Viêm dạ dày do HP là gì? Thực hiện điều trị bệnh bằng cách nào?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm loét dạ dày là bệnh lý thường gặp gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó viêm dạ dày do HP gây ra chiếm tỷ lệ phổ biến hơn cả. Hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như phương pháp điều trị để có cách đối phó hiệu quả, ngăn ngừa các tác hại ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

1. Viêm dạ dày do HP: Khái niệm, triệu chứng và phương pháp chẩn đoán

1.1. Viêm dạ dày do HP là gì?

Viêm dạ dày HP là bệnh viêm loét dạ dày do loại vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) gây ra. Loại vi khuẩn này có khả năng xâm nhập, khu trú và phát triển tại lớp nhầy bảo vệ thành dạ dày. Theo thời gian, vi khuẩn phát triển sẽ tiết ra dịch độc bắt đầu bào mòn lớp bảo vệ khiến lộ ra các lớp bên dưới. Từ đó tạo thành các tổn thương và gây ra viêm loét dạ dày.

Viêm loét dạ dày do HP chiếm tới 90% trong tổng số ca bệnh. Bên cạnh HP, nguyên nhân gây viêm loét dạ dày có thể đến từ việc sử dụng nhiều các loại thuốc giảm đau, kháng viêm cùng các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, chế độ ăn không khoa học, stress kéo dài hay thói quen lối sống không điều độ,…

Viêm dạ dày do HP là gì?

Viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP gây ra chiếm tới 90% tổng số ca viêm loét.

1.2. Triệu chứng nhận biết bệnh

Như đã nói ở trên, triệu chứng viêm loét dạ dày HP nói riêng và viêm loét dạ dày nói chung cơ bản là giống nhau. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng thường mờ nhạt nên người bệnh có thể chủ quan bỏ qua. Nhưng nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy các dấu hiệu khác thường sau đây:

– Cơn đau bụng xuất phát từ vùng thượng vị. Cơn đau âm ỉ hoặc đau dữ dội tùy theo từng tình trạng bệnh cụ thể;

– Người bệnh thường đau sau ăn 2-3 tiếng hoặc đau lúc đêm muộn, gần sáng;

– Buồn nôn, nôn ói, bị hôi miệng;

– Đầy hơi, ợ hơi, ợ nóng;

– Chán ăn, ăn không ngon;

– Sụt cân không chủ ý.

Khi nhận thấy các dấu hiệu kể trên, mỗi người hãy chủ động tiến hành thăm khám chuyên khoa tiêu hóa sớm để được chẩn đoán đúng tình trạng bệnh, thực hiện chỉ định từ bác sĩ và không bỏ lỡ thời điểm “vàng” điều trị.

1.3. Phương pháp chẩn đoán viêm dạ dày do HP

Chẩn đoán bệnh viêm loét dạ dày HP có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp, nhưng thường gặp nhất và thông dụng nhất phải kể tới 2 phương pháp sau đây:

Nội soi dạ dày tá tràng: Nội soi tiêu hóa được xem là tiêu chuẩn trong chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng vì đây là phương pháp thực hiện trực tiếp và cho kết quả chính xác nhất. Nội soi dạ dày giúp phát hiện rõ ổ loét, cho biết vị trí, kích thước và cả những sang chấn khó phát hiện ở lớp niêm mạc. Không dừng lại ở đó, trong quá trình nội soi còn có thể thực hiện sinh thiết tổn thương nhằm phục vụ khảo sát mô bệnh học và hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt.

– Các xét nghiệm tìm vi khuẩn HP: Vi khuẩn HP có thể được phát hiện thông các xét nghiệm như: xét nghiệm máu, test hơi thở, tổng phân tích mẫu phân hoặc từ một mẫu sinh thiết được lấy qua nội soi.

2. Điều trị đúng cách viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP

Nguyên tắc chung của điều trị viêm loét dạ dày là cần tập trung dứt điểm nguyên nhân bệnh. Chính vì vậy, để điều trị tốt viêm dạ dày HP bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ tiêu diệt vi khuẩn HP cụ thể phù hợp với từng trường hợp bệnh.

Một lưu ý quan trọng khi tiến hành điều trị viêm loét dạ dày HP bằng thuốc đó là vi khuẩn HP có đề kháng cao với các loại kháng sinh nên sẽ cần kết hợp nhiều loại kháng sinh cùng lúc và cần đảm bảo tính tương thích với từng trường hợp bệnh. Chính vì vậy, người bệnh không được tự ý mua thuốc mà cần thực hiện thăm khám và làm đúng theo chỉ định bác sĩ đưa ra.

Điều trị HP có thể được thực hiện theo các phác đồ phổ biến sau đây:

– Phác đồ điều trị liệu pháp 3 thuốc

– Phác đồ điều trị liệu pháp 4 thuốc

– Phác đồ điều trị nối tiếp

– Phác đồ điều trị kết hợp 3 thuốc và có thêm Levofloxacin

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh loét dạ dày cần kết hợp các yêu cầu về chế độ ăn uống khoa học, thực hiện lối sống sinh hoạt lành mạnh, dừng việc sử dụng các nhóm thuốc giảm đau chống viêm cũng như thực hiện thăm khám theo yêu cầu của bác sĩ nhằm mang tới hiệu quả điều trị tốt nhất.

Điều trị viêm loét dạ dày HP bằng thuốc

Có thể điều trị viêm dạ dày HP hiệu quả bằng thuốc.

3. Phòng viêm loét dạ dày HP tái lại

Một thực tế là kể cả khi đã được điều trị khỏi thì HP vẫn có thể tái dương tính và gây ra viêm loét dạ dày HP. Chính vì thế, người bệnh cả trong và sau quá trình điều trị cần thực hiện tốt các yêu cầu sau đây nhằm phòng bệnh tái lại:

– Xây dựng chế độ ăn đủ dinh dưỡng đặc biệt là giàu chất xơ, vitamin từ các loại trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Tránh đồ ăn chua, cay, đồ ăn nhiều dầu mỡ và đồ ăn khó tiêu hóa,…

– Uống đủ nước.

– Bỏ thuốc lá và quan trọng là hãy tránh xa khói thuốc.

– Hạn chế tối đa sử dụng các loại đồ uống có cồn, điển hình là bia rượu.

– Tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần sử dụng nhóm các thuốc giảm đau chống viêm như Ibuprofen, aspirin và naproxen (NSAID).

– Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

– Ăn các loại thực phẩm khi đã được nấu chín hoàn toàn.

– Duy trì và thực hiện lối sống lành mạnh từ thói quen ăn uống tới sinh hoạt bao gồm: ăn đủ bữa đúng giờ, tập trung khi ăn, chia nhỏ bữa ăn, không thức khuya, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài, luyện tập thể dục thể thao đều đặn,.. giúp cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe cũng như tinh thần của mỗi người.

– Tái khám đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ, thường là 6-12 tháng/lần.

Phòng bệnh viêm loét dạ dày HP

Thực hiện phòng viêm loét dạ dày HP hiệu quả kể cả khi bệnh đã được điều trị khỏi.

4. Kết luận

Viêm dạ dày do HP có thể được điều trị tốt khi phát hiện bệnh sớm và thực hiện đúng phác đồ theo chỉ định của bác sĩ đưa ra. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ viêm loét cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh cũng như lên phương án điều trị phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital