Đột quỵ là tình trạng mạch máu bị tắc/vỡ dẫn tới não bộ bị thiếu máu nghiêm trọng. Thời gian càng kéo dài, những tế bào não không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng hoại tử càng nhiều dẫn tới ảnh hưởng chức năng não bộ của cơ thể. Thời gian điều trị đột quỵ hiệu quả cao nhất là khoảng 3,5 đến 4 giờ đầu tiên sau khi có triệu chứng đầu tiên. Vậy phương pháp xử lý khi xác định được thời gian đột quỵ xảy ra như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Đột quỵ và những thông tin sơ lược cần biết
Đột quỵ là bệnh xảy ra khi các tế bào não không được cung cấp máu và oxy kịp thời bởi tắc nghẽn mạch hoặc vỡ mạch khiến hoại tử tế bào não. Khu vực có nhiều tế bào não ảnh hưởng sẽ khiến chức năng cơ thể tương ứng khu vực đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nếu để kéo dài, bệnh có thể dẫn tới nguy cơ tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong.
Đột quỵ được phân chia thành đột quỵ xuất huyết não, đột quỵ thiếu máu cục bộ và đột quỵ thiếu máu não thoáng qua. Trong đó, đột quỵ xuất huyết não thường do vỡ mạch máu não, đột quỵ thiếu máu cục bộ thường bởi tắc mạch dưới sự ngăn chặn của cục máu đông. Đột quỵ thiếu máu thoáng qua được xem là cơn đột quỵ nhẹ, có thể hồi phục nhanh chóng tuy nhiên có nguy cơ dẫn tới những cơn đột quỵ nặng về sau.
Hiện nay, đột quỵ có thể phòng ngừa và điều trị nếu được phát hiện kịp thời và can thiệp điều trị sớm. Những dấu hiệu điển hình dễ nhận biết của bệnh đột quỵ bao gồm:
– Choáng váng, mất thăng bằng. Nhiều bệnh nhân có thể bị bất tỉnh, không còn nhận thức
– Liệt một bên mặt, méo miệng, liệt cơ mặt
– Liệt nửa người hoặc liệt một bên tay/chân
– Mắt mờ, không nhìn rõ
– Nói năng lộn xộn, rối loạn ngôn ngữ hoặc không hiểu lời người khác nói.
Đột quỵ có thể xảy ra với bất kì ai tuy nhiên ở những người có tiền sử bệnh nền như: đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ… có nguy cơ cao hơn. Hiện nay đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa bởi những thói quen sinh hoạt thiếu khoa học như: thức khuya, thiếu ngủ, stress kéo dài…
2. Tìm hiểu về thời gian “vàng” điều trị đột quỵ hiệu quả
2.1 Các mốc thời gian điều trị bệnh đột quỵ hiệu quả cao
Đa số bệnh nhân đột quỵ xuất hiện những triệu chứng đột ngột và bất ngờ không có dấu hiệu báo trước nào. Bệnh cũng diễn biến rất nhanh và càng để kéo dài thì càng nguy hiểm. Người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ tàn tật hoặc tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Khoảng thời gian 3,5 đến 4 giờ đầu tiên tính từ khi khởi phát triệu chứng là mốc sơ cứu, cấp cứu bệnh hiệu quả hàng đầu. Rút ngắn được tối đa thời gian này đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh ít di chứng hoặc nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng.
Ngay khi thấy những triệu chứng của đột quỵ, người thân cần lập tức gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, không trì hoãn bằng việc thực hiện những việc không cần thiết và lãng phí thời gian như: bấm huyệt, chọc kim đầu ngón tay, cho bệnh nhân uống nước gừng, chờ bệnh nhân hồi tỉnh…
Sau khi đột quỵ, thời gian để người bệnh hồi phục chức năng tính từ thời điểm sau cấp cứu là khoảng 1 tháng. Thời gian từ 2-3 tháng sau đó được đánh giá là có thể giúp người bệnh phục hồi một số chức năng. Tuy nhiên nếu quá 6 tháng thì khả năng phục hồi chức năng của người bệnh tương đối thấp.
2.2 Các phương pháp điều trị đột quỵ ứng theo thời gian hiệu quả
Tình trạng đột quỵ phổ biến hàng đầu hiện nay là đột quỵ do tắc mạch máu não. Đa số bệnh nhân đột quỵ sẽ được ưu tiên điều trị với thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông. Phương pháp này thường đạt hiệu quả cao nhất trong khoảng 3 giờ đầu tiên sau đột quỵ. Một số trường hợp có thể uống thuốc sau 3 giờ đến 4,5 giờ đầu tiên nếu được bác sĩ chỉ định.
Tuy nhiên thuốc thường không đạt hiệu quả cao với bệnh nhân có bệnh lý nền, tuổi tác lớn hoặc đã có tiền sử đột quỵ trước đó…
Trường hợp bệnh nhân không được phát hiện đột quỵ sớm, bác sĩ có thể chỉ định lấy cục máu đông khỏi mạch máu não tùy theo tình trạng tổn thương ở hệ thần kinh, khu vực não bị thương tổn và tình trạng tổn thương mạch…
Nếu thời gian phát hiện bệnh nhân là 4,5 giờ đến 6 giờ đầu sau đột quỵ, cơ sở y tế sẽ xác định tình trạng và có hướng xử lý phù hợp. Khoảng 24 giờ sau đột quỵ người bệnh không được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết hay lấy huyết khối ra khỏi nội mạch.
Nhiều trường hợp, bác sĩ không xác định thường thời gian đột quỵ cụ thể như đột quỵ khi ngủ thì thời gian sẽ được tính từ khi bắt đầu ngủ hoặc từ khi gần nhất với thời điểm người thân chứng kiến bệnh nhân còn bình thường. Từ đó xác định thời gian xảy ra đột quỵ và có phương hướng điều trị phù hợp.
Nếu gặp các trường hợp đột quỵ tương tự đối với người thân hoặc trong cuộc sống, bạn hãy lập tức sơ cứu và gọi cấp cứu để cán bộ y tế có thể xử lý kịp thời tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý về mốc thời gian phát hiện triệu chứng của bệnh nhân, tìm hiểu và cung cấp bệnh lý nền của bệnh nhân để đội ngũ y tế có thể xử lý trong khoảng thời gian điều trị bệnh đột quỵ hiệu quả cao.
Hi vọng những thông tin về thời gian điều trị đột quỵ hiệu quả cao trên đây sẽ giúp mỗi người có những kiến thức cần thiết để xử lý kịp thời khi có người đột quỵ xung quanh mình. Đồng thời qua đó giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội phòng tránh di chứng tàn tật có thể xảy ra và bảo vệ tính mạng của bệnh nhân trong thời điểm bệnh nguy hiểm.