Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là một tình trạng rất phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm. Bệnh có thể gây khó chịu nhưng với phương pháp điều trị phù hợp, chúng ta có thể kiểm soát bệnh dễ dàng. Trong bài viết này, cùng Thu Cúc TCI khám phá chi tiết dấu hiệu đau mắt đỏ và phương pháp điều trị hiệu quả, bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Chi tiết về dấu hiệu đau mắt đỏ
Trước khi đi vào chi tiết các dấu hiệu, hiểu đau mắt đỏ là gì là rất quan trọng. Đau mắt đỏ xuất hiện khi kết mạc, lớp màng mỏng trong suốt bao phủ lòng trắng và mặt trong mí mắt, bị viêm. Tình trạng viêm này có thể phát sinh do nhiễm trùng (virus hoặc vi khuẩn), dị ứng, hoặc kích ứng với các tác nhân tiêu cực từ môi trường.
Có 3 loại đau mắt đỏ là đau mắt đỏ do virus, đau mắt đỏ do vi khuẩn và đau mắt đỏ dị ứng:
– Đau mắt đỏ do virus: Đau mắt đỏ do virus lây lan rất mạnh mẽ trong cộng đồng.
– Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra bởi vi khuẩn, thường đi kèm nhiều triệu chứng nghiêm trọng và cần điều trị y tế kịp thời để ngăn ngừa biến chứng.
– Đau mắt đỏ dị ứng: Đau mắt đỏ dị ứng được kích hoạt bởi các dị nguyên như phấn hoa, lông vật nuôi, bụi. Loại đau mắt đỏ này thường tái đi tái lại theo mùa.
Nhận biết sớm dấu hiệu là yếu tố then chốt để điều trị kịp thời và hạn chế sự lây lan đau mắt đỏ. Dưới đây là những dấu hiệu đau mắt đỏ bạn cần chú ý.
1.1. Đỏ mắt: Dấu hiệu đau mắt đỏ chính
Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của đau mắt đỏ là sự đỏ hoặc hồng của lòng trắng mắt. Sự đỏ có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt. Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ đỏ có thể thay đổi nhưng thường rất rõ ràng. Triệu chứng này phát sinh do các mạch máu trong kết mạc viêm và giãn nở.
1.2. Những dấu hiệu đau mắt đỏ khác ngoài đỏ mắt
– Sưng: Viêm có thể gây ra sưng, làm cho mắt phồng lên.
– Cộm: Nhiều người bệnh đau mắt đỏ chia sẻ rằng họ cảm thấy có cát hoặc dị vật trong mắt.
– Ngứa: Triệu chứng này đặc biệt phổ biến trong viêm kết mạc dị ứng và có thể rất khó chịu.
– Tiết dịch: Mắt bị ảnh hưởng bởi đau mắt đỏ có thể tiết dịch trong suốt, trắng, vàng hoặc xanh lá. Trong trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn, dịch này có thể đặc và nhiều, khiến mí mắt dính lại với nhau khi thức dậy.
– Chảy nước mắt: Mắt bị ảnh hưởng bởi đau mắt đỏ thường chảy nhiều nước mắt hơn bình thường. Tăng sản xuất nước mắt là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước sự viêm của mắt. Nhờ phản ứng này, mắt được vệ sinh và bảo vệ bảo vệ khỏi các tác nhân tiêu cực từ môi trường.
– Nhạy cảm với ánh sáng: Triệu chứng này thường gặp trong các trường hợp nặng.
2. Hướng dẫn điều trị đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ thường không quá nghiêm trọng nhưng nếu không được điều trị, bệnh có thể đưa đến một số biến chứng ảnh hưởng đến thị lực; phổ biến nhất là viêm giác mạc. Đây là tình trạng viêm của giác mạc, có thể xảy ra nếu virus hoặc vi khuẩn lan từ kết mạc tới giác mạc. Viêm giác mạc có thể khiến người bệnh mất một hoặc toàn phần thị lực vĩnh viễn. Ngoài viêm giác mạc, các đợt viêm kết mạc dị ứng tái đi tái lại còn có thể đưa đến tình trạng viêm mạn tính của các mô bên ngoài mắt.
Để hạn chế những biến chứng trên, khi có dấu hiệu đau mắt đỏ, người bệnh nên thăm khám với bác sĩ sớm để được chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Điều trị đau mắt đỏ phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân gây bệnh. Theo đó:
– Đau mắt đỏ do virus: Đau mắt đỏ do virus không có thuốc điều trị đặc hiệu; hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ do virus sẽ tự khỏi trong 1 – 2 tuần. Để làm dịu các triệu chứng đau mắt đỏ do virus, bạn có thể chườm mát mắt bằng khăn ẩm nhiều lần một ngày.
– Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Đau mắt đỏ do vi khuẩn đòi hỏi phải dùng thuốc kháng sinh dạng nhỏ hoặc dạng bôi để điều trị. Những thuốc này muốn sử dụng cần có đơn của bác sĩ.
– Đau mắt đỏ dị ứng: Điều trị đau mắt đỏ dị ứng bao gồm một số nội dung như: Cách ly người bệnh với các dị nguyên đã biết và có thể dùng các thuốc kháng histamin, thuốc giãn mạch hoặc thuốc chống viêm dạng nhỏ.
Ngoài ra, giữ vệ sinh mắt là lưu ý đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị đau mắt đỏ, người bệnh nên ghi nhớ điều này. Để vệ sinh mắt, người bệnh sử dụng nước muối sinh lý 0.9%, nên vệ sinh trước khi ngủ và sau khi dậy.
Nếu dấu hiệu đau mắt đỏ không cải thiện hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng hóa sau vài ngày điều trị tại nhà, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ để được điều chỉnh phương pháp điều trị, tránh các biến chứng không mong muốn.
Nhận biết sớm dấu hiệu và hiểu cách điều trị đau mắt đỏ có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng này một cách hiệu quả. Tuy nhiên, vì đau mắt đỏ có thể rất khó chịu nên tốt nhất là bạn vẫn nên dự phòng nó một cách nghiêm túc. Việc dự phòng đau mắt đỏ bắt đầu từ việc giữ gìn vệ sinh:
– Sử dụng xà phòng và nước nhiều lần trong ngày để giữ vệ sinh tay.
– Tránh sờ/chạm tay không sạch vào mắt.
– Không dùng chung khăn mặt, đồ ngủ và đồ trang điểm mắt.
– Đối với người bệnh đau mắt đỏ dị ứng, tránh các dị nguyên càng xa càng tốt; sử dụng máy lọc không khí để tăng hiệu quả hạn chế các dị nguyên trong nhà.
Phía trên là thông tin chi tiết dấu hiệu nhận biết đau mắt đỏ và phương pháp điều trị. Hy vọng rằng với chúng, bạn có thể nhanh chóng vượt qua khoảng thời gian đau mắt đỏ khó chịu. Thu Cúc TCI chúc bạn luôn có một đôi mắt khỏe và đẹp.