Khi thấy trẻ thường xuyên ngạt mũi, chảy nước mũi, ngủ ngáy to và hay giật mình…thì có thể bé đã viêm viêm VA. Cùng tìm hiểu VA là bệnh gì? Cách phát hiện và điều trị bệnh thế nào sẽ được chúng tôi cung cấp trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. VA là bệnh gì?
VA là một tổ chức lymphô nằm ở vòm mũi họng. VA có chức năng miễn dịch và sản xuất kháng thể chống lại vi khuẩn xâm nhập đường hô hấp trên, đặc biệt trong lứa tuổi 6 tháng đến 4 tuổi khi trẻ đã sử dụng hết kháng thể của mẹ truyền cho từ thai kỳ và bắt đầu sống bằng hệ miễn dịch non yếu của chính mình.
2. Triệu chứng của viêm VA
Trẻ bị viêm VA có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
VA phình to quá mức (phì đại) khiến trẻ nghẹt mũi kéo dài, thở khò khè, ngủ ngáy hoặc nặng hơn là có những cơn ngưng thở khi ngủ.
VA bị nhiễm trùng và có biến chứng sẽ làm chảy mũi kéo dài, dịch mũi có thể trong hoặc vàng, xanh; sốt lặp đi lặp lại do viêm mũi hoặc viêm tai giữa.
Hoặc ho kéo dài hay tái phát nhiều lần, kèm khàn tiếng do dịch viêm VA chảy xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, viêm thanh quản. Một số ít trẻ rối loạn tiêu hóa do vi trùng từ VA đi vào đường tiêu hóa gây đau bụng, nôn ói hay tiêu chảy.
3. Điều trị viêm VA cho trẻ
Trong các đợt viêm cấp, trẻ cần được điều trị nội khoa bằng cách phối hợp các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, nhỏ thông mũi, hút sạch dịch mũi và rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Mỗi đợt điều trị có thể kéo dài trung bình 5 – 10 ngày hoặc một số ít trường hợp kéo dài 3 – 4 tuần.
Phẫu thuật nạo VA thường được thực hiện trong trường hợp:
– VA bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc mỗi đợt kéo dài cả tháng, đồng thời gây biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm thanh quản và rối loạn tiêu hóa.
– VA phì đại quá to làm trẻ nghẹt mũi kéo dài, không thuyên giảm đáng kể với điều trị nội khoa, có cơn ngưng thở khi ngủ. Trong trường hợp này nội soi sẽ thấy VA phì đại độ III, độ IV gần bít tắc hết cửa mũi sau của trẻ.
4. Phòng ngừa viêm VA thế nào?
Bệnh viêm VA có thể phòng ngừa dễ dàng bằng cách:
Giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ thật sạch, đặc biệt là tay, do lứa tuổi này tay trẻ hay chạm vào bất kỳ đồ vật nào trong tầm tay rồi đưa lên miệng, mũi làm vi trùng xâm nhập cơ thể.
Giữ cho trẻ sống trong môi trường trong lành, sạch sẽ, không khói thuốc lá, hạn chế đưa trẻ tới những chỗ công cộng đông người.
Cho trẻ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng, tránh ăn uống quá nhiều vào ban đêm để hạn chế tình trạng trào ngược dịch vị từ dạ dày lên họng, vòm mũi họng gây viêm họng và viêm VA.
Nên cho trẻ uống thêm các loại vi chất tăng cường miễn dịch của đường hô hấp trên như kẽm, canxi… và đặc biệt là tiêm ngừa các chủng vi khuẩn thường gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Ngoài ra, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể của trẻ để kịp thời điều trị phù hợp.