Hiện nay, võng mạc tiểu đường là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường, mang nguy cơ gây suy giảm thị lực và mù lòa vĩnh viễn. Nguy hiểm như vậy, nhưng bệnh võng mạc đái tháo đường lại rất khó phát hiện bởi chúng diễn tiến âm thầm. Cho đến khi phát hiện ra bệnh ở mắt thì tình trạng có thể đã nặng và khó hồi phục. Nhiều người thắc mắc làm sao để nhận biết võng mạc đái tháo đường sớm và cách điều trị ra sao? Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu nguyên nhân, giải pháp và cách phòng tránh võng mạc tiểu đường nhé.
Menu xem nhanh:
1. Võng mạc tiểu đường là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Võng mạc tiểu đường là bệnh lý khiến các mao mạch quanh võng mạc bị tổn thương, nếu để tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến xuất huyết dịch kính, xuất huyết võng mạc,… và mù lòa vĩnh viễn.
Võng mạc đái tháo đường có thể gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm cho thị lực nếu không được kiểm soát và điều trị đúng cách.
Theo chuyên gia, võng mạc đái tháo đường được chia ra làm 4 cấp độ như sau:
– Cấp độ 1: Bệnh võng mạc không tăng sinh nhẹ. Lúc này võng mạc có những khu vực sưng lên như bong bóng ở các mạch máu nhỏ.
– Cấp độ 2: Bệnh võng mạc không tăng sinh vừa. Ở giai đoạn này, các mạch máu bắt đầu cản trở lưu lượng máu đến võng mạc, gây tích tụ máu và các chất lỏng.
– Cấp độ 3: Bệnh võng mạc không tăng sinh nghiêm trọng. Với cấp độ 3 nặng hơn, sẽ có nhiều mạch máu bị tắc nghẽn và xuất hiện nhiều mạch máu mới.
– Cấp độ 4: Võng mạc tăng sinh. Lúc này, đã có sự phát triển của mạch máu mới dọc theo võng mạc, chúng dễ vỡ và gây xuất hiện các dịch thủy tinh bên trong mắt.
2. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh võng mạc đái tháo đường?
Võng mạc tiểu đường có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn đến từ bệnh đái tháo đường. Bệnh này làm cho các mạch máu, vi mạch máu của tất cả các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương.
Riêng ở mắt, khi các mao mạch chịu ảnh hưởng, làm tăng tính thấm thành mạch, huyết tương thoát vào võng mạc có thể gây phù nề. Mao mạch bị phá hủy sẽ làm cho khu vực võng mạc trở nên thiếu máu. Đáp lại, cơ thể phản ứng bằng cách tạo ra các yếu tố kích thích sự phát triển mạch máu mới để cung cấp dưỡng chất cho những vùng này của võng mạc. Tuy nhiên, các mạch máu mới này thường rất mỏng manh và dễ vỡ, gây ra các vấn đề như biến chứng, xơ hóa gây co kéo và bong võng mạc, cũng như xuất huyết dịch kính.
Ngoài ra, bệnh võng mạc đái tháo đường còn đến từ các nguyên nhân như:
– Người đái tháo đường bị huyết áp cao, không ổn định.
– Người đái tháo đường kèm theo thiếu máu, tăng lipid, béo phì.
– Người hút nhiều thuốc lá.
– Người tiểu đường đang trong thời kỳ mang bầu.
3. Giải pháp giúp khắc phục võng mạc đái tháo đường
Để điều trị võng mạc đái tháo đường hiệu quả, người bệnh nên đi khám ngay khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Hiện nay, có 3 cách điều trị võng mạc đái tháo thường là: phẫu thuật cắt dịch kính, tiêm thuốc vào trong nhãn cầu, laser võng mạc.
3.1 Điều trị võng mạc tiểu đường bằng phẫu thuật cắt dịch kính
Phẫu thuật cắt dịch kính thường được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp võng mạc đái tháo đường nghiêm trọng. Với ca phẫu thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ một số thủy tinh thể và máu để ánh sáng có thể hội tụ tại võng mạc như người bình thường. Ngoài ra các mô sẹo võng mạc có thể được loại bỏ cùng lúc để khắc phục tình trạng bong võng mạc.
Một số những biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật điều trị võng mạc đái tháo đường như: nhiễm trùng, chảy máu, nhãn áp thay đổi cao/thấp, đục thủy tinh thể, mất thị lực vĩnh viễn…
3.2 Điều trị võng mạc tiểu đường bằng tiêm thuốc
Tiêm thuốc là giải pháp điều trị võng mạc đái tháo đường mức độ nhẹ đến vừa. Các bác sĩ sẽ thực hiện tiêm thuốc vào buồng dịch kính, thuốc sẽ làm giảm đi độ sưng và lượng chất lỏng trong võng mạc. Bằng cách thu nhỏ các mạch amus bất thường và ức chế sự phát triển của mạch máu mới ở võng mạc. Có 2 loại tiêm như sau:
– Tiêm kháng VEGF: VEGF là một loại protein tăng trưởng nội mô mạch máu nếu ở mức thấp là bình thường, khi tăng cao có thể gây phát triển mạch máu dị thường.
– Thuốc tiêm corticosteroid: Đây là thuốc có đặc tính chống viêm và sử dụng theo kê đơn của bác sĩ. Khi dùng thuốc này, tình trạng viêm ở bệnh võng mạc đái tháo đường, tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm và phù hoàng điểm có thể giảm.
3.3 Điều trị bằng laser võng mạc
Điều trị võng mạc đái tháo đường bằng phương pháp laser cũng là một giải pháp hiệu quả. Các bác sĩ sẽ sử dụng laser để phá hủy hoặc niêm phong những mạch máu bị rò rỉ. Đôi khi phương pháp này cũng dùng để phá hủy các mô võng mạc không còn hoạt động bình thường thay vào đó là kích thích sự phát triển của mạch máu mới.
Với cách này, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê mắt bằng thuốc nhỏ mắt trước rồi sẽ đặt một thấu kính tiếp xúc trực tiếp với bề mặt mắt, điều này giúp tập trung tia laser lại 1 điểm. Người bệnh có thể thấy châm chích và thấy có tia sáng lóe lên khi tia laser được chiếu vào mắt. Sau phẫu thuật vài giờ thì mắt vẫn có thể bị giãn ra nên lời khuyên là bạn nên đeo kính râm khi ra về để tránh ánh sáng chói chiếu vào mắt. Sẽ mất một vài ngày để mắt hồi phục nên bạn cần nghỉ ngơi sau điều trị laser.
Ngoài ra, có một số biến chứng có thể xảy ra sau laser võng mạc như: tạm thời mất thị lực ngoại vi, thị lực ban đêm suy giảm, chảy máu, bong võng mạc…
4. Cách phòng tránh bệnh võng mạc đái tháo đường
Để phòng tránh bệnh võng mạc tiểu đường, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau đây:
4.1 Kiểm soát đường huyết
Điều quan trọng nhất là bạn nên duy trì mức đường huyết ổn định theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc kiểm soát đường huyết giúp giảm nguy cơ tổn thương võng mạc.
4.2 Kiểm tra sức khỏe mắt và tổng quát định kỳ
Điều trị và kiểm soát đái tháo đường đòi hỏi theo dõi chặt chẽ sự biến động của mức đường huyết, áp huyết và cholesterol. Nếu bạn đã mắc bệnh đái tháo đường, thì nên đi kiểm tra mắt ít nhất một lần mỗi năm.
4.3 Lối sống lành mạnh:
Duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống phù hợp với người tiểu đường, tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu cần và tránh hút thuốc lá có thể giúp kiểm soát đái tháo đường và giảm nguy cơ võng mạc đái tháo đường.
4.4 Bảo vệ mắt khỏi tác động có hại:
Tránh ánh sáng mạnh trực tiếp, đeo kính chống UV khi đi ngoài đường và giữ cho môi trường làm việc hoặc sinh hoạt có đủ ánh sáng.
Hy vọng những thông tin về nguyên nhân, giải pháp và cách phòng tránh võng mạc đái tháo đường hữu ích với bạn đọc. Mọi thắc mắc liên quan đến bệnh võng mạc đái tháo đường sẽ được các bác sĩ TCI giải đáp kỹ càng khi bạn đến khám trực tiếp nhé.