Triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn 2 đã có những biểu hiện rõ ràng hơn giai đoạn sớm và vẫn là các triệu chứng mượn của các cơ quan lân cận như thần kinh, hạch, tai, mũi…
Menu xem nhanh:
1. Những triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn 2
Ung thư vòm họng phổ biến nhất trong các bệnh ung thư ở khu vực vùng đầu cổ. So với các bệnh ung thư thường gặp khác, ung thư vòm họng thường xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn. Không ít trường hợp bệnh nhân chỉ 30 tuổi đã phát hiện bị mắc căn bệnh này.
Ung thư vòm họng giai đoạn 2 có thể phát triển theo hướng:
- Giai đoạn IIA: khối u có thể xâm lấn phần mềm ngoài vòm họng, không có di căn hạch lympho vùng và ung thư chưa di căn đến các cơ quan ở xa.
- Giai đoạn IIB: khối u có thể xâm lấn khoang miệng và hốc mũi, chưa lan vào khoảng cận hầu, có một hay nhiều hạch cổ cùng bên kích thước nhỏ hơn 6 cm, di động tốt, phía trên hố thượng đòn và chưa di căn. Một hướng phát triển khác giai đoạn này là ung thư xâm lấn khoảng cận hầu, có thể có hoặc không di căn hạch, chưa di căn đến các cơ quan ở xa.
Triệu chứng ung thư vòm họng khó nhận biết ở giai đoạn rất sớm và dễ nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh tai mũi họng thông thường nhưng ở giai đoạn 2, biểu hiện bệnh đã rõ ràng hơn, có tác động nhất định đến người bệnh.
2. Những triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn 2 có thể gặp
- Khó nuốt, đau khi nuốt thức ăn, nước bọt
- Đau đầu âm ỉ, thường không thành cơn
- U lan vào hốc mũi gây ngạt tắc mũi. Lúc đầu chỉ ngạt một bên mũi nhưng về sau khối u phát triển lớn dần sẽ lấp kín cửa mũi gây ngạt tắc hai bên mũi. Bệnh nhân cũng có thể bị chảy máu mũi, chảy mũi mủ có mùi hôi…
- Giọng nói thay đổi, khàn giọng
- Nổi hạch cổ, góc hàm…
Để chẩn đoán ung thư vòm họng, bác sĩ thường kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như soi vòm họng để phát hiện các tổ chức sùi mủn, nát, loét hoặc thâm nhiễm dễ chảy máu, PET/CT đánh giá mức độ lan rộng của các tế bào ung thư ra ngoài vào họng…
3. Ung thư vòm họng giai đoạn II chữa được không?
Bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn II vẫn có tiên lượng tương đối nếu được điều trị tích cực. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có khoảng 64% cơ hội sống sau 5 năm được chẩn đoán bệnh.
Điều trị tia xạ phổ biến cho mọi bệnh nhân ung thư vòm họng, bao gồm cả ung thư vòm họng giai đoạn 2. Đây là phương pháp điều trị sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt, làm nhỏ kích thước tế bào ung thư. Tùy từng trường hợp cụ thể mà hóa trị liệu và phẫu thuật có thể được chỉ định bổ trợ. Hóa trị thường áp dụng với trường hợp có hạch và phẫu thuật thường chỉ nhằm mục đích lấy hạch còn sót lại sau điều trị tia xạ.