Trẻ bị sốt nên tắm lá gì thì tốt để nhanh khỏi bệnh?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Theo dân gian, một số loại lá trong vườn được sử dụng như những bài thuốc từ thảo dược, có tác dụng hỗ trợ hạ sốt cho bé khá lành tính và hiệu quả. Trước khi lựa chọn cách hạ sốt này, mẹ cần tham khảo thêm trẻ bị sốt nên tắm lá gì và tắm như thế nào là an toàn?

1. Khi trẻ sốt có nên tắm?

Sốt là vấn đề rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong những năm tháng đầu đời. Khi trẻ bị ốm nếu được chăm sóc đúng cách cơ thể con sẽ nhanh chóng phục hồi. Trong thời điểm con sốt nhiều cha mẹ khá dè dặt trong vấn đề tắm cho con, vì tâm lý sợ nhiễm nước trẻ sẽ ốm nặng hơn nên chỉ dám dùng khăn ấm lau qua người cho trẻ. Tuy nhiên quan điểm trẻ sốt không được tắm là không chính xác.

Bởi khi trẻ bị sốt, thân nhiệt tăng sẽ khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Nếu lúc này  còn không được tắm, trẻ sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Một số trẻ nhỏ với cơ địa nhạy cảm còn phát sinh thêm tình trạng nổi rôm, mụn trên người do tuyến mồ hôi tiết ra trên da nhưng không được làm sạch, từ đó làm bít tắc lỗ chân lông gây ra mụn. Ngoài ra, việc tắm cho trẻ bị sốt còn là cách hạ thân nhiệt vô cùng hữu hiệu. Khi tắm các lỗ chân lông được thông thoáng, cải thiện quá trình thải nhiệt qua da. Với những lợi ích trên thì trẻ hoàn toàn nên được tắm khi sốt.

Tuy nhiên, trong thời gian con sốt, việc tắm cho trẻ cũng cần lưu ý kỹ những vấn đề sau:

– Trẻ cần được tắm nước ấm trong phòng kín gió

– Thời gian tắm của trẻ nên diễn ra trong khoảng 10 phút. Không nên để trẻ ngồi nghịch nước như thế sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm lạnh cơ thể trẻ.

– Khi tắm xong con cần được lau khô người và mặc quần áo ngay.

– Tần suất tắm cho trẻ nên là 1 ngày/ 1 lần hoặc 2 ngày/ 1 lần là phù hợp.

Khi được tắm đúng cách trẻ sẽ cảm thấy cơ thể thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều so với việc không được vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

Trẻ bị sốt nên tắm lá gì

Khi bị sốt trẻ vẫn cần được tắm gội để làm sạch cơ thể

2. Trẻ bị sốt nên tắm nước lá gì?

Từ lâu trong dân gian đã truyền tai nhau những bài tắm nước lá cho trẻ giúp hạ sốt cũng như giảm tình trạng nổi mẩn trên da. Nguyên nhân là do trong một vài loại lá có chứa hoạt chất, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm nhiễm và làm dịu mát da bé. Ngoài ra, tắm nước lá được đánh giá là khá an toàn và lành tính. Một số loại nước lá mà cha mẹ có thể tham khảo để tắm cho bé như sau:

2.1 Tắm nước lá từ kinh giới

Lá kinh giới tươi được biết đến là loại lá có chứa menthol và limonen, giúp thanh nhiệt hạ sốt đồng thời làm sạch da bé. Vì thế, khi con bị sốt cha mẹ có thể đun nước lá kinh giới cho trẻ tắm.

Cách thực hiện:

– Bước 1: Chuẩn bị 1 nắm lá kinh giới tươi, rửa sạch, sau đó giã nhỏ hoặc xay.

– Bước 2: Đổ nước đã xay hoặc bã giã nhỏ vào đun trên bếp khoảng 5 – 10 phút.

– Bước 3: Pha nước lá kinh giới đã đun cùng nước lạnh để tắm cho bé.

2.2 Tắm nước lá khế

Theo Đông y, dùng lá khế để tắm có tác dụng giải nhiệt do làm tăng tiết mồ hôi. Còn theo y học hiện đại thì trong lá khế có chứa một lượng nhỏ kali oxalat acid có tác dụng loại sạch vi khuẩn và chất nhờn trên da. Vì thế khi trẻ bị sốt thông thường hoặc sốt phát ban đều có thể tắm được nước lá khế. Cũng như cách đun nước lá kinh giới, mẹ nên thực hiện theo cách sau:

– Bước 1: Chuẩn bị 1 nắm lá khế chua tươi, rửa sạch, sau đó giã nhỏ hoặc xay.

– Bước 2: Đổ nước đã xay hoặc bã giã nhỏ vào đun trên bếp khoảng 5 – 10 phút.

– Bước 3: Pha nước lá đã đun cùng nước lạnh để tắm cho bé.

Trẻ bị sốt nên tắm là gì

Tắm nước lá được đánh giá là lành tính và an toàn cho trẻ

2.3 Tắm nước lá ngải cứu

Lá ngải cứu rất giàu tinh dầu và tanin có tác dụng giảm ngứa nốt ban rất tốt trên da cũng như ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng do gãi nốt ban. Mẹ có thể lấy lá ngải cùng thân cây sau đó rửa sạch và đun nước tắm cho trẻ.

Cách thực hiện:

– Bước 1: Chuẩn bị lá ngải và cả thân cây ngải, sau đó rửa sạch.

– Bước 2: Cho lá ngải đã làm sạch vào nước đun sôi trên bếp tầm 5- 10 phút

– Bước 3: Pha nước lá đã đun cùng nước lạnh để tắm cho bé.

2.4 Tắm nước lá tía tô

Trong lá tía tô có chứa tinh dầu limonen, perilla aldehyd có khả năng rất tốt trong việc thanh nhiệt, hạ sốt. Dân gian hay dùng nước lá tía tô tắm cho trẻ theo cách sau:

– Bước 1: Chuẩn bị lá và cuống lá tía tô, sau đó rửa sạch.

– Bước 2: Cho tất cả đã làm sạch vào nước đun sôi trên bếp tầm 5- 10 phút

– Bước 3: Pha nước lá đã đun cùng nước lạnh để tắm cho bé.

Ngoài ra còn rất nhiều loại lá khác như: lá khổ qua, lá sài đất, lá trầu không… cũng được tư vấn là nên dùng để tắm cho bé khi bị sốt. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu rủi ro, trước khi dùng lá tắm cho con bị sốt, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có được tư vấn phù hợp.

Trẻ bị sốt nên tắm lá gì

Trẻ bị sốt con cần được đưa tới viện khám, kiểm tra để tìm nguyên nhân

3. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt

Sốt là một tình trạng sức khỏe rất thường gặp ở trẻ đến từ nhiều bệnh lý khác nhau. Vì thế khi con bị sốt, điều đầu tiên là cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ để kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân vì sao con sốt, sau đó bé sẽ được điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống của con. Bằng cách bổ sung những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, tăng cường trái cây, rau, củ quả và sữa để bé hạn chế tối đa tình trạng mất nước và tăng sức đề kháng. Nên dành nhiều thời gian để con nghỉ ngơi, giúp hồi phục sức khỏe được tốt hơn.

Vấn đề trẻ bị sốt nên tắm lá gì, mẹ chỉ nên tham khảo và nếu được có thể áp dụng như một biện pháp hỗ trợ. Mặc dù phương pháp từ dân gian này khá lành tính nhưng hiệu quả đem lại có thể chậm và đôi khi không thực sự phù hợp với tất cả mọi trẻ. Bởi nguyên nhân sốt của mỗi bé là khác nhau.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital