Nhận biết sớm triệu chứng ho gà ở trẻ nhỏ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Ho gà là một bệnh rất dễ lây truyền từ người sang người qua đường không khí (khi ho hoặc hắt hơi). Bệnh do vi khuẩn có tên Bordetella pertussis gây ra và thường gây bệnh cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 6-18 tháng tuổi. Đây là loại bệnh thường có diễn biến nặng, dễ gây biến chứng tử vong cao ở trẻ sơ sinh nếu ba mẹ không có biện pháp xử trí kịp thời. Bài viết dưới đây xin liệt kê những triệu chứng ho gà ở trẻ nhỏ để ba mẹ cùng nhận biết, từ đó có biện pháp xử trí cũng như phòng ngừa tốt nhất cho bé.

Nguyên nhân gây bệnh ho gà ở trẻ em

Nhận biết sớm triệu chứng ho gà ở trẻ nhỏ

Ho gà ở trẻ em do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra và rất dễ lây lan qua đường hô hấp trên (mũi, miệng) như ho, hắt hơi. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh dưới 6-18 tháng tuổi. (ảnh minh họa)

Ho gà là bệnh gây ra bởi một loại vi khuẩn mang tên Bordetella pertussis. Đây là loại bệnh chỉ được phát hiện tại người và lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp (ho, hắt hơi).

Nguyên nhân chính gây bệnh ho gà là do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis đi vào đường hô hấp trên ở trẻ em (mũi, miệng) khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vi khuẩn khu trú và phát triển ở lông mao biểu mô trụ của đường thanh quản, khí quản. Tại đó, vi khuẩn sẽ tiết ra một loại độc tố Pertussis toxin, đây là loại protein độc lục chính gây bệnh.

Bệnh ho gà thường xuất hiện vào mùa đông – xuân, khi thời tiết thường xuyên ẩm ướt, đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi, phát triển và gây bệnh.

Triệu chứng ho gà ở trẻ nhỏ

Bệnh ho gà ở trẻ nhỏ diễn biến qua 3 giai đoạn sau:

Ở giai đoạn đầu

triệu chứng ho gà ở trẻ em ở giai đoạn đầu

Trẻ bị ho gà ở gia đoan đầu thường khó chẩn đoán vì các biểu hiện dễ nhầm lẫn với bệnh cúm, hay viêm đường hô hấp. (ảnh minh họa)

Trẻ ho kéo dài từ 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như: chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm).

Ở giai đoạn này, để chẩn đoán phân biệt ho gà rất khó vì các triệu trứng của bệnh thường khá giống với những biểu hiện của bệnh cúm, bệnh viêm đường hô hấp thông thường nên nhiều gia đình có tâm lý chủ quan tự mua thuốc về chữa cho con. Đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp.

Ở giai đoạn toàn phát (từ 1-2 tuần kế tiếp)

biểu hiện ho gà ở trẻ

Ở giai đoạn toàn phát, bé bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa, ho không kìm hãm được,… nếu không được xử trí có thể gây suy hô hấp và có thể tử vong. (ảnh minh họa)

Bệnh bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa. Sau những cơn ho trẻ thường đỏ mặt hay tím tái cả người do ho nhiều không đủ dưỡng khí để thở, lâu dần gây suy hô hấp và có thể tử vong.

Các cơn ho gà ở giai đoạn này rất đặc trưng, trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản – phổi, viêm não… đặc biệt ở trẻ sơ sinh.

Giai đoạn 3 của ho gà là giai đoạn hồi phục

Các cơn ho của trẻ ngắn lại, số cơn ho giảm. Khi trẻ mắc bệnh, nếu ở thể nhẹ với các triệu chứng cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trẻ vẫn ăn uống bình thường, trong cơn ho không tím mặt, cha mẹ có thể chăm sóc con tại nhà. Song song uống thuốc theo đơn, cần vệ sinh thân thể, mũi miệng cho trẻ và cách ly trẻ với những trẻ khác để tránh lây bệnh.

Những trường hợp ho có kèm theo 1 trong các dấu hiệu sau: Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài; ăn kém, nôn chớ nhiều; ngủ ít; hở nhanh, khó thở cần đưa ngay đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa để được xử trí kịp thời.

Hiện nay, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất, lên tới trên 90%. Đối với phụ nữ mang thai, tiêm phòng đầy đủ mũi ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván giúp bảo vệ thai nhi ngay từ thời kỳ bào thai, giúp trẻ có miễn dịch khi mới sinh. Không chủ quan, cho bé đi thăm khám sớm với bác sĩ Nhi khoa khi con có biểu hiện ho nhiều, ho dai dẳng không đỡ. Ngoài ra, cần tránh cho bé tiếp xúc với những đối tượng đang nghi ngờ mắc bệnh, vệ sinh cơ thể và môi trường sống sạch sẽ cho bé.

Nếu ba mẹ cần tư vấn hay muốn đặt lịch thăm khám cho bé tại Hệ thống y tế Thu Cúc, xin vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital