Khớp cùng chậu gồm hai khớp nối giữa đoạn thấp nhất của cột sống là khối xương cùng cụt và phần sau của xương chậu. Cần phát hiện sớm các triệu chứng viêm khớp cùng chậu để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh viêm khớp cùng chậu
Viêm khớp cùng chậu là một trong số các bệnh xương khớp gặp phải ở nhiều người. Bệnh thường gặp phải ở những người sau khi điều trị các bệnh tiêu hóa, bệnh đại tràng, tiết niệu. Viêm khớp cùng chậu gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt và khả năng vận động của người bệnh, nhất là bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác nên thường không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Triệu chứng viêm khớp cùng chậu là gì?
Đau là triệu chứng viêm khớp cùng chậu đặc trưng, phổ biến. Người bệnh thường xuyên cảm thấy bị đau ở vùng cột sống thắt lưng cùng, giữa hai mông, vùng chậu hông kèm theo teo cơ mông. Các cơn đau thường kéo dài dai dẳng, đau âm ỉ nhưng cũng có khi đau dữ dội gây khó khăn cho việc vận động và rất khó chịu. Cơn đau có thể lan xuống đùi, cẳng chân giống như đau dây thần kinh tọa. Thường đau tăng khi đứng lâu, dạng chân, khi đứng dồn lực vào một bên chân, hoặc khi chạy leo cầu thang.
Phụ nữ bị viêm khớp cùng chậu thường có dấu hiệu bị đau bụng âm ỉ, đau bụng dưới, đau khi đại tiểu tiện, tiết dịch hay chảy máu âm đạo bất thường, giao hợp đau, sốt và rét run, buồn nôn và nôn. Khám phụ khoa thấy đau cổ tử cung, đau túi cùng âm đạo. Đối với bệnh nhân viêm khớp vùng chậu đang trong thời kì sinh đẻ thường gặp phải tình trạng bị viêm vòi trứng, viêm cổ tử cung.
Trường hợp bệnh nặng nghĩa là tình trạng bệnh nặng thêm và lan rộng sẽ gây tổn thương dây thần kinh tọa, thậm chí gây teo mông, teo cơ đùi. Nhiều trường hợp khớp có thể dính hoàn toàn, thậm chí không thể phân biệt được khớp cùng chậu nữa.
3. Viêm khớp cùng chậu điều trị bằng cách nào?
Điều trị bằng biện pháp không dùng thuốc
Ở giai đoạn đau cấp, mức độ đau nhiều, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi. Ở giai đoạn bệnh đỡ đau cần các bài tập thể dục để duy trì các chức năng vận động của cột sống, tránh co cơ cũng như các tư thế xấu sau này.
Đến điều trị tại bệnh viện có phòng khám chuyên khoa cơ xương khớp, bệnh nhân sẽ được chiếu tia hồng ngoại hoặc sóng ngắn tại vùng khớp cùng chậu ngày 2 lần, mỗi lần 15 phút. Ngoài ra, người bị viêm khớp cùng chậu có thể kết hợp massage, chườm ấm hoặc lạnh ở vùng đau.
Điều trị bằng biện pháp dùng thuốc
Người bị viêm khớp cùng chậu thường được chỉ định dùng các kháng sinh có hoạt phổ rộng hoặc tốt nhất là theo kháng sinh đồ. Điều trị triệu chứng cần dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau. Ở giai đoạn lui bệnh, bệnh nhân cần tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để duy trì các chức năng vận động của cột sống.