Bạn từng trải nghiệm kinh nghiệm chữa hóc xương cá thực tế chưa? Có rất nhiều tình huống và câu chuyện chữa hóc xương cá mà bạn nên biết để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết với tai nạn thường thấy này. Những câu chuyện dưới đây chắc chắn sẽ khiến bạn thay đổi cách nhìn về việc chữa hóc xương cá hiện nay.
Menu xem nhanh:
1. Chữa hóc xương cá bằng việc … cố ăn một số món
Việc ăn gì khi bị hóc xương cá là chủ đề mà nhiều người tìm hiểu. Và có rất nhiều mẹo được chia sẻ xoay quanh chủ đề này.
“Một lần mình ăn cá và không may bị hóc. Tình huống lúc đó thực sự hơi khó nhớ. Mình chỉ nhớ là mình rất bất ngờ và muốn nôn nhưng không nôn ra được. Trong lúc vội vàng thế thì bạn mình có bảo mình cố ăn miếng chuối và nuốt để xương cá bị trôi xuống. Thế nhưng, mình đảm bảo không ai có thể ăn gì trong tình huống đó đâu. Ý thức còn không kiểm soát được thì làm sao mà ăn với nuốt lúc đấy được.
Sau đó, mình nhớ là có ai đó đã ấn phần bụng dưới xương sườn mình. Một lúc sau, mình thấy dễ chịu hơn và 2 người bạn của mình đã chở mình đến một phòng khám tai mũi họng ngay gần đấy để bác sĩ gắp xương cá ra. Đúng là một lần bị hóc xương cá đáng sợ và nhớ đời” – Chia sẻ của một bạn trẻ tại Hưng Yên từng bị hóc xương cá.
Thực tế, chữa hóc xương cá bằng việc cố ăn, cố nuốt hiện nay vẫn được nhiều người thực hiện. Tuy nhiên, xác suất thực hiện thành công việc này không được kiểm định. Thêm vào đó, xương cá gây hóc khi bị cố nuốt xuống có thể trở thành dị vật đường thở hoặc đường tiêu hóa, nguy cơ bít tắc đường thở, thủng dạ dạ, thủng ruột,… nguy hiểm. Do đó, người bị hóc xương cá nên cân nhắc để đảm bảo an toàn cho mình.
2. Kinh nghiệm chữa tình trạng hóc xương cá bằng việc ăn chanh hoặc các đồ có vị chua
Việc chữa hóc xương cá bằng việc ngậm C sủi, ngậm chanh, giấm táo,… – những đồ có vị chua là một quan niệm cũng khá phổ biến. Nhiều người cho rằng, những món có vị chua này sẽ làm mềm xương cá và giúp việc nuốt dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hiệu quả này không phải lúc nào cũng thấy được và cũng chưa có thông tin chính thức nào về việc dùng chanh hay các đồ chua chữa hóc. Có thể, cách này đôi khi hiệu quả với xương cá gây hóc nhỏ, mềm và không có khả năng nguy hại lớn với người bị hóc. Với tình trạng xương cứng, sắc, mẹo này không đảm bảo việc chữa hóc. Thêm nữa, việc cố chấp dùng vitamin C hay các đồ chua có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Vì thế, nên cân nhắc điều này.
“Em nghe bảo, việc ngậm chanh làm xương cá mềm hơn và dễ nuốt hơn. Bản thân em cũng đã từng thử ngậm chanh khi bị hóc xương cá và thấy tình trạng đau khu vực họng có giảm thật. Nhưng có một lần khác bạn em bị hóc và em bày cách này nhưng không được. Bạn em sau đó còn phải đến bệnh viện để can thiệp. Thế nên có lẽ việc dùng chanh không phải lúc nào cũng hiệu quả” – Một bạn nữ ở Hà Nội chia sẻ.
3. Gặp nguy hiểm vì chữa hóc xương cá bằng cách móc họng
Tự móc họng để tìm và lấy xương cá hóc – Đó là cách mà rất nhiều người đã nghĩ đến mà không lường trước nguy hiểm của hành động này. Theo các bác sĩ Tai Mũi Họng tại TCI, việc cố lấy xương cá hóc bằng tay trong khi không xác định được vị trí xương ở đâu có thể khiến xương cá vốn ở vi trí dễ xử lý lại bị đẩy vào sâu bên trong họng, đến các vị trí khó gắp. Đó là còn chưa kể đến tình huống xương cá có thể đâm sâu hơn vào niêm mạc họng, gây đau và khó chịu cho người bị hóc. Trong một số trường hợp, xương cá đâm vào các vị trí trọng yếu có thể gây nguy hiểm cho người bệnh như tình trạng phù nề, khó thở, thậm chí là thủng thực quản.
4. Lời khuyên cho bệnh nhân khi cần chữa hóc xương cá
4.1. Phản ứng kịp thời, đúng cách khi đối mặt hóc xương cá
Khi bị hóc xương cá hay hóc dị vật, người bệnh có trạng thái đau, thường có xu hướng cố nuốt hoặc ho để đẩy dị vật lên. Tuy nhiên, điều này dễ gây cảm giác khó chịu hơn. Khi này, người bị hóc nên thực hiện như sau:
– Không cố gắng nuốt để đảm bảo xương không đâm sâu hơn hay gây thêm tổn thương cho bản thân. Do đó, đừng nên cố uống hay ăn trong tình huống này. Việc cố nuốt đồ ăn lúc này làm người bệnh dễ nghẹn hơn, kèm theo nguy cơ xương đâm sâu hơn tới các vị trí khó xử lý và nguy hiểm hơn cho người bệnh.
– Nhờ người xung quanh kiểm tra tình trạng xương cá gây hóc cho bản thân. Nếu xương cá ở vị trí có thể quan sát bằng mắt thường và dễ lấy, hãy để người hỗ trợ dùng kẹp y khoa để gắp xương cá.
– Sau khi gắp xương cá ra, hãy thử nuốt để xem còn đau hay cảm giác vướng ở cổ không. Điều này là cách kiểm tra nhanh xem liệu còn xương cá hóc sót lại không.
– Nên đến các cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra tình trạng xương còn sót lại cũng như những vấn đề và biến chứng mà xương cá để lại.
– Trong trường hợp không gắp được xương cá ra, người bệnh nên sớm nhờ các bác sĩ Tai Mũi Họng kiểm tra và xử lý. Tránh việc để xương cá quá lâu trong cổ họng gây ảnh hưởng đến việc ăn uống cũng như nguy cơ thành dị vật đường thở gây nguy hiểm lâu dài cho sức khỏe của bản thân.
4.2. Chủ động phòng tránh tình trạng hóc xương cá
Chúng ta nên ý thức chủ động phòng tránh tình trạng hóc xương cá bằng nhiều biện pháp như: lọc xương cá ra trước khi ăn; không vừa ăn vừa uống, nhất là khi ăn đồ ăn có cá; ăn chậm nhai kỹ và không nô đùa khi ăn để tránh sặc và hóc; kiểm tra đồ ăn của trẻ và người già cẩn thận trước khi ăn;…
Ngoài ra, bạn cũng có thể trang bị cho mình những kinh nghiệm chữa hóc xương cá bằng cách tìm hiểu nhiều hơn về tai nạn này trên các nguồn thông tin uy tín, tin cậy. Điều quan trọng nhất là, cần xử lý xương cá gây góc càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng đến đường thở và sức khỏe mà hiện tượng này có thể gây nên.