Tán sỏi niệu quản bằng laser là cách điều trị sỏi niệu quản sử dụng kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn, trực tiếp bắn phá sỏi bằng nguồn năng lượng laser nên đạt hiệu quả cao trong điều trị cho người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Tán sỏi niệu quản bằng năng lượng laser như thế nào?
Trong điều trị sỏi tiết niệu trước đây, người bệnh phải trải qua một ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ đồng hồ để loại bỏ sỏi ra khỏi đường tiết niệu. Tuy nhiên hiện nay với sự phát triển của nền y học, các can thiệp ít xâm lấn đã ra đời và ưu tiên sử dụng trong điều trị sỏi tiết niệu, sỏi niệu quản. Trong đó loại bỏ sỏi bằng năng lượng laser là một bước đột phá mới, sử dụng laser chiếu trực tiếp vào viên sỏi để sỏi từ kích thước lớn sẽ vỡ thành các mảnh vụn nhỏ sau nhiều lần tác động.
2. Các phương pháp tán sỏi niệu quản bằng năng lượng laser
Để năng lượng laser có thể tác động trực tiếp được vào viên sỏi thì cần có những kỹ thuật để đưa nguồn năng lượng này vào bên trong đường tiết niệu. Đối với sỏi niệu quản, hai phương pháp tán sỏi công nghệ cao sử dụng năng lượng laser để loại bỏ sỏi là tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser và tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser.
2.1 Chi tiết cách tán sỏi niệu quản bằng laser
Cách tán sỏi niệu quản bằng năng lượng laser áp dụng kỹ thuật nội soi ngược dòng
Đây là phương pháp điều trị sỏi niệu quản tân tiến sử dụng năng lượng laser. Đặc biệt hiệu quả cao với sỏi niệu quản ⅓ dưới và sỏi niệu quản ⅓ giữa. Với phương pháp này laser được đưa vào niệu quản để bắn phá sỏi bằng cách sử dụng máy nội soi đưa ngược từ niệu đạo vào bàng quang, lên niệu quản. Tiếp theo sẽ đưa dây dẫn laser vào cũng theo con đường này để tiếp cận sỏi. Bằng hình ảnh thu được từ máy nội soi bác sĩ sẽ điều chỉnh laser bắn phá dần dần sỏi thành các mảnh vụn kích thước nhỏ để sỏi có thể tự di chuyển ra ngoài hoặc đưa vụn sỏi ra ngoài bằng rọ.
Cách tán sỏi niệu quản qua da đường hầm nhỏ sử dụng laser
Là một phương pháp tán sỏi niệu quản tân tiến sử dụng laser khác, tuy nhiên phương pháp này có hiệu quả cao với sỏi niệu quản ⅓ trên kích thước >1.5cm. Khác với tán sỏi nội soi ngược dòng, năng lượng laser được đưa vào qua quá trình nội soi ở đường ống rỗng tự nhiên là đường tiết niệu của con người. Thì tán sỏi niệu quản qua da đường hầm nhỏ sẽ đưa laser vào để bắn phá sỏi qua đường hầm nhỏ.
“Đường hầm nhỏ” là một kênh làm việc được thiết lập đặc biệt để đưa máy nội soi, thiết bị tán sỏi từ bên ngoài cơ thể tiếp cận được trực tiếp với viên sỏi. Sau khi sử dụng đầu dò siêu âm để quan sát đài bể thận, bác sĩ sẽ xác định được đường chọc dò vào thận – niệu quản sao cho đường chọc này là ngắn nhất, ít gây ra chảy máu tổn thương nhất. Đường chọc dò này sau đó sẽ được nong dần dần thành một đường hầm kích thước khoảng 6mm, đặt vừa ống nội soi. Dưới hướng dẫn của máy nội soi, bác sĩ cũng sẽ điều khiến năng lượng laser để bắn phá sỏi niệu quản thành các mảnh vụn và hút gắp trực tiếp ra bên ngoài.
2.2 Ưu điểm của phương pháp tán sỏi niệu quản bằng laser
Bằng việc sử dụng năng lượng laser trong tán sỏi qua đường hầm hoặc đường ống tự nhiên của con người, nên kỹ thuật tán sỏi niệu quản bằng nguồn năng lượng laser có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật truyền thống trước đây.
– Xâm lấn tối thiểu, người bệnh không có sẹo, ít đau, ít chảy máu, hạn chế biến chứng nhiễm trùng sau tán sỏi.
– Laser được điều chỉnh dựa trên độ rắn của sỏi và chỉ tác động đến sỏi nên không làm ảnh hưởng hoặc gây tổn thương đến niệu quản.
– Rút ngắn thời gian nằm viện và phục hồi sức khỏe lên nhiều lần. Sau khoảng 1-3 ngày là bệnh nhân được xuất viện về nhà nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng, sinh hoạt bình thường…
– Hiệu quả sạch sỏi cao & nhanh do laser bắn trực tiếp vào viên sỏi nên sỏi sẽ nhanh chóng vỡ vụn. Người bệnh không cần phải dùng thuốc kéo dài hoặc chịu đau đớn, phục hồi quá lâu mới có thể thoát sỏi hoàn toàn.
3. Những lưu ý sau khi thực hiện tán sỏi niệu quản bằng năng lượng laser
Sau khi tán sỏi niệu quản bằng hai phương pháp điều trị ngoại khoa công nghệ cao ít xâm lấn sử dụng năng lượng laser kể trên, người bệnh vẫn sẽ còn sonde JJ được đặt trong niệu quản để dự phòng hẹp niệu quản, giúp niệu quản nhanh phục hồi và tạo thuận lợi cho quá trình bài xuất những cặn vụn còn sót lại… Sonde JJ niệu quản thường sẽ được rút ra sau khi sức khỏe người bệnh ổn định có thể là 1 tuần hoặc 2 tuần sau tán sỏi tùy theo chỉ định và đánh giá của bác sĩ. Vì thế trong thời gian cơ thể có sonde JJ, bệnh nhân nên lưu ý:
– Vận động nhẹ nhàng, không chảy nhảy, làm việc nặng, gắng sức…
– Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh trái cây tươi…
– Sử dụng thuốc đầy đủ nếu có để giảm thiểu tác dụng phụ.
– Theo dõi các tác dụng phụ có thể gặp như đau nhẹ vùng hông lưng bên có sonde JJ, tiểu máu màu hồng nhạt, đi tiểu nhiều lần trong ngày. Các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất và giảm nhẹ. Trong trường hợp có triệu chứng đau gần như đau quặn thận, tiểu buốt, tiểu máu toàn bãi, sốt cao người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và kiểm tra lại.
Theo đó để ngăn tình trạng sỏi tái phát sau tán sỏi người bệnh nên chủ động xây dựng một chế độ ăn uống khoa học lành mạnh, cùng chế độ luyện tập thể dục thể thao hợp lý. Và đặc biệt luôn thăm khám sức khỏe định kỳ để ngăn chặn và phát hiện sớm sỏi, tránh những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe hệ tiết niệu.