Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khác nhau tác động tới tình trạng xương của chúng ta. Vậy làm cách nào để có thể biết được xương đang khỏe hay yếu? Việc thực hiện phương pháp đo loãng xương toàn thân sẽ giúp bạn có được đáp án cho vấn đề này. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật này qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là đo loãng xương toàn thân? Những ai nên thực hiện?
1.1. Phương pháp đo loãng xương toàn thân là gì?
Đo loãng xương hay còn gọi đo mật độ xương (tên tiếng Anh: Bone Mineral Density – BMD) là kỹ thuật sử dụng tia X hoặc hấp thụ tia X năng lượng kép để xác định được hàm lượng canxi và khoáng chất có ở trong xương. Các khu vực thường được tiến hành đo mật độ xương đó là cột sống, hông hoặc xương ở cẳng tay.
Cũng thông qua kỹ thuật này, bệnh nhân có thể biết được bản thân có đang bị rơi vào tình trạng giảm khối lượng xương hay không. Nếu không may mắc phải tình trạng đó, xương sẽ trở nên bị giòn và dễ gãy hơn.
1.2. Những trường hợp nào cần đo loãng xương toàn thân?
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng loãng xương, trong đó các nhóm đối tượng cần được tiến hành đo mật độ xương đó là:
– Phụ nữ độ tuổi sau mãn kinh và không dùng estrogen
– Nhóm người cao tuổi (phụ nữ trên 65 tuổi và nam giới trên 70 tuổi)
– Người thường xuyên uống rượu bia và hút thuốc lá
– Người có tiền sử gia đình từng bị gãy xương hông
– Người có sử dụng thuốc thuộc nhóm steroid lâu dài hoặc một số loại thuốc khác gây cản trở quá trình tái tạo xương và loãng xương
– Người mắc một số bệnh như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường loại 1, bệnh lý về gan, thận, cường giáp hoặc cường cận giáp
– Người có chỉ số BMI thấp
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện kiểm tra mật độ xương nếu bạn rơi vào các trường hợp như:
– Bị suy giảm chiều cao
– Người bị gãy xương
– Người thực hiện thủ thuật cấy ghép
– Nam giới đã trải qua điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt
2. Tìm hiểu quy trình đo độ loãng xương
Để việc đo loãng xương có thể diễn ra nhanh chóng và đạt kết quả chính xác, bạn nên nắm rõ những thông tin cơ bản sau:
2.1. Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện đo loãng xương?
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng việc cung cấp canxi trong khoảng từ 24 – 48h trước khi thực hiện đo. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đưa ra lời khuyên cho bạn về việc không nên đeo đồ trang sức kim loại hoặc mặc quần áo có chi tiết kim loại khi thực hiện kỹ thuật này để tránh gây ảnh hưởng kết quả.
2.2. Quá trình tiến hành đo mật độ xương
Khi bước vào thực hiện việc đo loãng xương, bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể trình tự tiến hành các bước như sau:
– Kỹ thuật viên sẽ chỉ định bạn nằm trên giường đệm của máy đo mật độ xương
– Máy đo sẽ được điều khiển di chuyển tới, lui để thực hiện việc đo lường trên các bộ phận
2.3. Sau khi đo mật độ xương
Sau hoàn tất quá trình đo, bác sĩ sẽ hẹn bạn thời gian để nhận kết quả. Phụ thuộc vào thế hệ máy, kinh nghiệm của bác sĩ đọc kết quả mà thời gian trả kết quả cho bệnh nhân sẽ diễn ra nhanh hoặc chậm. Hiện nay, với những thiết bị máy móc hiện đại thì thời gian trả kết quả đã được rút ngắn hơn rất nhiều.
2.4. Kết quả đo mật độ xương
Thông qua kỹ thuật đo mật độ xương này sẽ giúp bác sĩ xác định mật độ khoáng xương của cơ thể của bệnh nhân có đang trong tình trạng suy yếu hay không. Kết quả đo mật độ xương sẽ được so sánh với 2 chỉ số đó là: điểm T và điểm Z.
Đầu tiên, kết quả BMD của bệnh nhân được so sánh với kết quả của người từ 25 – 35 tuổi khỏe mạnh cùng giới tính và dân tộc. Độ lệch chuẩn (viết tắt: SD) chính là sự khác biệt giữa BMD của bạn với người 25 – 35 tuổi khỏe mạnh. Đây được gọi là điểm T.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh loãng xương sẽ được xác định dựa trên các mức mật độ xương như sau:
– Nếu điểm T nằm trong khoảng 1 SD (+1 hoặc -1): Chứng tỏ mật độ xương ở mức bình thường
– Nếu điểm T nằm trong khoảng từ 1 – 2,5 SD dưới trung bình (-1 đến -2,5 SD): Chửng tỏ bạn có mật độ xương thấp
– Nếu điểm T từ 2,5 SD trở lên dưới mức trung bình (tức là nhiều hơn -2,5 SD): Chứng tỏ bạn bị loãng xương
Ngoài chỉ số T, BMD của bệnh nhân còn được so sánh với mật độ xương bình thường của người khỏe mạnh cùng độ tuổi (gọi là điểm Z). Theo đó, điểm Z được Hiệp hội Đo mật độ lâm sàng quốc tế đánh giá cụ thể như sau:
– Nếu điểm Z ở trên -2.0: chứng tỏ bình thường
– Nếu điểm Z = +0.5, -0.5 hay -1.5: thường phổ biến với phụ nữ tiền mãn kinh
– Nếu điểm Z ≤ -2,0: chứng tỏ mật độ xương thấp hơn tiêu chuẩn của nhóm tuổi
Theo lời khuyên của chuyên gia y tế, để bảo vệ sức khỏe hệ xương khớp, bạn nên tiến hành đi khám tổng quát 6-12 tháng/lần. Đặc biệt, với những người từ 40 tuổi, khi thấy có những dấu hiệu đau nhức xương, mỏi khớp hoặc dễ gặp chấn thương do va chạm nhẹ cần đi khám ngay bởi có thể đây là những dấu hiệu cho thấy bệnh đã chuyển biến nặng.