Tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ là phương pháp sử dụng năng lượng laser để phá vỡ sỏi. Quy trình thực hiện tán sỏi qua da nhanh chóng và đơn giản hơn nhiều so với mổ mở. Hiện nay kỹ thuật này đang được đánh giá cao và dần dần thay thế phương pháp truyền thống.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ
Tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ là phương pháp sử dụng các dụng cụ y tế chuyên dụng đưa qua da. Các bác sĩ sẽ tạo đường hầm qua da để kết nối từ vùng lưng đến bên trong bể thận để tiếp cận với sỏi. Máy nội soi được đưa vào bên trong kết hợp với năng lượng tia laser để bắn vỡ sỏi và hút chúng ra ngoài.
2. Trường hợp nào được chỉ định và chống chỉ định áp dụng
Tán sỏi thận qua da cho kết quả điều trị tốt với những trường hợp:
– Sỏi thận kích thước lớn hơn 1.5 cm
– Sỏi ở niệu quản ⅓ trên và lớn hơn 1.5cm
– Các bệnh nhân đã tán sỏi ngoài cơ thể nhưng không thành công
Chống chỉ định:
– Người bị bệnh rối loạn đông máu hoặc có những bất thường về mạch máu ở thận, người có nguy cơ chảy máu nặng.
– Bệnh nhân cao huyết áp cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá liên quan để quyết định có nên điều trị hay không.
3. Nên chuẩn bị gì trước khi tán sỏi qua da?
Để quá trình điều trị sỏi diễn ra thuận lợi, bệnh nhân và bác sĩ cần chuẩn bị kỹ càng. Sau đây là một số lưu ý
3.1 Đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân
– Chuẩn bị đủ giấy tờ hồ sơ bệnh án
– Tìm hiểu thông tin xung quanh phương pháp tán sỏi bằng đường hầm nhỏ: Quy trình tán sỏi, chi phí
– Lựa chọn địa chỉ tán sỏi chuyên nghiệp, uy tín
– Tìm hiểu về các bác sĩ giỏi, chuyên môn và tay nghề cao
– Ghi nhớ những lưu ý khi tán sỏi qua da
3.2 Đối với đội ngũ y bác sĩ thực hiện tán sỏi qua da
Để bước vào quá trình điều trị sỏi, bác sĩ cần thực hiện:
– Cho bệnh nhân làm các xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, tiên lượng, theo dõi và điều trị. Đặc biệt cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu, đánh gía chức năng tim phổi, xét nghiệm sinh hóa máu cơ bản, xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vị, điện tim đồ, chụp X-quang ngực thẳng…
– Trước khi mổ, người bệnh sẽ được khám khi đã sử dụng thuốc mê để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới gây mê hồi sức như: Người có bệnh lý nền, sử dụng thuốc chống đông, hút thuốc,…
– Trước ngày mổ, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bệnh nhân chuẩn bị: Hoàn thành thủ tục đăng ký, tư vấn về tình trạng bệnh, phương pháp phẫu thuật và các rủi ro có thể xảy ra.
4. Các bước thực hiện tán sỏi qua da
Quy trình thực hiện tán sỏi qua da gồm các bước:
4.1 Bước 1: Vô cảm
Người bệnh được gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân nội khí quản.
4.2 Bước 2: Đặt ống thông niệu quản
– Người bệnh được yêu cầu nằm theo tư thế sản khoa, hai chân dạng ra
– Chuyên gia sẽ sử dụng ống soi niệu quản để soi bàng quang. Lấy nước tiểu xét nghiệm vi khuẩn nhằm đánh giá tình trạng bàng quang: Màu sắc nước tiểu, dung tích, có sỏi hoặc u kết hợp, niêm mạc bàng quang có viêm hay không, bệnh tuyến tiền liệt, vị trí 2 lỗ niệu quản.
– Luồn ống mềm qua lỗ niệu quản
– Nếu niệu quản bị gấp khúc hoặc chít hẹp không đặt được guide wire qua hoặc có u niệu quản thì không thực hiện được kỹ thuật này mà cần chuyển phương pháp khác.
– Đưa dây dẫn qua phần sỏi ở bể thận đi vào đài thận. Rút ống soi niệu quản, đặt ống thông niệu quản đến đài bể thận theo dây dẫn, đặt ống thông niệu đạo và cố định 2 ống với nhau.
4.3 Bước 3: Chọc dò đài bể thận qua da
– Đặt bệnh nhân nằm sấp có kê độn dưới bụng hoặc nằm nghiêng có kê độn phía thắt lưng
– Sử dụng máy siêu âm để kiểm tra vị trí, hình dáng đài bể thận có sỏi, xác định đài thận chọc dò
– Rạch da khoảng 50mm để đưa dụng cụ vào cơ thể. Vị trí thường chọn để chọc đường hầm là vùng giữa xương sườn 11 – 12 hoặc dưới bờ sườn 12, khoảng giữa trên đường nách sau và góc xương bả. Nguyên do chọn vị trí này do đây là phần ít mạch máu bên ngoài thận. Một lý do nữa là khoảng cách giữa da và thận ngắn nhất nên ống nội soi có thể đến được hết các đài thận để tán sỏi triệt để.
– Chỉ nên chọc dò trong thời gian dưới 15 phút và hạn chế tối đa số lần chọc. Nếu sau khoảng thời gian quy định mà chưa chọc dò được thì nên xem xét đổi phương pháp.
– Trường hợp chọc dò ra nước tiểu màu đục cần ngưng thực hiện, đặt dẫn lưu thận, điều trị chống nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
4.4 Bước 4: Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ
– Rút lõi kim chọc dò và đặt dây dẫn đầu cong vào đài bể thận. Nong rộng đường hầm theo dây dẫn
– Đặt ống tạo đường hầm vào đài bể thận
– Sử dụng ống kính soi niệu quản để xác định số lượng sỏi và vị trí
– Tán vụn sỏi bằng tia laser, kết hợp bơm rửa để lấy sạch sỏi
– Thời gian tán sỏi sẽ diễn ra trong khoảng 1 tiếng
4.5 Bước 5: Đặt ống thông niệu quản JJ và dẫn lưu đài bể thận qua da
– Bác sĩ đặt ống thông niệu quản JJ xuôi dòng. Tiếp theo rút ống thông niệu quản đặt ngược dòng.
– Người bệnh được đặt nằm theo tư thế ban đầu, kiểm tra ống thông niệu đạo
5. Các ưu điểm và nhược điểm của nội soi tán sỏi qua da
Mỗi phương pháp điều trị đều sẽ tồn tại những ưu nhược điểm khác nhau. Về cơ bản thì kỹ thuật tán sỏi qua da có nhiều ưu điểm vượt trội
5.1 Ưu điểm của tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ
– Phương pháp tán sỏi ít xâm lấn, hạn chế gây ra đau đớn, thời gian nằm viện ngắn (3-4 ngày). Thời gian phục hồi trong 7-10 ngày
– Không để lại sẹo lớn, giảm các rủi ro biến chứng so với mổ mở
– Hạn chế chảy máu, nhiễm trùng
– Bảo vệ tốt chức năng của thận do không gây ra vết mổ lớn trên nhu mô thận
5.2 Nhược điểm
– Vẫn có thể xảy ra chảy máu trong, nhiễm trùng vết mổ nếu bác sĩ thiếu kinh nghiệm
– Khi tạo đường hầm đưa ống nội soi vào bên trong, vị trí đưa ống có thể bị nhiễm khuẩn nếu không được xử lý chính xác
– Mất nhiều thời gian nằm viện hơn các phương pháp tán sỏi khác. Tuy nhiên so với mổ mở thì thời gian phục hồi nhanh hơn
– Tán sỏi qua là giải pháp công nghệ cao nên yêu cầu kỹ thuật vô cùng khắt khe. Người bệnh cần tới các bệnh viện uy tín, đầy đủ cơ sở vật chất để điều trị
Đội ngũ bác sĩ thực hiện cần giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao
6. Chăm sóc sức khỏe bệnh nhân sau tán sỏi qua da
Để cơ thể sau điều trị phục hồi nhanh chóng thì bệnh nhân cùng người nhà bệnh nhân cần nắm được một số lưu ý.
– Sau khi thực hiện tán sỏi, bệnh nhân được theo dõi trong 1-3 tiếng tại phòng hồi sức trước khi chuyển về phòng bệnh
– Bệnh nhân được đặt 1 ống dẫn lưu thận, 1 ống tiểu để theo dõi tình trạng chảy máu, nước tiểu
– Trong khoảng 24-48 tiếng sau mổ, bệnh nhân được chụp X-quang hệ tiết niệu để kiểm tra tình trạng sót sỏi. Nếu sỏi đã sạch bác sĩ sẽ rút ống dẫn lưu thận và ống tiểu. Khi rút ống có thể xảy ra tình trạng rỉ nước tiểu, tuy nhiên tình trạng này sẽ được cải thiện nhờ băng ép sau 3-6 tiếng. Nếu nước tiểu vẫn rỉ ra kéo dài, bệnh nhân cần báo ngay cho điều dưỡng.
– Gây tê tủy sống có thể gây tác dụng phụ như: Buồn nôn, ngứa, run sau mổ. Bệnh nhân cần báo cho bác sĩ để theo dõi và khắc phục.
– Nếu bệnh nhân thấy gai người, sốt cao thì cần hết sức lưu ý vì có thể đã xảy ra nhiễm khuẩn
– Sau khi mổ, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ nhàng các món dễ tiêu theo lời khuyên của bác sĩ
– Bệnh nhân sẽ nằm viện trong khoảng 2-3 ngày, nếu không xảy ra điều gì bất thường thì có thể xuất viện.
Mong rằng bài viết đã cung cấp các thông tin cần thiết nhất liên quan tới phương pháp tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ. Đây là kỹ thuật y học hiện đại có nhiều ưu điểm vượt trội được kỳ vọng sẽ dần thay thế phương pháp mổ mở truyền thống.