Cắt amidan bằng laser là phương pháp cắt amidan hiện đang được sử dụng khá phổ biến. Vậy những ai nên thực hiện phương pháp này, ưu nhược điểm của nó ra sao. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Các trường hợp được chỉ định cắt amidan bằng tia laser
Amidan có vai trò rất quan trọng đối với hệ miễn dịch. Khi cắt amidan, cơ thể có thể bị giảm đi khả năng miễn dịch. Mặc khác, việc cắt amidan cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với trẻ em. Do đó, việc thực hiện phẫu thuật cắt amidan được chỉ định chặt chẽ. Amidan chỉ được cắt bỏ khi nó thực sự trở thành ổ viêm, đe dọa tới sức khỏe người bệnh.
Cắt amidan bằng laser là phương pháp dùng tia laser ở mức năng lượng thích hợp để giúp loại bỏ khối amidan ra khỏi vòm họng trong trường hợp amidan gặp tình trạng bệnh lý.
Cũng như những phương pháp khác, phẫu thuật cắt amidan bằng cách sử dụng tia laser được thực hiện trong các trường hợp như:
– Bị viêm amidan mạn tính tái phát lại nhiều lần trong năm (khoảng 5-7 lần/năm).
– Bị viêm amidan mạn tính quá phát và gây nên hiện tượng khó thở, khó nuốt, khó nói
– Bị viêm amidan mạn tính gây nên các biến chứng như: viêm tấy, áp xe quanh amidan, viêm phế quản,viêm phổi, viêm xoang, viêm mũi, viêm tai giữa, viêm tấy hạch dưới hàm hoặc ở thành bên họng…
– Bị viêm amidan mạn tính có nguy cơ gây nên các biến chứng xa như: bệnh viêm cầu thận, bệnh viêm khớp, rối loạn tiêu hóa kéo dài, viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn huyết.
2. Quy trình cắt amidan bằng tia laser
2.1. Trước khi tiến hành phẫu thuật cắt amidan bằng laser
– Người bệnh sẽ được bác sĩ tiến hành thăm khám để đánh giá chính xác kích thước của amidan. Phương pháp cắt amidan bằng tia laser chỉ phù hợp với những loại amidan có kích thước trung bình. Bệnh nhân cũng sẽ được chỉ định thực hiện thêm các bước khám cận lâm sàng để đảm bảo sức khỏe phù hợp cho việc phẫu thuật.
– Người bệnh cần thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh, thuốc điều trị, kể cả thực phẩm chức năng và viên uống bổ sung mà họ đang sử dụng. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân ngưng một số thuốc khiến gia tăng các nguy cơ trong và sau khi thực hiện phẫu thuật. Bệnh nhân cũng cần phải thông báo về tiền sử dị ứng thuốc với bác sĩ (nếu có).
– Trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh cần phải nhịn ăn ít nhất khoảng 6 tiếng, hạn chế việc hút thuốc, không uống rượu, bia và thức uống khác có cồn hoặc chất kích thích,…
2.2. Quy trình thực hiện phẫu thuật cắt amidan bằng laser
Quá trình này thường sẽ kéo dài trong khoảng 45-60 phút với các bước như sau:
– Bệnh nhân được tiến hành gây mê (gây mê nội khí quản). Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện điều chỉnh tia laser sao cho đạt cường độ phù hợp để cắt bỏ amidan. Amidan thường sẽ được cắt từ phần bờ trụ trước, sau đó di chuyển tới cắt phần mặt ngoài, phần cực dưới, tiếp đó là phần cực trên và cuối cùng là tách amidan rời ra khỏi phần trụ.
– Bác sĩ kiểm tra amidan lần cuối, sau đó sẽ thực hiện cầm máu cho bệnh nhân.
2.3. Lưu ý về việc chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật
– Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được lưu viện trong một vài ngày và được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, theo dõi sức khoẻ sau mổ.
– Trong thời gian chăm sóc ở nhà sau khi cắt amidan, để giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục, giảm các nguy cơ xuất hiện biến chứng, người bệnh và người chăm sóc cần tuân thủ theo hướng dẫn sau phẫu thuật của bác sĩ.
– Trong 10 ngày sau khi phẫu thuật cắt amidan, bệnh nhân nên ăn các loại thức ăn mềm, dạng lỏng, nguội. Đồng thời, không ăn các loại thức ăn chua, cay, nóng, cứng, không dùng nước ngọt có gas,…
3. Giải đáp: Cắt amidan bằng laser có đau không?
Trong quá trình thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tiến hành gây mê nên sẽ không có cảm giác đau.
Sau phẫu thuật, khi đã hết thời gian tác dụng của thuốc gây mê, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ở vùng vòm họng. Để giảm triệu chứng đau, bác sĩ sẽ thường kê thuốc Paracetamol cho bệnh nhân từ khoảng 1-5 ngày sau khi phẫu thuật.
4. Ưu điểm và nhược điểm khi cắt amidan bằng tia laser
Trong cắt amidan bằng tia laser, tia laser sẽ được điều khiển bằng máy và tiến hành kiểm tra dưới kính hiển vi nên việc cắt amidan được thực hiện một cách rất chính xác, đồng thời thời gian phẫu thuật được rút ngắn.
Bệnh nhân sẽ ít chảy máu trong quá trình phẫu thuật bởi các mạch máu được cầm nhanh do tác động của nhiệt. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ ít đau, ít xảy ra các biến chứng và có thời gian phục hồi nhanh chóng.
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn có một số hạn chế như: có thể để lại vết sẹo, làm tổn thương dây thanh quản và gây khàn giọng.
Như vậy, phẫu thuật cắt amidan bằng tia laser là một phương pháp phẫu thuật thực hiện không quá phức tạp. Tuy nhiên, để đảm bảo cho ca phẫu thuật thành công, hạn chế tối đa biến chứng có thể xảy ra, bệnh nhân nên thực hiện phẫu thuật ở những bệnh viện lớn và uy tín có chuyên khoa tai mũi họng. Bên cạnh đó, hiện nay có các phương pháp cắt amidan mới với nhiều ưu điểm hơn như cắt amidan bằng dao Coblator, Plasma Plus, thời gian thực hiện phẫu thuật nhanh hơn, ít chảy máu, và quá trình lưu viện cũng rút ngắn rất nhiều.