Đa số sỏi niệu quản di chuyển từ thận xuống sẽ được tống ra ngoài theo đường tự nhiên nếu kích thước nhỏ. Sỏi niệu quản chỉ gây nguy hiểm khi kẹt lại ở một vị trí nào đó, thường là đoạn hẹp niệu quản. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị nhanh chóng sẽ gây nên những hậu quả khó lường như suy thận, thậm chí là hỏng thận.
Menu xem nhanh:
1. Triệu chứng thường gặp của sỏi niệu quản
1.1. Đau
– Cơn đau quặn thận sẽ xuất hiện với hiện tượng đau dữ dội từ vùng thắt lưng, gây co thắt, co cứng vùng thắt lưng. Cơn đau sẽ lan từ vùng hố sườn thắt lưng dọc theo đường đi của niệu quản xuống tới bộ phận sinh dục ngoài.
– Trong cơn đau bệnh nhân có thể buồn nôn, bụng chướng, bí trung tiện hoặc đái buốt, đái rắt, đái máu.
– Một số trường hợp mặc dù có sỏi niệu quản nhưng không bao giờ đau, không đái buốt ,không đái rắt.
Cẩn trọng trước những triệu chứng cảnh báo sỏi niệu quản để có thể phát hiện sớm và can thiệp y tế kịp thời.
1.2. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
– Viêm đài bể thận: Bệnh nhân sẽ đau vùng thắt lưng đi kèm hiện tượng sốt rét. Khi tình trạng này kéo dài sẽ gây nên tình trạng nhiễm trùng huyết, không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.
– Bệnh sỏi thường sẽ là điều kiện thuận lợi để gây ra nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
1.3. Đái máu
Đây là tình trạng trong nước tiểu có lẫn máu. Bạn có thể nhìn thấy hiện tượng bằng mắt thường, nhưng cũng có thể chỉ phát hiện ra khi xét nghiệm nước tiểu.
1.4. Suy giảm chức năng thận
– Sỏi niệu quản dễ gây biến chứng ứ nước thận và ảnh hưởng đến chức năng thận.
– Nếu bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dẫn đến suy thận thì sẽ có thể hồi phục sau điều trị.
– Nếu sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu gây suy thận thì tình trạng sẽ trở lại bình thường sau khi lưu thông.
– Suy thận mạn do sỏi gây hỏng thận không hồi phục.
1.5. Vô niệu
Biến chứng này xảy ra khi sỏi niệu quản làm tắc nghẽn đường tiết niệu, bạn sẽ bị đau quặn thận, ít đi tiểu hơn hẳn và sau đó là không đi tiểu được nữa.
Trong một vài trường hợp, bệnh nhân không thể phát hiện sỏi niệu quản vì không có biểu hiện cụ thể nhưng lại có thể gây ra hậu quả nặng nề, nên cần kiểm tra chụp chiếu định kỳ.
2. Những phương pháp chẩn đoán mắc sỏi niệu quản
2.1 Chẩn đoán xác định:
Thăm khám lâm sàng
– Hỏi bệnh: Tiền sử gia đình có ai bị sỏi không, bản thân người bệnh đã từng gặp cơn đau quặn nào chưa, từng đi tiểu ra sỏi hay không và có những thói quen nào thuận lợi tạo sỏi (nằm bất động, sử dụng thuốc, chế độ ăn uống, các bệnh lý về xương v.v…)
– Khám lâm sàng: Bệnh nhân có bị đau khu vực thắt lưng, sờ có thấy chướng hay không, hoặc thận có to hơn bình thường hay không
Thăm khám cận lâm sàng
– Chụp hệ tiết niệu không chuẩn bị: Có thể phát hiện được 90% sỏi tiết niệu, sỏi niệu quản.
– Siêu âm: Phương pháp này sẽ cho biết độ giãn đài bể thận, độ dày của nhu mô thận và có thể nhìn thấy sỏi nếu sỏi đó không cản quang.
– Chụp cắt lớp dựng hình hệ tiết niệu: Đây là phương tiện lý tưởng cho phép phát hiện được những viên sỏi bé hơn 2mm, sỏi không cản quang, đánh giá được cả nhu mô thận, độ dãn của đài bể thận, niệu quản, đường bài xuất, độ cản quang của sỏi.
– Tiến hành các xét nghiệm máu, sinh hóa: Đánh giá tình trạng thiếu máu, chức năng thận và tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu, nồng độ can-xi máu và niệu, v.v…
2.2 Chẩn đoán phân biệt
– Cơn đau quặn thận với thủng dạ dày viêm đại tràng co thắt, viêm túi mật, viêm ruột thừa, viêm phần phụ, v.v…
– Trong trường hợp, bụng chướng do liệt ruột chẩn đoán phân biệt với tắc ruột, viêm đại tràng,…
3. Các biến chứng thường gặp
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường có những đợt đau quặn thận, đái máu, đái buốt, đái dắt.
Nếu bị phát hiện trễ và không kịp thời điều trị sẽ gây nên:
– Nhiễm khuẩn tiết niệu
– Thận ứ nước
– Thận xơ hóa, teo lại do nhiễm khuẩn
– Thận ứ mủ
– Suy thận cấp, suy thận mãn, thận mất chức năng
4. Những biện pháp điều trị sỏi niệu quản
4.1. Điều trị nội khoa: chỉ định đối với sỏi niệu quản kích thước < 5mm
– Nếu bệnh nhân bị đau quặn thận thì cần sử dụng những phương thuốc giảm đau, hạn chế co thắt, thuốc giãn cơ, thuốc chống phù nề. Trong trường hợp đau kèm sốt nên cho bệnh nhân cho kháng sinh phổ rộng.
– Uống nhiều nước là điều kiện tiên quyết nếu muốn sạch sỏi, cần cung cấp đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày, đôi khi nếu không uống được phải cho tiêm truyền tĩnh mạch kết hợp với thuốc giảm đau giãn cơ.
– Vận động nhiều, chạy nhảy, tập thể dục thể thao hàng ngày .
4.2. Điều trị ngoại khoa sỏi niệu quản
Tán sỏi ngoài cơ thể
– Nguyên lý là sử dụng sóng xung kích để làm vỡ sỏi thành vụn nhỏ. Những mảnh sỏi này sẽ đào thải ra ngoài theo đường tự nhiên.
– Chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể cho những sỏi niệu quản nhỏ dưới 1cm, vị trí 1/3 trên sát bể thận, không có nhiễm khuẩn niệu, không có dị dạng và chít hẹp niệu quản, thận không bị ứ nước, ứ mủ. Bệnh nhân không mắc các bệnh như rối loạn đông máu, vẹo cột sống, bệnh nhân đang có thai. Nếu sỏi niệu quản ở vị trí sát thận có thể đẩy sỏi vào thận bằng ống thông niệu quản hay đặt ống thông JJ sau đó tán sỏi ngoài cơ thể, vì sỏi nằm trong thận sẽ dễ định vị hơn, dễ vỡ hơn do có khoảng không gian tiếp xúc với sóng xung. Điều trị bằng phương pháp này tỷ lệ thành công đạt 70÷80%
Tán sỏi nội soi niệu quản
– Chỉ định cho những sỏi niệu quản đoạn chậu hông hay tiểu khung kể cả sỏi niệu quản 1/3 trên nếu niệu quản không hẹp, không gấp khúc.
– Nhờ hệ thống camera và ống soi niệu quản bán cứng hay mềm mà đưa các máy tán sỏi theo đường tự nhiên lên niệu quản để tán sỏi bằng laser. Sau tán vụn sỏi niệu quản xong, sỏi được hút hay gắp ra bằng dụng cụ hoặc rút ra bằng ống thông Domia. Sau đó bệnh nhân sẽ được đặt ống thông niệu quản để tránh hiện tượng bị phù nề và tắc nghẽn đường tiểu.
– Kết quả tán sỏi theo phương pháp này đạt tới 85 -90 %. Ống mềm nhỏ có thể luồn sâu vào tán sỏi ở các vị trí khác nhau mà không gây nhiều thương tổn.
– Phương pháp này được ứng dụng nhiều trên thế giới cũng như ở việt nam vì ít sang chấn, an toàn, hiệu quả, thời gian nằm viện ngắn, không có vết mổ.
Lấy sỏi niệu quản bằng phương pháp nội soi ổ bụng
– Nhờ ứng dụng nội soi ổ bụng, qua các trocar có thể bóc tách niệu quản, xác định đúng vị trí sỏi và tiến hành lấy sỏi ra ngoài, sau đó đặt ống thông niệu quản, khâu lại niệu quản ở ngả sau phúc mạc, hiếm khi khâu ở ngả trong phúc mạc và thường ứng dụng lấy sỏi ở đoạn thắt lưng, với kích thước >1,5cm.
– Tuy nhiên, không phải sỏi niệu quản nào cũng sử dụng phương pháp này được. Trong trường hợp sỏi chỉ có một viên hoặc các viên nằm kề nhau, không có hiện tượng hẹp niệu quản, không có biến chứng nhiễm trùng thì mới thực hiện được. Ngoài ra phương pháp này cũng như đòi hỏi trình độ thành thạo về phẫu thuật nội soi của phẫu thuật viên.
Điều trị bằng phẫu thuật kinh điển (mổ mở)
– Đây là giải pháp kinh điển và lâu đời, cho dù ngày nay đã có nhiều kỹ thuật hiện đại thay thế nhưng nó vẫn tồn lại do có một số trường hợp bắt buộc phải mổ hoặc do cơ sở chưa đủ điều kiện thực hiện các phương pháp hiện đại.
– Thường thì mổ mở sẽ được chỉ định trong trường hợp sỏi có kèm dị dạng đường tiết niệu (tách đôi niệu quản, giãn phình niệu quản), chít hẹp niệu quản, nhiễm trùng đường tiết niệu, vô niệu… nhưng đặt ống thông không thành công. Sỏi niệu quản có kích thước lớn, quá cứng, sỏi niệu quản đã gây biến chứng như thận ứ nước, ứ mủ nặng. Đôi khi sỏi niệu quản đã được điều trị bằng các phương pháp nội soi nhưng chưa đạt kết quản.
– Mổ mở không được ưu tiên sử dụng tuy nhiên vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên phương pháp này hiện đang dần được thay thế bằng các phương pháp điều trị ít xâm lấn.
Những thông tin trên hi vọng đã cung cấp cho các bạn nhiều thông tin bổ ích về sỏi niệu quản và cách điều trị. Sỏi niệu quản tuy nhỏ nhưng lại có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó cần chú ý thăm khám sức khỏe hệ tiết niệu thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Phạm Huy Huyên – Phó giám đốc bệnh viện ĐKQT Thu Cúc phụ trách lĩnh vực Ngoại tiết niệu.