Sốt siêu vi hay còn gọi là sốt virus là thuật ngữ y khoa được sử dụng để xác định chung tình trạng sốt do nhiễm virus. Sốt siêu vi trong hầu hết các trường hợp có thể tự khỏi trong 7 – 10 ngày mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc bài bản, trẻ sốt siêu vi sẽ bình phục nhanh chóng hơn.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm
Như phía trên đã đề cập, trẻ bị sốt siêu vi khi nhiễm virus. Những virus phổ biến gây sốt siêu vi ở trẻ có thể kể đến là: Rhinovirus, Adenovirus, Coronavirus, Enterovirus, Cúm,… Bởi virus phát triển thuận lợi hơn trong các điều kiện môi trường, như nhiệt độ, độ ẩm,… thất thường nên sốt siêu vi xuất hiện nhiều vào các khoảng giao mùa. Có 2 cách để sốt siêu vi “di chuyển” từ trẻ bệnh sang trẻ không bệnh, cả 2 cách đều nhất định phải có vật phẩm trung gian là dịch tiết đường hô hấp (dịch tiết mũi họng).
– Trực tiếp: Trẻ không bệnh hít phải dịch tiết mũi họng trẻ bệnh ho/hắt ra không khí. Trẻ không bệnh ăn uống thực phẩm chứa dịch tiết mũi họng trẻ bệnh.
– Gián tiếp: Trẻ không bệnh cầm/nắm đồ đạc dính dịch tiết mũi họng trẻ bệnh, như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn,… rồi sờ/chạm tay lên mắt/mũi/miệng.
Sốt siêu vi tấn công mọi đối tượng. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người cao tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dễ bị sốt siêu vi hơn những đối tượng còn lại.
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ sốt siêu vi
Dấu hiệu nhận biết sốt siêu vi không hoàn toàn đồng nhất ở mọi trẻ hay mọi lần trẻ mắc bệnh. Với mỗi virus nguyên nhân, bệnh lại có biểu hiện riêng biệt. Theo đó, sốt cao (38 – 39 độ C, thậm chí có thể cao hơn), đau đầu, đau cơ – xương – khớp, buồn nôn và nôn, mệt mỏi,… là những triệu chứng chung của tất cả các trường hợp sốt siêu vi. Còn tùy thuộc virus nguyên nhân, sốt siêu vi có thể có hoặc không một số triệu chứng khác, như: Ho, đau họng, chảy mũi, khó thở, rối loạn tiêu hóa, phát ban, viêm kết mạc,…
3. Biến chứng
Sốt siêu vi trong hầu hết các trường hợp có thể tự khỏi trong 7 – 10 ngày mà không cần can thiệp y tế. Phải chăng sốt siêu vi là bệnh lý vô hại tuyệt đối? Câu trả lời cho câu hỏi này là không. Không có bệnh lý nào ở trẻ nhỏ là tuyệt đối vô hại. Dù không nhiều, vẫn có trẻ sốt siêu vi biến chứng suy thận, suy gan, nhiễm khuẩn huyết,…
4. Chẩn đoán và điều trị
Sốt siêu vi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh chỉ có thể được điều trị bởi chính hệ miễn dịch của trẻ. Tất cả những gì bố mẹ cần làm trong trường hợp trẻ sốt siêu vi là thực hiện các biện pháp điều trị triệu chứng, hỗ trợ cơ thể trẻ tự chữa lành. Theo đó, điều trị triệu chứng bao gồm: Điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc. Riêng điều trị dùng thuốc, bố mẹ phải tiến hành theo chỉ định của chuyên gia. Chính vì vậy, khi nghi ngờ trẻ sốt siêu vi, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay.
4.1. Điều trị dùng thuốc cho trẻ sốt siêu vi
Tại cơ sở y tế, đầu tiên, để chẩn đoán tình trạng và nguyên nhân sốt siêu vi, trẻ được xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch tiết đường hô hấp, xét nghiệm phân,… Sau đó, trẻ sẽ được chuyên gia chỉ định sử dụng thuốc điều trị triệu chứng phù hợp với tình trạng bệnh ở trẻ. Thuốc đó chủ yếu là thuốc hạ sốt, các dòng Paracetamol, Ibuprofen hoặc Acetaminophen. Đây là các thuốc hạ sốt hiệu quả nhanh, ít tác dụng phụ. Trẻ sẽ được dùng các thuốc này khi sốt trên 38,5 độ C, với liều lượng 10 – 15 mg/kg/lần.
4.2. Điều trị không dùng thuốc cho trẻ sốt siêu vi
4.2.1. Cải thiện triệu chứng sốt
– Cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, chỉ cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng, trắng để cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt.
– Lau mát bằng nước ấm (nước thường pha âm ấm để tắm em bé) khi trẻ sốt cao trên 39 – 400C gây khó chịu trong khi chờ tác dụng của thuốc hạ sốt hoặc trẻ đang co giật. Lau mát hạ sốt thường áp dụng cho trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi, không áp dụng cho trẻ sơ sinh vì dễ gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt. Nước ấm giúp mạch máu dưới da giãn nở tốt giúp thải nhiệt. Tránh dùng nước lạnh hay nước đá sẽ làm các mạch máu co lại không tỏa nhiệt được. Thường dùng 4 khăn nhúng nước ấm, vắt hơi ướt, đắp 2 bên nách, 2 bên bẹn, một khăn khác đắp lau khắp người trẻ. Kiểm tra nhiệt độ trẻ mỗi 15 – 30 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38 độ C.
4.2.2. Cải thiện triệu chứng mất nước do sốt
Khi sốt cao có thể gây mất nước, gây rối loạn điện giải cơ thể. Do đó nên bù nước điện giải cho trẻ bằng cách cho trẻ uống Oresol (pha Oresot theo hướng dẫn được in trên bao bì)
4.2.3. Phòng chống bội nhiễm
– Vệ sinh sạch sẽ cho bé, tắm bằng nước ấm, phòng kín. Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng Natrichlorua 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
– Cách ly trẻ không cho đến trường (vì bệnh có thể gây thành dịch).
– Giữ ấm cho trẻ.
Phía trên là thông tin cơ bản nhưng hữu ích về sốt siêu vi ở trẻ. Hy vọng rằng với chúng, bé của bố mẹ sẽ trải qua những năm đầu đời thật khỏe mạnh. Nếu còn băn khoăn cần giải đáp chi tiết, nhanh chóng, liên hệ Thu Cúc TCI ngay, bố mẹ nhé!