Cách điều trị bệnh ung thư vòm họng qua 7 phương pháp
Ung thư vòm họng là một trong những loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, thường được phát hiện ở giai đoạn muộn do diễn tiến âm thầm. Tuy nhiên, với sự tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại, hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả giúp kiểm soát bệnh, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Vậy đâu là những cách điều trị ung thư vòm họng phổ biến nhất hiện nay? Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp 7 cách điều trị bệnh ung thư vòm họng đang được áp dụng, giúp người bệnh và gia đình có thêm thông tin để chủ động hơn trong hành trình điều trị.
1. Các cách điều trị bệnh ung thư vòm họng mà người bệnh nên biết
1.1. Hóa trị liệu (Chemotherapy) – cách điều trị bệnh ung thư vòm họng phổ biến
Hóa trị là phương pháp dùng thuốc chống ung thư để tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của tế bào ác tính. Các thuốc có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với nhau nhằm nâng cao hiệu quả.

1.2. Xạ trị (Radiotherapy)
Xạ trị bằng chùm tia ngoài
Phổ biến nhất là xạ trị điều biến cường độ (IMRT) – cho phép chiếu tia chính xác, tối ưu hóa liều lượng tại khối u và bảo vệ mô lành.
Liệu pháp proton
Sử dụng hạt proton thay cho tia X truyền thống, phù hợp với khối u gần các cơ quan nhạy cảm như thân não, dây thần kinh thị giác.
Xạ phẫu lập thể (SRS/SBRT)
Dùng để điều trị tổn thương nhỏ, khu trú, hoặc u tái phát tại đáy sọ, với độ chính xác cao.
Xạ trị áp sát (Brachytherapy)
Cấy trực tiếp nguồn phóng xạ vào mô ung thư, thường dùng khi khối u tái phát tại vị trí cũ và khó tiếp cận bằng xạ trị ngoài.
1.3. Phối hợp hóa – xạ trị
Trong nhiều trường hợp, hóa trị được kết hợp cùng xạ trị (chemoradiotherapy) để tăng cường hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư. Phác đồ kết hợp này thường áp dụng ở giai đoạn từ II trở đi hoặc khi ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết vùng cổ.
1.4. Phẫu thuật – cách điều trị bệnh ung thư vòm họng phổ biến
Do vị trí vòm họng gần nền sọ và các cấu trúc quan trọng, phẫu thuật không phải là lựa chọn đầu tay. Tuy nhiên, trong trường hợp:
– Khối u tái phát tại chỗ.
– Hạch cổ không đáp ứng với điều trị hóa – xạ.
– Nghi ngờ di căn hạch.
– Bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ khối u hoặc phẫu thuật nạo hạch cổ. Kỹ thuật mổ đòi hỏi độ chính xác cao và thường đi kèm phục hồi chức năng hậu phẫu.
1.5. Liệu pháp nhắm trúng đích
Khi các phương pháp truyền thống không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể xem xét thuốc nhắm mục tiêu phân tử, điển hình như:
– Cetuximab (Erbitux) – kháng thể đơn dòng gắn vào thụ thể EGFR trên bề mặt tế bào ung thư, ức chế sự nhân lên của tế bào ác tính.
– Ưu điểm của liệu pháp này là ít độc tính hơn so với hóa trị truyền thống, đồng thời có thể kết hợp với xạ trị để nâng cao hiệu quả.
1.6. Miễn dịch liệu pháp
Miễn dịch liệu pháp giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể để chống lại ung thư. Đặc biệt, nhóm thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch PD-1 đang cho thấy hiệu quả đáng kể ở các trường hợp:
– Ung thư vòm họng tái phát.
– Đã điều trị bằng hóa trị nhưng không đáp ứng tốt.
Một số thuốc đang được sử dụng gồm:
– Nivolumab (Opdivo).
– Pembrolizumab (Keytruda).
– Toripalimab, Camrelizumab, Tislelizumab (phổ biến tại Trung Quốc và bắt đầu có mặt tại Việt Nam).
1.7. Điều trị giảm nhẹ
Với những trường hợp ung thư giai đoạn cuối, không còn đáp ứng điều trị tích cực, chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp hỗ trợ giúp:
– Giảm đau, giảm khó thở, kiểm soát triệu chứng.
– Hỗ trợ tâm lý người bệnh.
– Nâng cao chất lượng sống trong những ngày tháng cuối.
– Chăm sóc giảm nhẹ có thể bao gồm: dùng thuốc giảm đau, dinh dưỡng hợp lý, phục hồi chức năng, và hỗ trợ tinh thần cho cả người bệnh lẫn người thân.

2. Cách chăm sóc và hỗ trợ điều trị cho người mắc ung thư vòm họng
2.1. Trang bị kiến thức
– Nhận biết sớm dấu hiệu.
– Trao đổi khi có vấn đề thắc mắc liên quan đến bệnh lý với đội ngũ y bác sĩ.
– Đưa ra cách ứng xử phù hợp với diễn biến tâm lý và thể chất của người bệnh.
2.2. Đồng hành tinh thần – Vũ khí quan trọng trong điều trị
– Hãy lắng nghe, thấu cảm và chia sẻ, tạo không gian an toàn cho bệnh nhân bộc lộ cảm xúc.
– Khuyến khích tinh thần lạc quan, giúp họ tin tưởng vào tiến trình điều trị.
– Tránh những lời nói gây căng thẳng, đồng thời không thổi phồng kỳ vọng thiếu thực tế.
2.3. Dinh dưỡng hợp lý
– Giàu dinh dưỡng, cân bằng giữa chất đạm – vitamin – khoáng chất.
– Chế biến mềm, dễ nuốt, dễ tiêu, ưu tiên cháo, súp, món hầm, canh.
– Tránh thực phẩm cay nóng, chua mặn, đồ ăn cứng vì dễ gây kích ứng vùng vòm họng đang tổn thương.
– Ngoài ra, người bệnh cần được uống đủ nước, bổ sung chất điện giải để hỗ trợ quá trình trao đổi chất và phòng ngừa tình trạng mất nước.
2.4. Chăm sóc vệ sinh cá nhân
– Vệ sinh răng miệng và vùng họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch súc miệng chuyên dụng để ngăn ngừa viêm nhiễm và vi khuẩn xâm nhập.
– Nếu có vết loét hoặc chảy máu nhẹ, cần báo ngay với bác sĩ để được xử trí sớm.
2.5. Vận động nhẹ nhàng
Duy trì các hoạt động nhẹ như:
– Đi bộ chậm, tập thở, yoga thư giãn.
– Vận động trong phạm vi vừa sức, có giám sát nếu thể trạng yếu.
– Vận động đúng cách giúp cải thiện lưu thông máu, giảm mệt mỏi, và nâng cao hiệu quả điều trị.
2.6. Tuân thủ phác đồ điều trị
– Người chăm sóc cần hỗ trợ đúng giờ uống thuốc, ghi nhớ lịch tái khám, điều trị.
– Nếu có biểu hiện bất thường như sốt, nổi ban, nôn ói kéo dài, sụt cân nhanh… cần báo cho bác sĩ ngay để xử lý kịp thời.
– Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều lượng nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vòm họng cần dựa trên nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, thể trạng người bệnh và phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và mục đích riêng, có thể được phối hợp để tăng hiệu quả điều trị. Quan trọng nhất là người bệnh cần được thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn chính xác, kịp thời và đồng hành trong suốt quá trình chữa trị. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng, ung thư vòm họng hoàn toàn có thể kiểm soát được.