Giải đáp ợ chua buồn nôn là bệnh gì
Ợ chua buồn nôn là bệnh gì là thắc mắc chung của khá nhiều người đã gặp phải triệu chứng này. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
1. Hiểu về tình trạng ợ chua buồn nôn
Ợ chua kèm buồn nôn là triệu chứng không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là sau khi ăn hoặc khi nằm nghỉ. Tuy đây có thể chỉ là dấu hiệu sinh lý bình thường, nhưng trong nhiều trường hợp, nó lại là biểu hiện của một số bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng cần được quan tâm đúng mức.
Ợ chua là tình trạng trào ngược khí kèm dịch vị từ dạ dày lên thực quản, tạo cảm giác nóng rát, vị chua trong miệng. Trong khi đó, buồn nôn là cảm giác muốn nôn, thường xảy ra khi dạ dày bị kích thích hoặc do tác động từ các cơ quan tiêu hóa khác. Khi hai triệu chứng này xuất hiện cùng lúc và kéo dài, rất có thể bạn đang gặp vấn đề về hệ tiêu hóa.
Ở mức độ nhẹ, tình trạng ợ chua buồn nôn có thể chỉ là phản ứng sinh lý nhất thời do ăn uống không điều độ. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này kéo dài nhiều ngày, kèm các biểu hiện như đau bụng dữ dội, nôn ra máu, sụt cân nhanh chóng,… thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm cần được thăm khám sớm.

2. Ợ chua buồn nôn là bệnh gì?
Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến có thể gây ra triệu chứng ợ chua kèm buồn nôn:
2.1. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra triệu chứng trên. GERD xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới hoạt động kém, không thể đóng kín hoàn toàn sau khi thức ăn vào dạ dày, dẫn đến axit và thức ăn trào ngược lên thực quản.
Triệu chứng đầy đủ bao gồm: Ợ chua, ợ nóng sau khi ăn hoặc khi nằm; Buồn nôn, có thể kèm nôn; Đắng miệng, hôi miệng; Đau tức ngực, khó nuốt
Nguyên nhân ban đầu: Ăn uống không điều độ, dùng nhiều thức ăn cay nóng, chiên rán; Căng thẳng, stress; Uống rượu, hút thuốc lá; Mang thai, béo phì
2.2. Viêm loét dạ dày – tá tràng
Viêm hoặc loét niêm mạc dạ dày, tá tràng khiến dịch vị tăng tiết, gây kích thích mạnh đến hệ thần kinh tiêu hóa, dẫn đến ợ chua và buồn nôn.
Triệu chứng: Đau âm ỉ hoặc quặn bụng, nhất là lúc đói hoặc sau khi ăn; Ợ hơi, ợ chua; Buồn nôn, nôn ra dịch chua hoặc thức ăn; Đầy bụng, chướng hơi
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Helicobacter pylori và việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs). Hoặc có thể do thói quen ăn uống thất thường.
2.3. Viêm dạ dày cấp hoặc mạn tính
Viêm dạ dày có thể gây tổn thương niêm mạc, làm giảm khả năng co bóp và tiêu hóa. Từ đó dễ dẫn đến trào ngược dịch vị và cảm giác buồn nôn.
Triệu chứng: Đầy hơi, ợ hơi, ợ chua; Buồn nôn, có thể kèm nôn khan; Ăn uống khó tiêu, chán ăn; Đau vùng thượng vị.
2.4. Ngộ độc thực phẩm
Nếu ợ chua và buồn nôn xuất hiện đột ngột sau khi ăn, đặc biệt là sau khi dùng thức ăn không đảm bảo vệ sinh, thì rất có thể bạn đang bị ngộ độc thực phẩm.
Triệu chứng: Buồn nôn, nôn mửa dữ dội; Tiêu chảy; Đau bụng quặn; Sốt nhẹ hoặc cao.
2.5. Bệnh gan – mật
Rối loạn chức năng gan, tắc nghẽn đường mật có thể khiến dịch mật trào ngược lên dạ dày, gây cảm giác ợ chua kèm đắng miệng, buồn nôn.
Triệu chứng kèm theo: Vàng da, vàng mắt; Nước tiểu sẫm màu; Phân bạc màu; Cảm giác chán ăn, mệt mỏi.

3. Chẩn đoán khi bị ợ chua buồn nôn
Khi đến cơ sở y tế, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm, bao gồm:
Nội soi dạ dày – thực quản
Xét nghiệm máu và phân
Siêu âm ổ bụng
Xét nghiệm vi khuẩn H. pylori
Đo pH thực quản 24h (trong trường hợp nghi ngờ GERD)
Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân sẽ giúp đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả.
4. Cách điều trị tình trạng ợ chua buồn nôn
4.1. Thay đổi lối sống và chế độ ăn
Ăn đúng giờ, không bỏ bữa, không nằm ngay sau khi ăn; Tránh thực phẩm nhiều axit như chanh, cà chua, nước có gas; Hạn chế đồ chiên rán, cay nóng, nhiều gia vị; Tránh rượu bia, thuốc lá, cà phê; Giảm stress, ngủ đủ giấc
4.2. Dùng thuốc
Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ có thể kê các loại thuốc sau: Thuốc trung hòa axit, thuốc ức chế tiết axit, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày. Thuốc kháng sinh cũng cần thiết trong trường hợp nếu có vi khuẩn H. pylori. Ngoài ra có trường hợp cần đến thuốc chống buồn nôn.
4.3. Điều trị nguyên nhân là các bệnh lý nền
Nếu ợ chua buồn nôn là hậu quả của bệnh gan mật, viêm loét dạ dày nặng, hoặc bệnh lý thực thể khác thì việc điều trị cần tập trung xử lý nguyên nhân gốc rễ. Lưu ý: Cần đi khám ngay nếu bạn gặp các dấu hiệu như Ợ chua và buồn nôn kéo dài trên 1 tuần. Sụt cân không rõ nguyên nhân; nôn ra máu hoặc chất đen, đau bụng dữ dội; Mệt mỏi, da vàng, nước tiểu sẫm; Đừng chủ quan vì đôi khi, những triệu chứng tưởng chừng đơn giản lại là “lời cảnh báo” của cơ thể về một bệnh lý nguy hiểm.

5. Phòng ngừa ợ chua và buồn nôn hiệu quả
Duy trì cân nặng lý tưởng, tránh béo phì
Không ăn quá no trong một bữa
Tránh nằm sau khi ăn tối thiểu 2 giờ
Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày
Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường
Các thông tin trên đã cho biết ợ chua buồn nôn là bệnh gì. Triệu chứng này có thể liên quan đến nhiều bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày, viêm loét, viêm gan mật… hoặc chỉ là hiện tượng sinh lý do ăn uống không hợp lý. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc chủ động chăm sóc sức khỏe tiêu hóa là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả triệu chứng khó chịu này.