Đừng quá lo lắng khi đột nhiên mắt bạn bị nổi một nốt lẹo sưng tấy, đỏ ửng, đây chỉ là một bệnh lý rất đơn giản, phổ biến và cũng rất dễ điều trị. Thế nhưng nguyên nhân khiến bạn bị lẹo mắt là do đâu? Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để nắm rõ nguyên nhân và từ đó có biện pháp phòng tránh bệnh tái phát hiệu quả nhé!
Menu xem nhanh:
1. Định nghĩa và biểu hiện điển hình khi bị lẹo mắt
Lẹo mắt, còn được biết đến với cái tên mụn lẹo là một loại bệnh lý thường gặp ở mắt, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Mụn lẹo có thể mọc ở cả bờ mi trên và mi dưới, tuy nhiên hầu hết người bệnh chỉ bị lẹo mắt ở một bên mắt tại một thời điểm nhất định, hiếm khi có ai bị lên lẹo cùng lúc ở cả 2 mắt. Ban đầu ở giai đoạn khởi phát, nốt lẹo có thể hơi đau, không tấy đỏ nhiều và nổi lên một khối rắn với kích thước như hạt gạo. Sau khoảng từ 3 đến 4 ngày phát triển, lẹo sẽ mưng mủ và vỡ.
Đến khi lẹo mắt trở nên rõ ràng, người bệnh thường gặp những biểu hiện điển hình như sau:
– Mí mắt tấy đỏ
– Sưng phù mí mắt, có thể sưng thành 1 nốt như mụn
– Có thể chảy nước mắt, rỉ dịch, có ghèn dính ở đường bờ mi
– Mắt trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng dù không phải ánh sáng quá mạnh
– Thường xuyên cảm thấy ngứa, cộm như có bụi mắc trong mắt
Với những biểu hiện như trên, rất nhiều người nhầm lẫn bị lẹo mắt với lên chắp mắt, thậm chí cho rằng hai bệnh này là một, nhưng thực tế đây là 2 bệnh lý khác nhau. Chắp mắt khác lẹo mắt ở chỗ hình thành do tắc nghẽn tuyến dầu trên mi mắt. Chắp thường sưng to hơn so với lẹo mắt, tuy nhiên lại ít gây đau và khó chịu hơn lẹo, đôi khi còn không gây đau. Ngoài ra, nếu lẹo trong mí mắt điều trị dứt điểm hẳn thì có thể biến chứng thành chắp.
2. Nguyên nhân gây lẹo mắt
Lẹo mắt hình thành bởi hội chứng viêm nhiễm cấp tính do bị vi khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi mắt. Bên cạnh đó, mụn lẹo còn có thể gây ra bởi sự viêm nhiễm phát triển lan rộng từ tình trạng viêm bờ mi sẵn có ở người bệnh, hoặc trong các ống tuyến nhờn bị nhiễm trùng.
Những nguyên nhân thường gặp khiến hình thành nên nốt lẹo ở mắt bao gồm:
– Sự tấn công của vi khuẩn Staphylococcus – tụ cầu khuẩn, chiếm đến 90 – 95% nguyên nhân gây lẹo.
– Trường hợp đang viêm bờ mi có nguy cơ bị lẹo mắt cao hơn
– Do cơ thể thiếu nước, căng thẳng bất thường
– Thay đổi hormone
– Vô tình dùng chung khăn mặt, khăn tắm với người bị lẹo mắt
– Dùng mỹ phẩm với thành phần không phù hợp, dụng cụ trang điểm không vệ sinh, không làm sạch mắt sau khi trang điểm
– Rối loạn tiêu hóa hoặc ăn nhiều đồ cay nóng
Có 3 loại lẹo mắt được phân loại dựa vào vị trí nổi lẹo và nguyên nhân gây nên lẹo:
– Lẹo nổi bên ngoài mí mắt: nốt đỏ xuất hiện ở bờ mí mắt, sờ vào thấy rắn và to cỡ hạt đậu. Hầu hết xảy ra do nhiễm trùng từ tuyến Zeis ở mắt.
– Lẹo nổi bên trong mí mắt: nốt lẹo nằm ở mặt trong mắt, tại phần kết mạc của mí, phải mật mí mắt lên mới thấy nốt mụn lẹo hoặc đầu mủ trắng của nó. Hầu hết xảy ra do nhiễm trùng từ tuyến Meibomian tại mắt.
– Đa lẹo: đây là trường hợp ít gặp hơn, ở loại này mụn lẹo xuất hiện cả bên trong và bên ngoài mí mắt.
3. Một số phương pháp cải thiện lẹo mắt tại nhà
Đối với người bị lẹo mắt, dù nguyên nhân hình thành do đâu, nếu biết vệ sinh đúng cách và giữ gìn mắt khỏi các tác động bên ngoài thì bệnh thường tự khỏi.
Một số lưu ý giúp giữ gìn vệ sinh khu vực mắt tránh các tác động có thể khiến nốt lẹo bị kích thích, tổn thương thêm như: đưa tay dụi lên mắt, tự nặn nốt lẹo, trang điểm mắt, kẻ mí mắt tại vị trí mắt đang bị bệnh,…Bên cạnh đó người bị lẹo nên rửa mặt, lau mắt nhẹ nhàng bằng nước ấm, hạn chế ăn những đồ ăn cay nóng, và bổ sung thêm các thực phẩm tốt cho mắt để rút ngắn thời gian hồi phục.
Ngoài ra trong thời gian này, người bệnh có thể tham khảo một số công thức từ thiên nhiên dưới đây để làm dịu, khô vết lẹo và giảm sưng đau:
3.1 Sử dụng lá ổi cho người bị lẹo mắt
Giã lá ổi đã rửa sạch và đắp lên mắt bị lẹo để khoảng 5-10 phút, thực hiện 2-3 lần/ngày. Những chất có trong lá ổi có tính kháng khuẩn cao và có khả năng chống viêm hiệu quả sẽ giúp hạn chế sự phát triển của nốt lẹo. Nguyên liệu được tin tưởng sử dụng nhiều trong y học cổ truyền nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm về độ lành tính và an toàn.
3.2 Chữa lẹo mắt bằng nha đam
Nha đam có tính chất mát và có tác dụng làm dịu vết thương rất tốt, chính vì vậy sử dụng nha đam khi bị lẹo mắt sẽ giúp mắt đỡ ngứa, căng tức khó chịu. Bạn chỉ cần rửa sạch lá nha đam, bỏ vỏ và cắt thành từng lát mỏng, đắp trực tiếp lên mắt. Thư giãn trong khoảng 15 phút, sau đó làm sạch mắt bằng nước ấm sạch. Thực hiện 2-3 lần/ngày để thấy rõ hiệu quả.
Lưu ý: khi sử dụng nha đam bạn hãy nhắm chặt mắt lại để hạn chế nhựa nha đam chảy vào mắt và gây đau, cay mắt.
3.3 Chườm trứng nóng khi bị lẹo mắt
Dùng trứng gà luộc ấm để chườm lên vùng mắt bị lẹo là phương pháp dân gian được áp dụng từ rất lâu vì đem lại hiệu quả cao trong việc giảm sưng, tiêu mủ. Để sử dụng phương pháp này bạn chỉ cần luộc chín một quả trứng gà, sau đó để trứng nguội bớt đi. Khi trứng bớt nóng, bóc bỏ vỏ trứng và dùng lăn đều lên vùng mí bị lẹo.
Lưu ý: Không nên chườm trứng ngay khi vừa luộc xong vì lúc này nhiệt độ của trứng có thể làm bỏng vùng da mắt nhạy cảm.
4. Thăm khám và điều trị với bác sĩ khi bị lẹo mắt nặng
Nếu sau 3 – 4 ngày chăm sóc mắt cẩn thận, thực hiện chườm nóng hoặc các phương pháp cải thiện tại nhà đều đặn nhưng tình trạng lẹo vẫn không thuyên giảm mà sưng to hơn, tích mủ nhiều và gây ảnh hưởng đến tầm nhìn thì người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị đúng cách, dứt điểm.
Thông thường khi điều trị chuyên khoa, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa, hoặc cả 2 tùy vào tình trạng bệnh:
– Dùng kháng sinh toàn thân: mục đích để tiêu mủ ở thời kỳ đầu lên lẹo, cùng đó bệnh nhân sẽ kết hợp rửa mắt, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý tại nhà. Ngoài ra có thể bổ sung phương pháp chườm nóng để giảm triệu chứng đau đối với các tổn thương sớm.
– Sử dụng corticoid đối với những nốt lẹo to, dai dẳng mà uống kháng sinh không cải thiện được nhiều.
– Chích nhân lẹo khi chắp to và có dấu hiệu bị chai, dai dẳng, và những trường hợp bị tái phát nhiều lần ở cùng một vị trí.
Lưu ý: Người bệnh cần rửa tay thật sạch trước khi tra thuốc nhỏ mắt. Đồng thời các thuốc sử dụng tra mắt cũng phải được giữ gìn sạch sẽ, không dùng lại thuốc cũ, thuốc đã để lâu, quá hạn.
Ngoài ra, người bệnh tuyệt đối không tự chữa lẹo bằng cách tự ý nặn mủ, tra thuốc không được chỉ định vì dễ làm cho tổn thương do lẹo lan rộng hoặc tái phát, hoặc để lại sẹo xấu, gây quặp mi.
5. Cách phòng ngừa bị lẹo mắt
Đối với những người chưa từng bị lẹo mắt hoặc những người đã điều trị khỏi cần cẩn trọng bảo vệ mắt khỏi tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn để không phải đối mặt với tình trạng mụn lẹo mắt.
– Tránh tới hoặc ở lâu tại những khu vực nhiều bụi bẩn và ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
– Không sờ tay lên mắt khi chưa vệ sinh bằng xà phòng hoặc sát khuẩn.
– Đeo kính chắn bụi mỗi khi ra đường để bảo vệ mắt toàn diện nhất, tránh bị nước mưa, nước bẩn, khói bụi rơi vào mắt.
– Nên thay kẻ mắt và các dụng cụ trang điểm khoảng 6 tháng/lần để hạn chế vi khuẩn xâm nhập khi sử dụng.
– Thực hiện rửa mặt và tẩy trang thật sạch, đều đặn mỗi ngày trước khi ngủ để loại bỏ sạch sẽ bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ trong lỗ nang lông mi, hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông.
– Sử dụng khăn lau mặt, khăn tắm riêng, nhất là khi nhà có người bị lẹo mắt để tránh lây chéo.
Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh lẹo mắt cho bạn. Nếu bạn có dấu hiệu bị lẹo mắt hoặc có thắc mắc muốn được giải đáp, hãy liên hệ với Chuyên khoa Mắt Thu Cúc TCI để được giải đáp và hỗ trợ nhanh chóng nhé!