Viêm dạ dày mạn tính ở trẻ em có độ tuổi từ khoảng 7 tới 13 tuổi. Đây là độ tuổi quá sớm vì trước đây các bệnh về dạ dày thường xuất hiện ở người lớn tuổi. Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm và nguyên nhân chính gây viêm dạ dày mạn tính ở trẻ em
Viêm dạ dày mạn tính ở trẻ em cũng giống như ở người lớn. Bệnh xảy ra khi lớp niêm mạc dạ dày bị viêm nhiễm trong thời gian dài không được điều trị hoặc chữa không triệt để. Tình trạng viêm sưng gây sự thay đổi ở lớp niêm mạc và làm mất dần các tế bào bảo vệ dạ dày theo thời gian.
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh:
– Yếu tố ngoại sinh như sử dụng thuốc kháng viêm có hoặc không có steroid, thuốc giảm đau, một số loại thuốc khác
– Đồ ăn, đồ uống nhiễm khuẩn do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
– Yếu tố nội sinh như dị ứng, căng thẳng, do vi khuẩn HP
2. Các triệu chứng thường gặp
Viêm dạ dày mạn tính thường dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa. Một số trường hợp bệnh không có dấu hiệu lâm sàng đặc trưng gây khó khăn khi phát hiện. Vì vậy các bậc cha mẹ cần có những hiểu biết nhất định về các dấu hiệu của viêm dạ dày để giúp nhận biết và điều trị bệnh sớm cho con.
2.1 Đau bụng
Triệu chứng nổi bật nhất của bệnh là trẻ thường thấy đau lâm râm quanh vùng bụng phía trên rốn kéo dài. Đôi khi cơn đau xuất hiện ở vùng hạ sườn phải, vùng thượng vị. Đau do viêm dạ dày mạn tính thường có tính theo chu kỳ. Cơn đau sẽ liên quan tới bữa ăn.
2.2 Rối loạn tiêu hóa
Trẻ sẽ có biểu hiện ợ hơi, buồn nôn xảy ra trước và sau khi ăn. Trẻ có thể nôn ra thức ăn đôi khi lẫn cả máu.
2.3 Thiếu máu do viêm dạ dày mạn tính ở trẻ em
Đa số trẻ em bị viêm dạ dày mạn tính sẽ bị thiếu máu. Biểu hiện dễ nhận thấy là da xanh xao, lòng bàn tay bàn chân trắng nhợt, trẻ gầy yếu, chán ăn,…
2.4 Xuất huyết tiêu hóa
Viêm dạ dày mạn tính có thể gây chảy máu dạ dày. Trẻ có thể nôn hoặc đại tiện có lẫn máu. Ngoài ra phân của trẻ bị bệnh có thể có màu hắc ín, màu như bã cafe.
3. Cách điều trị khi trẻ bị viêm dạ dày mạn tính
Viêm dạ dày mạn tính nếu không được điều trị kịp thời có thể chuyển biến nặng. Thậm chí bệnh có thể gây ra ra biến chứng nguy hiểm như ung thư. Vì thế ngay khi phát hiện bệnh cha mẹ cần sớm điều trị cho con, tránh những hệ lụy không mong muốn.
Hiện này vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh viêm dạ dày mạn tính nhưng bác sĩ có thể kê một số thuốc giúp làm giảm triệu chứng và ngăn bệnh phát triển:
– Thuốc kháng sinh với trường hợp trẻ dương tính với vi khuẩn HP
-Thuốc có tác dụng kháng acid, trung hòa acid
-Thuốc giúp tạo màng bọc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ điều chỉnh loại thuốc, liều lượng và thời gian phù hợp với trẻ. Bên cạnh điều trị bằng thuốc thì việc phối hợp chế độ ăn uống hợp lý cũng giúp bệnh nhanh phục hồi hơn.
Lưu ý: Trẻ sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ và làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Vì vậy cha mẹ nên cho con uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng thuốc hoặc ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
4. Biện pháp phòng bệnh viêm dạ dày mạn tính ở trẻ
Để giúp con phòng bệnh về dạ dày, cha mẹ cần thực hiện một số biện pháp sau:
4.1 Về lối sống
Không cho trẻ sử dụng thực phẩm, đồ uống có chất kích thích
Hạn chế việc ăn xong đi ngủ ngay. Nếu trẻ đói bụng bạn nên cho con uống một cốc sữa ấm
Sau khi ăn trẻ nên nghỉ ngơi ít nhất 30 phút. Không nên học hay hoạt động thể lực ngay
Cha mẹ chú ý giữ ấm vùng bụng cho trẻ. Khi lạnh bụng sẽ khiến hoạt động của dạ dày kém hơn
4.2 Cách ăn uống để phòng viêm dạ dày mạn tính ở trẻ em
Phụ huynh hướng dẫn con ăn chậm, nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng lên dạ dày
Tập cho con thói quen rửa tay sạch trước khi ăn để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập
Hạn chế cho con vừa ăn vừa uống vì sẽ khiến trẻ không nhai kỹ. Nên cho bé uống một cốc nước trước khi ăn nửa tiếng và uống vài ngụm sau khi ăn xong. Cách này giúp trẻ ăn ngon miệng và làm giảm triệu chứng của viêm dạ dày gây ra.
5. Hướng dẫn cách chăm sóc khi trẻ bị viêm dạ dày
Những điều nên thực hiện:
– Đảm bảo cân bằng chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày
– Tích cực bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E,…Vitamin giúp tái cấu trúc niêm mạc dạ dày thúc đẩy các vết viêm loét mau lành
– Khuyến kích trẻ ăn các thực phẩm chống oxy hóa giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày. Các loại thực phẩm có chứa chất này như: Bông cải xanh, nghệ, đu đủ,…
– Cho trẻ ăn thành nhiều bữa để giảm áp lực lên dạ dày
– Cho trẻ ăn uống đúng giờ, tránh để quá đói hoặc ăn quá no
– Nên ăn các thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ, ít chất kích thích ( socola,…)
– Uống thuốc theo đúng thời gian, liều lượng của bác sĩ hướng dẫn
– Học hành, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng
– Bổ sung thực phẩm lợi khuẩn (Probiotic): Sữa chua chứa nguồn lợi khuẩn cao giúp cân bằng và ổn định hệ tiêu hóa
– Đưa con tái khám đúng hẹn
Những lưu ý bố mẹ nên tránh cho con
– Không ăn bữa cuối trong ngày gần giấc ngủ (Ăn trước khi ngủ ít nhất 3 tiếng)
– Không ăn thức ăn chua cay, đồ nhiều gia vị
– Tránh cho trẻ uống nước có gas, nước tăng lực
– Tránh các loại thuốc gây ảnh hưởng tới dạ dày
– Không nên tự ý dừng thuốc khi thấy triệu chứng của trẻ giảm vì bệnh có thể chưa khỏi hẳn. Việc ngưng thuốc khi chưa hết liều có thể khiến bệnh trở nặng, nhờn thuốc
Viêm dạ dày mạn tính ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy cha mẹ cần quan tâm tới những thay đổi bất thường dù nhỏ nhất của con.