Virus viêm gan B là “thủ phạm” gây ra cái chết cho hơn 600,000 người trên thế giới mỗi năm. Rất nhiều người muốn tìm hiểu virus viêm gan B lây qua đường nào để có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Hãy tìm kiếm câu trả lời trong bài viết về viêm gan B dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu virus viêm gan B lây qua đường nào?
Virus viêm gan B – Hepatitis B virus (HBV) là nguyên nhân gây bệnh viêm gan B. Tùy vào thể trạng từng người, HBV sẽ ủ bệnh từ 3 – 6 tháng sau khi xâm nhập vào cơ thể. Virus HBV hoạt động gây ra viêm gan B cấp. Tình trạng này kéo dài trên 6 tháng sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Sau đây là 3 con đường lây truyền HBV chủ yếu:
1.1. Virus viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con
Người mẹ nhiễm virus viêm gan B có tỷ lệ lây nhiễm cho thai nhi rất cao. Khả năng lây truyền virus tăng dần từ lúc mang thai cho đến khi sinh.Tỷ lệ lây nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ là 10%. Đến 3 tháng cuối thai kỳ, nguy cơ lây nhiễm tăng lên đến 60 – 70%.
Tỷ lệ lây truyền viêm gan B cho trẻ sơ sinh có thể lên đến 90% nếu không có biện pháp dự phòng kịp thời sau sinh. Trẻ nhiễm HBV từ mẹ có nguy cơ cao mắc viêm gan B mạn và xơ gan lúc trưởng thành.
1.2. Virus viêm gan B lây qua đường nào – Đường tình dục
Tinh dịch của nam giới hoặc dịch tiết âm đạo của nữ giới nhiễm viêm gan B có chứa virus HBV. Virus có thể lây nhiễm cho bạn tình qua các vết xước trong quá trình quan hệ tình dục. Đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HBV là những người quan hệ tình dục bừa bãi, không sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, quan hệ tình dục thô bạo, sử dụng các dụng cụ tình dục không được vệ sinh sạch sẽ,…
1.3. Virus viêm gan B lây qua đường nào – Đường máu
Người lành có thể nhiễm virus viêm gan B trong các sự cố y tế như truyền máu có chứa HBV; dùng chung các dụng cụ y tế chưa được đảm bảo tiệt trùng có chứa virus,… Đồng thời, thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, xăm hình, châm cứu… với các dụng cụ, máy móc chứa virus và không được khử khuẩn cũng làm lây truyền bệnh.
Ngoài ra, viêm gan B có thể lây truyền khi dùng chung bơm kim tiêm và các vật dụng sinh hoạt cá nhân như bàn chải đánh răng, bấm móng, dao cạo râu,…
2. Triệu chứng nhận biết viêm gan B
Viêm gan B giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ rệt, các triệu chứng ít ỏi khiến người bệnh dễ dàng bỏ qua. Khi bệnh đã tiến triển qua một thời gian dài, các triệu chứng mới xuất hiện nhiều và rõ rệt.
Khoảng 30 – 50% người mắc viêm gan B sẽ có các biểu hiện như: mệt mỏi, suy nhược; chán ăn, ăn không ngon, rối loạn tiêu hóa; vàng mắt, vàng da; nước tiểu sậm màu, phân bạc màu; đau vùng gan; ngứa da;…
Ở giai đoạn viêm gan B cấp tính, người bệnh có thể mệt mỏi, chán ăn, vàng da, đau tức vùng gan, buồn nôn và nôn, tiểu ít sẫm màu, phân bạc màu,… Các triệu chứng cận lâm sàng là men gan (AST, ALT) và Bilirubin tăng cao, HBsAg (+) hoặc (-) và anti-HBc IgM (+).
Trong khi đó, viêm gan B mạn thường không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt. Các triệu chứng cận lâm sàng là men gan tăng từng đợt hoặc liên tục trên 6 tháng; HBsAg (+) trên 6 tháng hoặc HBsAg (+) và Anti HBc IgG (+). Ngoài ra, người bệnh viêm gan B mạn phát hiện thấy tổn thương mô bệnh học tiến triển, xơ gan qua sinh thiết gan hoặc siêu âm đàn hồi mô gan.
3. Biến chứng khi mắc virus viêm gan B
Virus viêm gan B khi bắt đầu hoạt động sẽ bám vào bề mặt tế bào gan, sao chép mã di truyền và mọc chồi từ tế bào gan, sinh ra nhiều tế bào mới. Quá trình này khiến hoạt động của gan bị rối loạn, tăng nguy cơ biến chứng.
Các biến chứng cụ thể khi nhiễm virus viêm gan B gồm:
– Suy giảm chức năng gan: HBV phá hủy từ bên trong tế bào dẫn đến tổn thương gan. Điều này dẫn đến sự suy giảm chức năng của gan như thải độc, lọc máu, chuyển hóa và tổng hợp chất,…
– Gan nhiễm mỡ: Suy giảm hoạt động phân giải Triglyceride, khiến chất béo tích tụ tại gan do không được chuyển hóa.
– Xơ gan: Nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, trong vòng 20 năm hoặc có thể sớm hơn viêm gan B có thể tiến triển thành xơ gan.
– Ung thư gan: Thường xảy ra trong vòng 10 năm sau khi bị xơ gan. Trong thời gian diễn biến viêm gan đến xơ gan, HBV làm tăng nguy cơ tăng sinh tế bào gan ác tính.
3. Giải pháp phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B
3.1. Biện pháp phòng ngừa chủ động
– Trẻ em cần được tiêm vaccine ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh và tiêm các mũi tiếp theo dựa trên chương trình tiêm chủng mở rộng.
– Những người chưa có kháng thể viêm gan B cần tiêm vaccine phòng bệnh. Trước khi thực hiện tiêm phòng, cần thực hiện xét nghiệm HBsAg và anti-HBs.
– Trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm HBV như nhân viên y tế cần thực hiện tiêm phòng vaccine chủng ngừa.
3.2. Dự phòng lây truyền HBV từ mẹ sang con
Trường hợp người mẹ có HBsAg (+), trẻ cần được tiêm vaccine viêm gan B sau sinh theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời trẻ cần được tiêm kháng thể HBV trong vòng 2 giờ sau sinh.
Trong trường hợp người mẹ có HBV-DNA cao hơn 106 copies/ml, người mẹ cần dùng thuốc kháng virus từ 3 tháng cuối thai kỳ. Sau sinh 3 tháng, người mẹ cần xét nghiệm lại HBV-DNA để quyết định ngừng thuốc hoặc tiếp tục điều trị. Sau đó, người mẹ cần được theo dõi để phát hiện viêm gan B bùng phát.
3.3. Biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu
– Không dùng chung bơm kim tiêm, các dụng cụ xuyên chích qua da, đồ dùng sinh hoạt cá nhân.
– Thực hiện sàng lọc máu cũng như chế phẩm máu.
– Tình dục thủy chung, an toàn, lành mạnh.
– Không tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người mắc viêm gan B.
– Lựa chọn cơ sở y tế, địa chỉ xỏ khuyên, xăm hình… uy tín, đảm bảo khử khuẩn dụng cụ trước khi sử dụng.
Thông qua bài viết, câu hỏi virus viêm gan B lây qua đường nào đã được giải đáp. Nắm được các con đường lây truyền của bệnh, mỗi người cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HBV. Đừng quên thăm khám gan mật định kỳ để sàng lọc phát hiện sớm các bệnh lý, bảo vệ tốt nhất sức khỏe lá gan của bạn.