Viêm ruột thừa cấp là cấp cứu ngoại khoa cần được can thiệp càng sớm càng tốt nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Do đó, nhận biết triệu chứng của viêm ruột thừa cấp giúp người bệnh kịp thời tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm và nguyên nhân gây viêm ruột thừa cấp
Viêm ruột thừa cấp là một trong những bệnh lý cấp cứu ngoại khoa phổ biến hàng đầu. Ruột thừa được nhìn thấy trong quá trình phát triển của phôi thai lần đầu tiên vào tuần lễ thứ 8 của thai kỳ. Nó có hình ảnh như một ống nhỏ nhô lên ở phần cuối của manh tràng.
Dấu hiệu điển hình của viêm ruột thừa cấp là cơn đau bắt đầu từ xung quanh rốn và dần chuyển sang vùng bụng dưới, bên phải. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa cấp thường không rõ ràng. Một số yếu tố nguy cơ được cho là lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng viêm ruột thừa gồm:
– Tắc nghẽn lòng ruột thừa: Do ký sinh trùng như giun đũa, giun kim; do sỏi phân ruột thừa,…
– Nhiễm trùng ruột thừa: Do vi khuẩn bị tắc trong lòng ruột thừa phát triển gây viêm.
– Mạch máu tại ruột thừa bị tắc nghẽn.
2. Các triệu chứng viêm ruột thừa cấp thường gặp
2.1. Triệu chứng của viêm ruột thừa cấp – Triệu chứng cơ năng
Các triệu chứng cơ năng để nhận biết bệnh có thể kể đến gồm:
– Đau bụng là triệu chứng điển hình ở người bệnh viêm ruột thừa cấp. Cơn đau bắt đầu lan tỏa ở vùng rốn và vùng thượng vị. Cảm giác đau vừa phải, mức độ ổn định, không thay đổi, đôi khi có những cơn co thắt trội lên. Từ 1 – 2 giờ sau đó, cơn đau sẽ khu trú ở hố chậu phải. Ở một số người bệnh, cơn đau viêm ruột thừa có thể bắt đầu và duy trì ở vị trí hố chậu phải.
– Chán ăn: Là triệu chứng gần như luôn xuất hiện ở người bệnh viêm ruột thừa cấp.
– Nôn mửa: Khoảng 75% người bệnh viêm ruột thừa gặp phải triệu chứng này. Triệu chứng nôn mửa thường không kéo dài, hầu hết người bệnh chỉ nôn một vài lần.
– Chuỗi xuất hiện triệu chứng: Bên cạnh các triệu chứng cụ thể, chuối xuất hiện của chúng có ý nghĩa rất lớn để chẩn đoán phân biệt viêm ruột thừa cấp và các bệnh lý khác. Ở đa số trường hợp, triệu chứng đầu tiên là chán ăn, sau đó là đau bụng, nôn mửa (nếu có). Nếu nôn mửa xảy ra trước triệu chứng đau thì cần kiểm tra lại chẩn đoán.
2.2. Triệu chứng của viêm ruột thừa cấp về thực thể
– Nhiệt độ tăng nhưng ít khi tăng quá 39 độ C, mạch bình thường hoặc hơi tăng. Những thay đổi quá mức về nhiệt độ và mạch thường liên quan đến biến chứng hoặc nên cân nhắc đến một chẩn đoán khác.
– Dấu hiệu đau thực thể kinh điển ở hố chậu phải gặp ở trường hợp ruột thừa bị viêm nằm ở vị trí phía trước. Điểm Mac Burney hoặc gần với điểm Mac Burney là nơi cảm giác đau thường nhiều nhất.
– Dấu giảm áp (hay còn gọi là dấu Blumberg) xuất hiện ở hố chậu phải, gợi ý sự kích thích phúc mạc.
– Đau ở hố chậu phải khi đè vào hố chậu trái (dấu Rovsing) cũng cho thấy vị trí của sự kích thích phúc mạc.
3. Viêm ruột thừa cấp gây biến chứng gì?
Trường hợp viêm ruột thừa cấp tự khỏi rất ít gặp. Đa số trường hợp sẽ tiến triển và gây các biến chứng như:
– Tạo đám quánh ruột thừa;
– Vỡ mủ ruột thừa hình thành áp-xe, nếu áp-xe vỡ sẽ gây viêm phúc mạc.
– Vỡ mủ hoặc hoại tử ruột thừa, dẫn đến viêm phúc mạc toàn thể;
– Viêm ruột thừa mạn tính.
4. Phương pháp chẩn đoán viêm ruột thừa cấp
Chỉ dựa vào các triệu chứng của viêm ruột thừa cấp có thể không chẩn đoán chính xác được tình trạng người bệnh đang gặp phải. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh dưới đây để đưa ra kết luận cụ thể.
4.1. Xét nghiệm
– Xét nghiệm công thức máu: Kết quả cho thấy những bệnh nhân viêm ruột thừa cấp không có biến chứng thường có bạch cầu tăng nhẹ (từ 10.000-18.000/mm3 máu). Kèm theo đó là tăng bạch cầu đa nhân vừa phải (75 – 78%). Chưa đến 4% trường hợp viêm ruột thừa cấp có bạch cầu dưới 10.500/mm3 máu và bạch cầu đa nhân dưới 75%.
– Xét nghiệm CRP thường trên 10 mmol/dl. Chỉ số này tăng quá cao có thể cho viêm thấy ruột thừa đã có biến chứng.
4.2. Các chẩn đoán hình ảnh
– Siêu âm bụng: Đây là biện pháp an toàn để chẩn đoán viêm ruột thừa với độ nhạy từ 78 – 96% và độ đặc hiệu từ 85 – 98%. Siêu âm giúp đánh giá kích thước ruột thừa để chẩn đoán xác định tình trạng viêm, phát hiện sỏi ở ruột thừa nếu có. Kết quả âm tính xảy ra nếu hình ảnh siêu âm không nhìn thấy ruột thừa, đồng thời không có dịch hoặc hình khối quanh manh tràng.
– Chụp cắt lớp CT và cộng hưởng từ MRI được thực hiện khi khó chẩn đoán trên siêu âm và dấu hiệu lâm sàng.
– Chụp phim bụng thẳng ít khi được sử dụng trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Trong khi đó chụp X-quang đại tràng cản quang không có giá trị chẩn đoán bệnh lý tiêu hóa này.
4.3. Chẩn đoán phân biệt viêm ruột thừa cấp và các bệnh lý khác
3 yếu tố quyết định chẩn đoán phân biệt gồm: vị trí giải phẫu của ruột thừa bị viêm, giai đoạn viêm, tuổi và giới tính của người bệnh. Căn cứ và triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán phân biệt viêm ruột thừa cấp và các bệnh lý như:
– Viêm hạch mạc treo cấp tính.
– Viêm dạ dày – ruột cấp tính.
– Các bệnh lý nam khoa: xoắn tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn cấp tính,…
– Viêm túi thừa Meckel: Bệnh lý này và viêm ruột thừa cấp đều cần can thiệp phẫu thuật tức khắc.
– Lồng ruột: Yếu tố quan trọng để chẩn đoán phân biệt viêm ruột thừa cấp và lồng ruột là tuổi của bệnh nhân. Theo đó, viêm ruột thừa cấp ít gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Trái lại đây lại là độ tuổi của hầu như tất cả trường hợp lồng ruột tự phát. Trẻ bị lồng ruột thường có triệu chứng đau bụng, đại tiện phân có nhầy máu, có thể sờ thấy một khối nhô lên ở hố chậu phải.
– Các tổn thương khác: sỏi niệu quản, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm cơ thắt lưng chậu bên phải, viêm phúc mạc nguyên phát,…
– Các bệnh lý khác ít gặp như: tắc ruột, tắc mạch máu mạc treo, thủng ruột do dị vật, viêm túi mật cấp, viêm tụy cấp, viêm màng phổi phải, tụ máu thành bụng,…
Bài viết đã nêu rõ các triệu chứng của viêm ruột thừa cấp. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.