Viêm xung huyết hang vị dạ dày

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là một trong những bệnh về đường tiêu hóa cần được chẩn đoán sớm, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.

1. Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì? 

Hang vị dạ dày là phần nằm từ ngang góc bờ cong nhỏ dạ dày tới lỗ môn vị (môn vị tiếp nối giữa dạ dày và hành tá tràng). Viêm xung huyết hang vị dạ dày là tình trạng niêm mạc tại vùng hang vị dạ dày bị viêm. 

Điều này gây tình trạng các mạch máu giãn nở xung huyết vùng viêm trở nên đỏ hơn các vùng khác. Bệnh thường không gây ra triệu chứng quá rõ rệt, tùy theo mức độ viêm. 

vị trí viêm xung huyết hang vị dạ dày

Viêm xung huyết ở vị trí hang vị dạ dày

2. Triệu chứng của bệnh

2.1 Rối loạn tiêu hóa do viêm xung huyết hang vị dạ dày

Rối loạn tiêu hóa xảy ra với các biểu hiện như đầy hơi, chướng bụng, trung tiện, phân thay đổi bất thường khi nát khi rắn… Trong những trường hợp loét hành tá tràng lâu ngày gây co kéo làm hẹp môn vị thì ăn không tiêu, bụng chướng lên gây khó chịu.

2.2 Đau bụng vùng thượng vị 

Đau thường là biểu hiện điển hình nhất của các bệnh có liên quan tới dạ dày. Đối với viêm xung huyết hang vị dạ dày cũng vậy. Vị trí đau thường gặp nhất là vùng thượng vị (trên rốn), đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Đau âm ỉ có khi kéo dài từ vài tháng đến vài ba năm, có khi hàng chục năm. 

Nhiều bệnh nhân đau có tính chất chu kỳ và thường xảy ra vào lúc giao mùa, đặc biệt là mùa rét. Đôi khi trạng thái thần kinh căng thẳng, lo lắng, sau ăn thức ăn chua, cay, uống đồ uống kích thích như rượu cũng làm cơn đau xuất hiện hoặc đau kéo dài.

2.2 Viêm xung huyết hang vị dạ dày gây ợ hơi, ợ chua

Đây là dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh tiêu hóa khác. Người bệnh thường có cảm giác nóng rát hoặc cồn cào trong dạ dày giữa các bữa ăn hoặc vào ban đêm. Ợ chua thường xuất hiện vào buổi sáng khi đánh răng. 

2.3 Buồn nôn

Khi niêm mạc hang vị dạ dày bị viêm xung huyết sẽ gây cản trở hoạt động tiêu hóa trong đó có quá trình phân giải thức ăn. Gây ra triệu chứng buồn nôn, nôn ói và trào ngược.

Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng không liên tục mà chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, người bệnh không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên nếu các dấu hiệu này lặp lại nhiều lần trong một tuần trở đi, bạn nên tới gặp bác sĩ để được kiểm tra càng sớm càng tốt. Trong trường hợp bị đau bụng dữ dội, nôn ra máu thì cần tới bệnh viện ngay lập tức. 

chẩn đoán viêm xung huyết hang vị dạ dày

Nội soi giúp chẩn đoán bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày

3. Nguyên nhân gây bệnh

– Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP): Vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn sống trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn HP gây viêm loét, tăng tiết dịch axit dạ dày, là một trong những nguyên nhân gây viêm hang vị. 

– Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như aspirin, ibuprofen hoặc các loại thuốc giảm đau khác được phân loại là thuốc chống viêm không steroid (NSAID),… nếu sử dụng thường xuyên cũng gây nguy cơ gặp các vấn đề về dạ dày, trong đó có viêm xung huyết hang vị.

– Uống nhiều bia rượu, chất kích thích: Sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích… quá nhiều hoặc quá lâu gây hại không nhỏ tới dạ dày. Bia rượu khiến dạ dày phải tiết nhiều axit hơn bình thường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lớp niêm mạc dạ dày và gây viêm.

– Các nguyên nhân khác: Trào ngược mật, người lớn tuổi, người điều trị ung thư, viêm dạ dày tự miễn, hút thuốc lá nhiều, người gặp các tình trạng y tế khác như HIV / AIDS, bệnh Crohn, nhiễm ký sinh trùng, bệnh celiac, bệnh sarcoidosis,… tuy ít gặp nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây viêm xung huyết hang vị dạ dày. 

4. Chẩn đoán viêm xung huyết hang vị dạ dày

Để chẩn đoán xác định viêm xung huyết hang vị dạ dày cần sử dụng các phương pháp:

– Chụp X-quang có dùng thuốc cản quang: Phương pháp này có thể sử dụng để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên không thể đánh giá được mức độ viêm là nhẹ hay nặng.

Nội soi dạ dày: Nội soi là phương pháp hiệu quả nhất để chẩn đoán và đánh giá mức độ viêm tại hang vị dạ dày. Trong quá trình nội soi có thể lấy mô để xác định có khuẩn HP hay không. Một số trường hợp khác lấy mô để sinh thiết tế bào, từ đó đánh giá nguy cơ ác tính. 

5. Phương pháp điều trị bệnh 

Điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày bao gồm cả điều trị nội khoa (dùng thuốc) và điều chỉnh chế độ sinh hoạt, làm việc. Thuốc điều trị chủ yếu là thuốc làm giảm tiết acid dạ dày (các thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng Histamin H2) để tạo điều kiện cho niêm mạc dạ dày có thể hồi phục. Để đạt được hiệu quả ổn định lâu dài thì cần phải loại bỏ được các nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây bệnh như: bỏ rượu bia, thuốc lá, tránh stress…

điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày theo chỉ định

Điều trị bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ

6. Phương pháp phòng bệnh 

– Không được nhịn ăn. Ăn chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, không nên để quá đói hoặc quá no.

– Nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, ít mỡ, ít chất kích thích gây tăng tiết dịch vị. Tuyệt đối tránh các món ăn như món cay, chua, mặn…

– Tuyệt đối tránh những món ăn không thân thiện với dạ dày đang bị bệnh của bạn

Tuyệt đối tránh những món ăn không thân thiện với dạ dày đang bị bệnh của bạn

– Không nên ăn bữa cuối cùng trong ngày gần giấc ngủ

– Bỏ thuốc lá và rượu bia: Bỏ thuốc lá và các chất kích thích làm giảm kích ứng lên niêm mạc dạ dày. 

– Bên cạnh đó một chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi làm việc vừa sức giúp bạn tránh bệnh này.

Để biết thêm thông tin, được tư vấn trực tiếp về các vấn đề liên quan đến viêm xung huyết hang vị dạ dày và đặt lịch thăm khám với bác sĩ, độc giả vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc theo số điện thoại 1900 558892 để được giải đáp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital