U nang buồng trứng xoắn – Mối nguy tiềm ẩn và cách nhận biết

Tham vấn bác sĩ

U nang buồng trứng xoắn là một trong các biến chứng của u nang buồng trứng, là 1 cấp cứu phụ khoa thường gặp, có thể gặp ở phụ nữ trong mọi lứa tuổi, hay gặp nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nhiều nguy cơ mắc. Khi khối u nang bị xoắn, nó có khả năng khiến người bệnh có nguy cơ phải cắt đi buồng trứng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Chẩn đoán và can thiệp sớm giúp bảo tồn khả năng sinh sản của người phụ nữ.mất hoặc giảm khả năng sinh sản, viêm, nhiễm trùng. Một số trường hợp, chị em phải cắt bỏ buồng trứng, thậm chí tử vong.

Menu xem nhanh:

1. U nang buồng trứng xoắn là gì? Nguyên nhân gây xoắn

U nang buồng trứng xoắn là tình trạng buồng trứng bao gồm cả khối u bị xoắn lại với các cấu trúc lân cận như dây chằng, gây thiếu máu đến nuôi dưỡng buồng trứng, gây đau bụng cấp tính cho người bệnh, kéo dài có thể dẫn đến hoại tử buồng trứng và các biến chứng nghiêm trọng khác, nếu không được điều trị kịp thời. Đây là một tình trạng cần phải can thiệp bằng mổ cấp cứu, không thể chờ đợi tự tháo xoắn hoặc dùng thuốc.

U nang buồng trứng xoắn do đâu?

U nang buồng trứng xoắn do đâu?

Thông thường, trong cơ thể của người phụ nữ có 2 buồng trứng, nằm ở vùng bụng dưới 2 bên. Buồng trứng được neo giữ vào tử cung và vùng chậu bằng hệ thống các dây chằng buồng trứng, trong đó có 2 dây chằng chính là: dây chằng tử cung – buồng trứng và dây chằng thắt lưng buồng trứng. Vì thế buồng trứng không nằm ở 1 vị trí cố định mà có thể di động có giới hạn trong điều kiện bình thường. Khi có yếu tố khác làm cho sự di động này trở nên quá mức sẽ làm tăng nguy cơ bị xoắn
Vậy khối u buồng trứng có thể bị xoắn do các yếu tố sau đây:

– Khối u ở buồng trứng: đây là nguyên nhân thường gặp nhất, khối u làm cho buồng trứng nặng hơn, giãn các dây chằng neo giữ buồng trứng làm cho buồng trứng có biên độ di động lớn hơn và dễ bị xoắn hơn. Những khối u có kích thước lớn thường dễ gây xoắn hơn so với những khối u có kích thước nhỏ.

– Các dây chằng treo buồng trứng dài bất thường làm buồng trứng có cơ hội di động nhiều hơn, nguy cơ xoắn nhiều hơn.

– Hỗ trợ sinh sản: Do dùng thuốc kích thích buồng trứng trong hỗ trợ sinh sản nên buồng trứng có kích thước rất to, các dây chằng xung quanh trở nên mềm mại hơn tạo điều kiện cho việc di động của buồng trứng, có thể dẫn đến xoắn

– Mang thai: Mẹ bầu mang thai có nguy cơ bị xoắn u nang buồng trứng cao hơn do sự thay đổi kích thước tử cung khi thai phát triển.
– Khoang bụng quá rộng: Thường gặp trong thời kỳ hậu sản, khi tử cung lớn trong quá trình mang thai làm cho khoang bụng giãn lớn theo. Sau sinh tử cung co hồi rất nhanh trong khi khoang ổ bụng cần thời gian lâu hơn, vì thế có khoảng trống lớn tạo điều kiện cho buồng trứng di dộng nhiều hơn, nếu có thêm khối u buồng trứng thì khả năng bị xoắn tăng lên.
– Hoạt động thể chất: Những vận động mạnh theo chiều hướng xoay người đột ngột có thể làm xoắn khối u.

2. U nang buồng trứng bị xoắn nguy hiểm như thế nào?

Như đã nói ở trên, u nang buồng trứng xoắn có thể gây ra các hệ quả nghiêm trọng như:

– Hoại tử buồng trứng: Khi bị xoắn, nguồn cung cấp máu cho buồng trứng bị cắt đứt, dẫn đến hoại tử mô buồng trứng. Điều này có thể gây ra mất chức năng buồng trứng vĩnh viễn.

– Nhiễm trùng: nếu không được phẫu thuật kịp thời, u nang buồng trứng có thể hoại tử và vỡ gây viêm phúc mạc, có thể dẫn tới tử vong.

– Vô sinh: U buồng trứng xoắn 1 bên có thể khiến chị em phải cắt bỏ 1 bên buồng trứng. Nếu cả hai buồng trứng bị tổn thương nghiêm trọng, có thể dẫn đến vô sinh.

– Biến chứng thai kỳ: Nếu xảy ra trong thai kỳ, phải mổ tháo xoắn có thể gây ra các biến chứng như gây sảy thai, sinh non…

3. Cách nhận biết sớm u nang buồng trứng xoắn

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của u buồng trứng xoắn là rất quan trọng, góp phần quan trọng vào việc can thiệp kịp thời. Vậy khi có khối u buồng trứng, chị em có thể có các biểu hiện xoắn u như sau:

Hình ảnh một khối u nang bị xoắn

Hình ảnh một khối u nang bị xoắn

– Đau bụng dữ dội: Đau đột ngột và dữ dội ở vùng bụng dưới, thường ở một bên, là dấu hiệu đặc trưng nhất của u nang buồng trứng xoắn.

– Buồn nôn và nôn: Cơn đau có thể kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn.

– Sốt: Một số chị em có thể bị sốt nhẹ do viêm, đau.

– Đau khi di chuyển: Cơn đau thường trở nên tệ hơn khi người bệnh cử động hoặc thay đổi tư thế.

Rối loạn tiêu hóa: Có thể xuất hiện tình trạng trung tiện, đại tiện khó.

– Trường hợp u nang quá to gây chèn ép các cơ quan xung quanh ổ bụng, có thể xuất hiện một sô triệu chứng khác như: tiểu rắt, tiểu khó, táo bón, phù chi dưới.

Nếu phụ nữ có khối u buồng trứng và có dấu hiệu nêu trên, chị em cần khẩn trương đi khám bác sĩ để được xử lý kịp thời. Các mẹ bầu cần đặc biệt chú ý, nhận biết, phân biệt rõ với các dấu hiệu thông thường khi mang thai.

4. Chẩn đoán và điều trị, phòng ngừa xoắn khối u

4.1. Cách chẩn đoán u nang buồng trứng xoắn 5 bước

Khi nghi ngờ u nang buồng trứng xoắn, bác sĩ sẽ tiến hành một số phương pháp chẩn đoán sau:

– Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng bụng và tiểu khung để đánh giá mức độ đau và phát hiện các khối bất thường.

– Siêu âm: Có thể siêu âm qua đường bụng, đường âm đạo hoặc kết hợp cả hai. Đây là phương tiện đầu tay giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng u buồng trứng xoắn.  Buồng trứng bên bị xoắn thường tròn và giãn lớn hơn so với bên buồng trứng lành, ngoài ra có thể nhìn thấy những dấu hiệu chỉ điểm của u buồng trứng xoắn điển hình là dấu hiệu xoáy nước Whirlpool hoặc vỏ ốc, sự gián đoạn dòng máu trên siêu âm Doppler màu.

– CT scan hoặc MRI: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT hoặc MRI để có hình ảnh chi tiết hơn.

Xét nghiệm máu: Có thể được thực hiện để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm.

– Nội soi ổ bụng: Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể tiến hành nội soi ổ bụng để chẩn đoán chính xác và can thiệp điều trị.

4.2. Các hướng điều trị u nang buồng trứng xoắn

Khi khối u nang buồng trứng bị xoắn, nó gây ra cơn đau dữ dội, nhanh chóng chuyển sang các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, bệnh nhân cần được can thiệp phẫu thuật gấp. Tùy vào tình trạng thực tế của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định một trong các phương án cụ thể sau:

Người bệnh có dấu hiệu xoắn u nang cần được cấp cứu ngay

Người bệnh có dấu hiệu xoắn u nang cần được cấp cứu ngay

– Phẫu thuật nội soi: Đây là phương pháp được ưu tiên sử dụng trong trường hợp khối u nhỏ. Bác sĩ sẽ tháo xoắn và chờ buồng trứng phục hồi trở về trạng thái bình thường, hồng hào, có dấu hiệu tưới máu nuôi thì sẽ tiếp tục phẫu thuật bóc bỏ khối u buồng trứng và giữ lại phần buồng trứng bình thường. Còn trường hợp không thể khôi phục về bình thường, buồng trứng vẫn hoại tử, tím đen thì bác sĩ buộc phải cắt bỏ buồng trứng và vòi tử cung đã hoại tử

– Phẫu thuật mở: Nếu tình trạng khối u có kích thước quá lớn, khi có nghi ngờ về mức độ ác tính hoặc tình trạng bệnh nhân không thuận lợi để mổ nội soi, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật mở để xử lý tình trạng, đảm bảo an toàn.

4.3. Cách phòng ngừa

Mặc dù không thể hoàn toàn ngăn ngừa u nang buồng trứng xoắn, nhưng có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ:

Khám phụ khoa định kỳ: Việc này giúp phát hiện sớm các u nang buồng trứng.

– Điều trị u nang kịp thời: Nếu phát hiện u nang, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

– Tránh các hoạt động mạnh: Hạn chế các hoạt động thể chất mạnh có thể gây xoắn u nang.

– Chú ý trong quá trình mang thai: Phụ nữ mang thai cần được theo dõi chặt chẽ nếu có u nang buồng trứng.

– Sử dụng thuốc tránh thai: Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc tránh thai có thể giúp kiểm soát sự phát triển của u nang.

U nang buồng trứng xoắn là một tình trạng nguy hiểm cần được nhận biết và xử lý kịp thời. Ngay khi có dấu hiệu bị xoắn khối u, bạn nên đến bệnh viện để được điều trị ngay. Tại Khoa Phụ sản TCI, các bác sĩ đã giúp nhiều chị em tiến hành loại bỏ thành công các khối u nang xoắn, u to ở buồng trứng, tử cung. Trong đó có không ít người được phối hợp phẫu thuật khi sinh con. Với đội ngũ bác sĩ Sản phụ khoa đầu ngành, chị em hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị mọi vấn đề về phụ khoa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital