Ung thư tuyến tụy là bệnh lý ảnh hưởng đến tuyến tụy, một cơ quan của hệ tiêu hóa có chức năng phân hủy thức ăn, điều hòa đường huyết. Bệnh khó phát hiện ở giai đoạn đầu dẫn đến tỷ lệ sống sót thấp. Vậy nên nắm bắt được các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây bệnh để chủ động phòng tránh, sàng lọc và nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh là điều quan trọng, tất cả sẽ có trong nội dung bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh ung thư tuyến tụy xảy ra thế nào?
Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào trong tuyến tụy đột ngột thay đổi vượt lên ngoài tầm kiểm soát tạo thành khối u. Ung thư tụy có nguồn gốc từ tế bào nội hoặc ngoại tiết của tuyến tụy. Trong đó khoảng hơn 90% ung thư tụy là các khối u ngoại tiết, bắt đầu trong tế bào lót các ống dẫn enzym tiêu hóa ra khỏi tuyến tụy. Ít hơn 10% khối u tuyến tụy là khối u thần kinh nội tiết.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh
2.1 Nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư tại tuyến tụy
Bất kỳ yếu tố nào làm tăng khả năng phát triển ung thư được xếp vào là yếu tố nguy cơ. Đối với ung thư xảy ra tại tuyến tụy, có một số yếu tố nguy cơ được xác định đó là:
– Hút thuốc lá, xì gà và sử dụng các loại thuốc lá khác
– Béo phì, thừa cân với vòng eo to
– Bệnh tiểu đường, đặc biệt là bệnh tiểu đường tuýp 2
– Viêm tụy mạn tính, viêm tụy mạn tính di truyền từ cha mẹ sang con cái
– Hội chứng di truyền với những thay đổi đột biến gen, chẳng hạn như gen BRCA1 hoặc BRCA2 được truyền từ cha mẹ sang con cái.
– Tiếp xúc với một số hóa chất như thuốc trừ sâu, hóa dầu…
2.2 Các triệu chứng điển hình xảy ra ở bệnh ung thư tuyến tụy
Thông thường gần như không có bất kỳ dấu hiệu sớm nào của bệnh ung thư xảy ra tại tuyến tụy. Các triệu chứng thường xuất hiện khi khối u tuyến tụy bắt đầu ảnh hưởng đến cơ quan khác trong hệ tiêu hóa. Theo đó, người bệnh có thể nhận thấy có các triệu chứng sau:
– Vàng da, vàng mắt
– Nước tiểu sẫm màu
– Phân có màu sáng hơn, phân bạc màu
– Đau bụng trên, đau lưng giữa, đau bụng lan sang hai bên hoặc lưng
– Ngứa da
– Mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đầy hơi, chán ăn…
– Xác định có bệnh tiểu đường mới khởi phát
3. Ung thư tụy nguy hiểm thế nào?
3.1 Rất khó chẩn đoán sớm
Ung thư tụy là căn bệnh ít gặp nhưng lại có độ nguy hiểm cao bởi khó phát hiện và chẩn đoán vì những lý do sau đây:
– Không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh ung thư tụy đáng chú nào trong giai đoạn đầu của bệnh
– Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tại tuyến tụy khi xuất hiện cũng giống như các dấu hiệu và triệu chứng của nhiều bệnh lý đường tiêu hóa khác.
– Tuyến tụy nằm sâu trong ổ bụng, ẩn đằng sau các cơ quan khác như dạ dày, ruột non, gan, túi mật, lá lách, và ống mật nên cũng gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán, nhiều trường hợp khối u giai đoạn đầu không xuất hiện trên các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh.
Do đó, vào thời điểm chẩn đoán, hầu hết các trường hợp ung thư đều đã di căn đến các vị trí khác của cơ thể.
Ung thư tụy cũng đề kháng với nhiều loại thuốc trị ung thư thông thường, khiến bệnh trở nên khó điều trị.
3.2 Biến chứng nguy hiểm
Khi ung thư tụy tiến triển có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
– Bệnh vàng da: Khối ung thư tại tuyến tụy làm tắc ống mật của gan, từ đó dẫn đến vàng da.
– Các cơn đau trở nên nghiệm trọng: Khối u đang phát triển có thể đè lên các dây thần kinh ở bụng gây ra cơn đau nghiêm trọng.
– Tắc ruột: Khối u tại tuyến tụy có thể phát triển hoặc chèn ép vào phần đầu của ruột non, điều này có thể ngăn chặn dòng thức ăn được tiêu hóa từ dạ dày vào ruột.
Ung thư tụy có xu hướng di căn đến các mạch máu, hạch bạch huyết gần đó và sau đó đến gan, phúc mạc và phổi .Phần lớn bệnh ung thư tuyến tụy đã lan ra ngoài tuyến tụy tại thời điểm chẩn đoán.
3.3 Tiên lượng sống thấp
Người bệnh ung thư tụy thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Triển vọng (tiên lượng) của người bệnh sẽ tốt hơn nếu ung thư của không lan rộng và bạn có thể phẫu thuật để loại bỏ nó.
Tỷ lệ sống tương đối 5 năm đối với bệnh ung thư tụy là khoảng 44% đối với giai đoạn khu trú (giai đoạn không có dấu hiệu cho thấy ung thư lan ra ngoài tuyến tụy); khoảng 15% đối với giai đoạn tiến triển cục bộ (ung thư đã lan từ tuyến tụy đến các cấu trúc lân cận hoặc các hạch bạch huyết); khoảng 3% đối với giai đoạn di căn xa (ung thư đã lan đến các bộ phận xa của cơ thể như phổi, gan, xương).
4. Dự phòng ung thư tuyến tụy
Để có thể giảm nguy cơ mắc ung thư tụy, bạn có thể thực hiện một số điều sau đây:
– Bỏ hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
– Duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm cân nếu bạn đang có tình trạng thừa cân, béo phì.
– Ăn nhiều trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
– Giảm lượng thịt đỏ, đồ uống có đường và thực phẩm chế biến sẵn.
– Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại, chẳng hạn như amiăng, thuốc trừ sâu và hóa dầu.
– Sàng lọc ung thư tụy định kỳ, mục tiêu là tìm ra khối u ngay khi còn nhỏ và có nhiều khả năng điều trị bệnh thành công. Sàng lọc có thể bao gồm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh chẳng hạn như MRI và siêu âm.
Trên đây là các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng của bệnh ung thư xảy ra tại tuyến tụy và tìm hiểu lý do tại sao đây là căn bệnh nguy hiểm và cần có biện pháp dự phòng, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn đọc.