Trẻ bị bệnh tim nếu mắc nhiễm khuẩn đường hô hấp sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều trẻ bình thường do những trẻ này thường do có tình trạng giảm lưu lượng máu lên phổi, các tật hẹp động mạch phổi vì thế sẽ dễ bị viêm đường hô hấp trên như viêm mũi, họng, tai, nhiễm trùng răng miệng.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao trẻ có tật tim bẩm sinh dễ bị nhiễm trùng hô hấp?
– Trẻ có mắc tim bẩm sinh loại tăng lượng máu lên phổi ví dụ như thông liên nhĩ (ASD), thông liên thất (VSD), còn ống động mạch (PDA), kênh nhĩ thất (ECD), chuyển vị đại động mạch (TGA), bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi toàn phần (TAPVR), … rất dễ bị sưng phổi. Nguyên nhân là do máu lên phổi nhiều sẽ làm các mạch máu phổi bị dãn to, gây chèn ép vào các đường thở, làm cản trở luồng không khí ra vào phổi, ứ đọng các khí cặn trong phổi, tao điều kiện thuận lợi để vi sinh vật phát triển trong phổi.
– Trẻ có tật tim bẩm sinh giảm lưu lượng máu lên phổi, các tật có hẹp động mạch phổi như tứ chứng Fallot (TOF), không lỗ van động mạch phổi (PA), hẹp động mạch phổi (PS), … rất dễ bị viêm đường hô hấp trên. Nguyên nhân là do thiếu hụt lượng máu lên phổi để được trao đổi oxy, dẫn đến tình trạng người bệnh bị thiếu oxy mạn tính. Lâu dài sẽ làm cho các mao mạch ở vùng đường hô hấp trên bị dãn to, dễ vỡ, dễ chảy máu và nhiễm trùng, nhất là vi trùng kỵ khí.
– Trẻ mắc tim bẩm sinh thường gặp khó khăn khi bú (kể cả bú mẹ lẫn bú bình) vì khó thở, phải thở nhanh, nên dễ sặc, hít sữa, thức ăn vào phổi dẫn tới bị viêm phổi hít.
– Trẻ có tim bẩm sinh cũng thường hay bị suy dinh dưỡng vì vậy sức đề kháng yếu, nếu tiếp xúc với vi trùng hoặc siêu vi trùng thì rất dễ bị nhiễm bệnh.
2. Phòng tránh nhiễm trùng hô hấp cho trẻ bị tim bẩm sinh bằng cách nào?
– Không nên để trẻ tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm, ho, sổ mũi.
– Không cho trẻ tiếp xúc với người lạ, bên ngoài gia đình.
– Không được hôn và thở trực tiếp vào mặt trẻ.
– Rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc và sờ vào người trẻ.
– Để trẻ ở khoảng cách xa những nơi có khói (khói bếp, khói thuốc lá, nhang khói bàn thờ) và bụi bặm.
– Chăm sóc và giữ ấm trẻ khi trời lạnh, nếu trẻ ra mồ hôi thì nên thay quần áo và không được để trẻ trước luồng gió của quạt, máy lạnh.
– Khi cho trẻ bú hoặc ăn phải nâng cao đầu trẻ, tránh trường hợp trẻ bị hít sặc.
– Nên chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều cữ, không để trẻ no quá dễ bị ọc, ói, hít vào phổi.
Đặc biệt, bạn đừng quên cho bé được tiêm chủng đầy đủ các bệnh theo chương trình quốc gia. Nếu có điều kiện thì nên chủng ngừa Hib ngừa nhiễm trùng Hemophilus Influenzae.