Xét nghiệm thiếu máu não là các phương pháp chẩn đoán bệnh thiếu máu não được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh thiếu máu não
Não đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì mọi hoạt động của cơ thể. Thiếu máu lên não là tình trạng máu lên não không đủ, làm cho tế bào não không có đủ oxy và dưỡng chất cần thiết. Thiếu máu não ban đầu thường khó nhận biết. Cường độ và tần suất xuất hiện các triệu chứng tăng dần theo mức độ bệnh.
Bệnh thường xảy ra ở những nhóm đối tượng mắc một số bệnh lý như: huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, thoái hóa đốt sống cổ… Triệu chứng thường thấy của bệnh là: hoa mắt, chóng mặt, tê bì chân tay, suy giảm trí nhớ… Tuy nhiên, nhiều người thường xem nhẹ các triệu chứng này, chỉ khi bệnh trở nặng hơn mới bắt đầu thăm khám.
Thiếu máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới đột quỵ và tử vong hiện nay. Do vậy, phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh hạn chế tối đa các biến chứng và rủi ro. Những xét nghiệm thiếu máu não mà người bệnh cần thực hiện bao gồm: xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm công thức máu toàn phần, hóa học, các yếu tố đông máu, điện tâm đồ và men tim. Ngoài ra, người bệnh cần làm các chẩn đoán hình ảnh gồm: Chụp CT scan sọ não, siêu âm Doppler xuyên sọ, chụp cộng hưởng từ mạch máu não, đo lưu huyết não, chụp mạch số hóa xóa nền DSA.
2. Thiếu máu não do bệnh lý nào?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh thiếu máu não, tuy nhiên đến 80%là do tình trạng xơ vữa động mạch gây ra. Sự tích tụ các mảng xơ vữa với nhau sẽ làm hẹp lòng mạch, khiến máu bị tắc nghẽn, khó lưu thông lên não.
Thiếu máu lên não còn xảy ra do một vài nguyên nhân khác như:
– Tăng huyết áp: Khi bị tăng huyết áp, thành mạch giãn ra và xuất hiện các tổn thương làm phình mạch, chảy máu não. Lúc này trong lòng mạch hình thành các cục máu đông cản trở quá trình lưu thông máu lên não.
– Bệnh lý về tim mạch: Đây là nguyên nhân làm giảm khả năng bơm máu lên não, gây ra tình trạng thiếu máu não.
– Bệnh lý cột sống, đốt sống cổ: Các bệnh như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa… gây chèn ép mạch máu. Do vậy, lượng máu nuôi dưỡng lên não bị thiếu hụt.
3. Một số phương pháp xét nghiệm thiếu máu não phổ biến
3.1. Phương pháp xét nghiệm thiếu máu não: Tổng phân tích tế bào máu
Xét nghiệm này giúp kiểm tra người bệnh có đang thiếu máu hay không. Đồng thời đánh giá khả năng bị rối loạn đông máu, các bệnh nhiễm trùng và phát hiện bệnh lý nguy hiểm như ung thư máu, suy tủy… từ giai đoạn sớm.
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu đưa ra thông tin cụ thể như sau:
– Số lượng hồng cầu (RBC)
– Số lượng tiểu cầu (PLT)
– Số lượng bạch cầu (WBC)
– Tỷ lệ thể tích của hồng cầu trong máu (HCT)
– Thể tích trung bình của hồng cầu (MVC)
Nồng độ huyết sắc tố (HB): đây là tiêu chuẩn trong xác định tình trạng thiếu máu và mức độ thiếu máu. Bệnh nhân được xem là thiếu máu khi HB < 12.0g/dL (ở nữ giới) và HB < 13.0 g/dL (ở nam giới)
– Hàm lượng huyết sắc tố trung bình của hồng cầu (MCHC)
– Lượng huyết sắc tố trung bình của hồng cầu (MCH)
3.2. Xét nghiệm định lượng Ferritin
Ferritin là hàm lượng sắt dự trữ ở trong cơ thể. Chỉ số Ferritin bình thường sẽ trong khoảng 15 – 300 ng/ml. Nếu chỉ số này giảm, chứng tỏ người bệnh đang bị thiếu máu và giảm dự trữ sắt. Ngược lại nếu Ferritin tăng, bệnh nhân có nguy cơ thừa sắt hoặc mắc bệnh lý tan máu.
3.3. Xét nghiệm thiếu máu não: Kiểm tra sắt huyết thanh
Kiểm tra nồng độ sắt hiện tại so với phạm vi bình thường từ 60 – 170 mg/dL. Sắt huyết thanh giảm sẽ dẫn tới hấp thu sắt giảm, gây thiếu máu thiếu sắt.
3.4. Chụp CT scan sọ não
Phương pháp chụp CT scan sọ não hay chụp cắt lớp não sử dụng tia X để chụp đầu và mặt. Đây là phương pháp được chỉ định trong chẩn đoán các bệnh lý có biểu hiện đau đầu điển hình.
3.5. Chụp cộng hưởng từ não (MRI)
Chụp cộng hưởng từ mạch máu não (MRI não) là phương pháp chẩn đoán thiếu máu não tiên tiến nhất hiện nay. Đây cũng là cách thức an toàn cho người bệnh, do không cần sử dụng tia X.
Trong quá trình chụp, kỹ thuật viên sử dụng một loại máy quét chuyên dụng và chụp lại những hình ảnh của mạch máu. Những hình ảnh này sẽ được tái tạo trên không gian ba chiều thông qua phần mềm máy tính. Từ đó, bác sĩ chẩn đoán được chính xác vấn đề người bệnh gặp phải như hẹp mạch máu, phình động mạch…
Khi thực hiện phương pháp này, người bệnh cần lưu ý:
– Trước khi chụp, người bệnh cần bỏ hết các thiết bị kim loại, điện tử trên cơ thể như: máy điều hòa nhịp tim, máy chống rung, máy cấy ghép ốc tai… Nếu bệnh nhân buộc phải đeo các máy này liên tục, cần thông báo để được bác sĩ tư vấn có nên chụp hay không.
– Các bệnh nhân mắc bệnh lý nặng cần thiết bị hỗ trợ hồi sức bên cạnh. Người bệnh cũng cần trao đổi trước với bác sĩ để nắm rõ các yêu cầu kỹ thuật trước khi chụp.
3.6. Siêu âm Doppler xuyên sọ
Phương pháp siêu âm Doppler rất phổ biến hiện nay. Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh với tần số cao để đo lưu lượng máu và xác định hướng đi của dòng máu ở đầu. Qua phương pháp này, bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề liên quan đến não như thoái hóa hay tắc nghẽn động mạch,…
Siêu âm Doppler xuyên sọ là chẩn đoán không xâm lấn. Bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò để di chuyển quanh các vị trí khác nhau của hộp sọ. Khi các sóng siêu âm đi qua các tế bào hồng cầu sẽ đo được tốc độ của dòng máu. Phương pháp này có thể thực hiện ngay tại giường bệnh và không cần gây tê hoặc gây mê.
3.7. Đo lưu huyết não
Đây là phương pháp xét nghiệm thiếu máu não rất an toàn cho người bệnh. Phương pháp này có thể sử dụng cho những người mắc bệnh lý nặng. Khi đo lưu huyết não, người bệnh có thể thực hiện kèm theo nhiều liệu pháp sinh lý.
Dù vậy, phương pháp này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả chính xác, về tình trạng tuần hoàn máu não bộ. Đôi khi đo lưu huyết não vẫn xảy ra tình trạng sai số. Tuy nhiên, chẩn đoán qua đo lưu huyết não có vai trò quan trọng trong mục đích xác định huyết động. Bác sĩ sẽ đánh giá được lưu lượng tuần hoàn qua bán cầu não, tốc độ và cường độ của dòng máu lên não.
3.8. Chụp mạch số hóa xóa nền DSA
Kỹ thuật chụp mạch số hóa xóa nền DSA là một trong những phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng. Kỹ thuật này sử dụng hệ thống tia X, để chụp hình mạch máu. Qua các hình ảnh thu được, bác sĩ có thể xác định các vị trí tổn thương và bệnh lý mạch máu để tiến hành điều trị.
Chụp mạch số hóa xóa nền DSA là phương pháp để phát hiện nhiều căn bệnh như:
– Phát hiện sớm các bất thường của mạch máu não.
– Thăm dò và chữa trị u não, điện sinh lý, ung thư gan…
– Đánh giá những dị thường của động mạch chủ, động mạch thận, động mạch chi, động mạch ngoại biên…
Với kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi thực hiện, để đảm bảo an toàn, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ và kỹ thuật viên phòng chụp.
Trên đây là những phương pháp chẩn đoán thiếu máu não thường được sử dụng hiện nay. Người bệnh nếu đang gặp các triệu chứng bệnh thiếu máu não, cần chủ động kiểm tra sức khỏe ngay, để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.