonas vaginalis gây ra. Trichomonas vaginalis là động vật đơn bào, có một hay nhiều roi để chuyển động.
Thông thường, trùng roi Trichomonas vaginalis sẽ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn hoặc lây truyền qua tiếp xúc bộ phận sinh dục với chất tiết từ âm đạo, dương vật của người bệnh. Nam giới có khả năng lây bệnh sang cho nữ giới và ngược lại nữ giới cũng có khả năng lây bệnh sang cho nam giới.
Ngoài ra, bệnh nhiễm trùng roi âm đạo cũng có thể lây truyền gián tiếp qua dùng chung khăn lau, bông tắm, nước rửa, quần áo,…
2. Triệu chứng khi âm đạo nhiễm trùng roi
Khi bị nhiễm trùng roi âm đạo, chị em sẽ có những triệu chứng khác nhau tùy vào mức độ của bệnh, có những trường hợp không đầy đủ các triệu chứng nên không đi khám hoặc khi khám bệnh không phát hiện kịp thời.
Thông thường ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ có những triệu chứng cấp tính như :
– Ra khí hư rất nhiều, khí hư có màu trắng đục, có khi có màu vàng hoặc màu xanh, có nhiều bọt, mùi rất hôi.
– Âm đạo bị ngứa kèm theo cảm giác đau đớn như kim châm, đau khi quan hệ tình dục.
– Âm đạo bị sưng đỏ, viêm tấy, thậm chí có thể bị loét ở một số vị trí.
Sau đó chuyển sang bán cấp và mạn tính với triệu chứng: âm đạo thường không bị viêm tấy nhưng tình trạng bệnh lại thường kéo dài.
Âm đạo bị nhiễm trùng roi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời để tình trạng kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm:
– Viêm buồng trứng, viêm vòi trứng gây đau đớn.
– Rong kinh.
– Viêm nhiễm đường tiết niệu với các biểu hiện lâm sàng rõ hoặc không rõ.
– Cổ tử cung có thể bị ngứa, viêm loét, đau, niêm mạc sưng đỏ.
– Vô sinh do trùng roi tiết ra chất nhầy, tạo thành nút bao bọc và bít kín cổ tử cung, ngăn cản quá trình thụ thai.
3. Âm đạo nhiễm trùng roi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Trùng roi Trichomonas có thể đồng thời tồn tại ở âm đạo, niệu đạo, hậu môn của người bệnh cho nên việc điều trị thường ưu tiên dùng thuốc để điều trị toàn thân. Thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng Metronidazole – một loại kháng sinh hiệu quả trong việc điều trị tình trạng âm đạo bị nhiễm trùng roi. Tỷ lệ khỏi bệnh nhờ Metronidazole lên tới 95%, tỷ lệ này tăng lên khi điều trị đồng thời với bạn tình bằng Metronidazole.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng và tiền sử bệnh của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Có ba phác đồ điều trị thường được áp dụng đó là:
– Phác đồ 1: Sử dụng Metronidazol 2g hoặc Tinidazole 2g uống 1 liều duy nhất.
– Phác đồ 2: Sử dụng Metronidazol 500mg uống 2 lần/ngày, uống liên tục trong 7 ngày.
– Phác đồ 3: Sử dụng Metronidazol 250mg đặt âm đạo 1 lần/ngày, đặt liên tục trong 10 ngày.
Trong trường hợp khó điều trị cần phải sử dụng liều cao hơn, người bệnh sẽ nhận chỉ định nhập viện điều trị từ bác sĩ.
4. Những lưu ý trong quá trình điều trị viêm âm đạo do Trichomonas
Để quá trình điều trị âm đạo nhiễm trùng roi diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả tốt nhất, hạn chế tình trạng viêm âm đạo kéo dài dai dẳng, viêm âm đạo tái phát nhiều lần, khi điều trị viêm âm đạo do trùng roi chị em nên lưu ý một số điều dưới đây.
– Điều trị đồng thời với bạn tình để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất vì trùng roi Trichomonas vaginalis lây truyền qua đường tình dục, nếu chồng bạn không được đồng thời điều trị, bạn vẫn sẽ bị nhiễm bệnh sau khi điều trị khỏi nếu hai bên quan hệ tình dục không an toàn.
– Kiêng quan hệ tình dục cho đến khi cả bản thân và bạn tình được điều trị dứt điểm tình trạng viêm, nếu có quan hệ tình dục, nên thực hiện quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su.
– Sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt và vệ sinh vùng kín, hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường nước bẩn, nước nhiễm khuẩn vì có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
– Tỷ lệ tái nhiễm viêm âm đạo do trùng roi ở phụ nữ khá cao, thường là trong vòng 3 tháng sau điều trị, vì thế chị em cần được kiểm tra lại sự hiện diện của trùng roi trong âm đạo khi đã có quan hệ tình dục trong vòng 3 tháng, bất kể bạn tình đã được điều trị hay không.
– Trong vòng 24h sau uống Metronidazol không sử dụng thức uống có cồn.
– Trong vòng 72 giờ sau uống Tinidazole không sử dụng thức uống có cồn.
– Hỗ trợ tạo acid cho môi trường âm đạo bằng acid lactic hoặc bổ sung thêm nguồn trực khuẩn Lactobacillus có lợi với môi trường âm đạo.
Lưu ý, việc điều trị viêm âm đạo do trùng roi khá đơn giản, tuy nhiên do đây là tác nhân gây âm đạo khá phổ biến cũng như đã ghi nhận nhiều trường hợp kháng thuốc, vì vậy chị em cần đặc biệt tuân thủ điều trị cũng như các biện pháp phối hợp, theo dõi để đạt hiệu quả điều trị cao, đem lại sự tự tin và thoải mái cho chị em.
Trên đây là những thông tin cơ bản về tình trạng viêm âm đạo do trùng roi, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị. Hi vọng rằng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc xung quanh tình trạng này. Nếu có câu hỏi mong muốn được giải đáp hoặc muốn nhận thêm thông tin về tình trạng âm đạo nhiễm trùng roi bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.