Vi khuẩn HP hay còn gọi là vi khuẩn Helicobacter pylori. Đây là loại vi khuẩn xuất hiện chủ yếu trong dạ dày người và gây ra những tổn thương trong dạ dày. Khi có người nhà mắc vi khuẩn HP nhiều người lo lắng không biết vi khuẩn HP có lây không, làm thế nào để phòng tránh?
Menu xem nhanh:
Vi khuẩn HP có lây không?
Vi khuẩn HP là một loại vi khuẩn phổ biến trong niêm mạc dạ dày, là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về dạ dày như viêm dạ dày- tá tràng, loét dạ dày- tá tràng. Ngoài ra vi khuẩn HP nếu không được điều trị triệt để, lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP có lây không cũng là câu hỏi được nhiều người quan tâm, tìm hiểu. Vi khuẩn HP có lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua đường tiêu hóa. Thống kê có tới 70% dân số Việt Nam nhiễm loại vi khuẩn này.
Các con đường lây truyền vi khuẩn HP:
- Lây qua đường miệng – miệng:
Vi khuẩn HP được tìm thấy trong nước bọt, cao răng, khoang miệng của người bệnh, do đó chúng có thể lây từ người này qua người khác khi dùng chung đồ vệ sinh cá nhân, răng miệng, dùng chung bát đũa, hôn trực tiếp, mẹ nhai mớm cơm cho con. Trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP có thể lây cho nhau.
- Lây qua đường phân – miệng:
Vi khuẩn HP có trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi vệ sinh tay không sạch sẽ khi đi đại tiện và trước khi ăn. Vi khuẩn này cũng có thể lây nhiễm qua trung gian như gián, ruồi, chuột… do thức ăn không được che đậy kỹ.
- Lây qua đường dạ dày – miệng
Nếu người có vi khuẩn HP trong dạ dày thì khi bị trào ngược hoặc ợ chua có thể đẩy vi khuẩn lên trên miệng cùng với dịch dạ dày.
- Lây qua đường dạ dày – dạ dày
Đây là đường lây nhiễm này rất quan trọng bởi nó lây nhiễm trong quá trình người bệnh làm nội soi tại các cơ sở y tế không đảm bảo, dụng cụ nội soi không được khử trùng sẽ khiến người lành bị nhiễm bệnh.
Cách phòng ngừa vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP có lây lan nên việc phòng ngừa bệnh vô cùng cần thiết. Căn cứ vào các con đường lây nhiễm bệnh nêu trên, chúng ta sẽ có biện pháp phòng tránh vi khuẩn HP hiệu quả.
- Không dùng chung các dụng cụ ăn uống trong gia đình như chung bát nước chấm, gắp thức ăn cho nhau, uống chung bát, ăn chung đũa.
- Không mớm cơm cho trẻ, không ăn dở và cho trẻ ăn tiếp, không hôn trực tiếp vào miệng trẻ
- Không nên ăn những thức ăn vỉa hè, đường phố không đảm bảo an toàn vệ sinh
- Diệt trừ ruồi muỗi, giữ gìn vệ sinh bát đũa sạch sẽ, tráng nước sôi vào các dụng cụ ăn uống dùng chung trong gia đình.
- Các vật nuôi như chó mèo cũng được xác định là nguồn lây nhiễm vi khuẩn HP vì vậy hãy có những biện pháp vệ sinh sạch sẽ cho vật nuôi.
- Hạn chế ăn các loại đồ ăn sống như rau sống, gỏi… Ngoài ra các loại thức ăn lên men như mắm tôm, mắm ruốc cũng nên hạn chế ăn vì đa số loại thực phẩm này không được vệ sinh sạch sẽ dễ gây các bệnh đường tiêu hóa trong đó có nhiễm khuẩn HP.
Tuân thủ theo đúng phương pháp phòng ngừa vi khuẩn HP nêu trên sẽ giúp bạn giảm dần nguy cơ mắc phải loại vi khuẩn này. Trong trường hợp đã nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh cần chủ động điều trị sớm, triệt để nhằm tránh lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh, đồng thời hạn chế khả năng hình thành ung thư dạ dày.