Trẻ bị sốt kéo dài thường là dấu hiệu cho thấy trẻ đang mắc một vấn đề bệnh lý nào đó. Khi con sốt kéo dài, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng mất nước, rối loạn điện giải và có thể gây co giật. Vậy lúc này cha mẹ nên xử lý thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Như thế nào được gọi là sốt kéo dài ở trẻ?
Sốt là tình trạng phổ phiến, rất thường gặp ở trẻ. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt như sốt sau tiêm, sốt mọc răng hoặc sốt do bệnh lý gây nên. Khi sốt thân nhiệt của trẻ sẽ tăng cao, bình thường sẽ là khoảng 36.5 tới 37.5 độ C, nhưng khi sốt thân nhiệt sẽ khoảng từ 38.5 đến 39 độ, lúc này cha mẹ nên cho trẻ uống thuốc để hạ sốt, tuyệt đối không nên để trẻ sốt quá cao tới 41 độ, vì rất có thể dẫn tới sốt co giật.
Còn với tình trạng sốt kéo dài được hiểu là con bị sốt liên tục, kéo dài quá 3 ngày. Nếu trẻ sốt kéo dài hoặc sốt kéo dài liên tục sẽ làm cho trẻ mệt mỏi do mất nước, rối loạn điện giải cơ thể mất sức. Tình trạng trẻ sốt kéo dài cũng thường là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó con đang gặp phải.
2. Trẻ bị sốt cao kéo dài dấu hiệu của những bệnh lý gì?
Thực tế thì trẻ sốt là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý khác nhau, đối với trường hợp sốt kéo dài bé có nguy cơ cao mắc một vài vấn đề sức khỏe sau đây:
2.1 Trẻ sốt kéo dài do sốt siêu vi
– Sốt xuất huyết: Khi trẻ bị sốt xuất huyết con thường sốt liên tục từ 2 – 7 ngày. Một số trẻ nặng hơn ngoài sốt có thể xuất hiện thêm những chấm ban dưới da kèm theo chảy máu mũi, chảy máu chân răng.
– Sốt do virus cúm: Khi trẻ bị sốt do virus cúm thân nhiệt của con có thể tăng nhẹ lên 37,8 – 38 ̊C, tình trạng này thường kéo dài trong nhiều ngày. Ngoài sốt con còn bị nghẹt mũi, hắt hơi, ho khan, quấy khóc, chán ăn, bỏ bú…
– Sốt virus Rubella: Khi mắc Rubella trẻ cũng bị sốt kéo dài, sau đó phát ban và viêm đường hô hấp kèm nổi hạch vùng chẩm, sau tai và cổ.
– Sốt do virus sởi: Khi trẻ mắc bệnh sởi con sẽ sốt kéo dài liên tục, ho nhiều, chảy nước mũi, mắt đỏ. Sốt do sởi con sẽ sốt trung bình từ 3 tới 4 ngày.
– Sốt do bệnh tay – chân – miệng: Tay chân miệng cũng là một bệnh lý khiến trẻ đối diện với tình trạng sốt kéo dài. Khi mắc bệnh, con sẽ bị sốt âm ỉ kèm theo những nốt phỏng rộp ở gan bàn chân, bàn tay, trong miệng.
– Sốt do virus thủy đậu: Khi bệnh khởi phát với những dấu hiệu đầu tiên, trẻ thường có biểu hiện sốt kéo dài. Bên cạnh sốt cơ thể trẻ sẽ nổi bọng nước khắp cơ thể khiến con rất khó chịu và mệt mỏi.
2.2. Trẻ sốt kéo dài có thể do nhiễm vi trùng
– Sốt do viêm họng – viêm Amidan cấp: Khi trẻ bị viêm họng – viêm Amidan biểu hiện đầu tiên ở con thường là sốt cao 39 – 40 ̊C, kèm theo rát họng, khàn tiếng, chảy nước mũi nhầy. Lúc này trẻ cũng chán ăn, bỏ ăn và quấy khóc.
– Nhiễm trùng đường hô hấp như: Khi trẻ mắc các bệnh lý như: viêm khí phế quản, viêm phổi, viêm màng phổi, áp-xe phổi, trẻ thường có biểu hiện sốt kèm đau ngực, khó thở..
– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Viêm bàng quang, viêm mủ bể thận, viêm cầu thận cấp là những tình trạng bệnh cũng thường hay gặp ở trẻ. Khi mắc bệnh trẻ bị sốt kèm theo tiểu buốt – tiểu rắt, tiểu ít, nước tiểu đục hay hồng…
Ngoài những nguyên nhân chính trên thì trẻ sốt kéo dài cũng có thể đến từ một vài yếu tố như: cảm nắng, con sốt mọc răng, con sốt do tiêm phòng… Điều quan trọng là cha mẹ cần xác định được tình trạng sốt cùng những dấu hiệu đi kèm để từ đó có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe cho con.
3. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốt cao kéo dài?
Điều đầu tiên cha mẹ cần làm khi nhận thấy con sốt cao kéo dài là đưa tới bệnh viện gần nhất để được thăm khám. Bởi sốt kéo dài là tình trạng nguy hiểm ở trẻ nhỏ dễ gây ra biến chứng như: khiến trẻ co giật, rối loạn điện giải… Khi trẻ được đưa tới bệnh viện, bác sĩ sẽ kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời để từ đó có phương án hỗ trợ con được tốt.
Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ không nên chủ quan để trẻ tại nhà điều trị hoặc dùng thuốc khi chưa có chỉ định. Bởi điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho sức khỏe. Bên cạnh việc thực hiện theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cũng nên chú ý tới một vài vấn đề sau khi trẻ sốt kéo dài:
– Khi trẻ bị sốt nên để trẻ nằm ở nơi thông thoáng khí
– Mặc cho trẻ những quần áo mỏng, thấm hút mồ hôi tốt, không nên ủ ấm trẻ sẽ khiến thân nhiệt của bé lâu hạ hơn.
– Theo dõi nhiệt độ thường xuyên cho trẻ, cứ 1 giờ cặp lại 1 lần để kiểm tra thân nhiệt của con
– Khi con sốt có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol theo đúng liều lượng, cân nặng và khoảng cách giữa các lần uống thuốc ghi trong hướng dẫn sử dụng.
– Nếu không uống được thuốc thì có thể dùng dạng thuốc đặt hậu môn.
– Cho trẻ uống nhiều nước từ hoa quả tươi hoặc có thể bổ sung chất điện giải để ngăn ngừa tình trạng mất nước ở trẻ có thể xảy ra.
– Nếu trẻ đang bú mẹ thì nên cho con bú làm nhiều cữ trong ngày, trường hợp trẻ đã ăn được chế độ ăn của con nên ưu tiên những món lỏng, dễ tiêu như: cháo, súp, canh.
Trên đây là những nguyên nhân về tình trạng trẻ bị sốt kéo dài cũng như cách xử lý sao cho phù hợp. Cha mẹ có thể tham khảo để áp dụng nhằm đảm bảo bảo sức khỏe trẻ luôn được tốt.