Viêm chân răng có mủ là bệnh lý thường gặp trong nha khoa, cảnh báo tình trạng sức khỏe mọi người đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Trang bị cho bản thân những kiến thức về viêm chân răng có mủ là cách giúp bạn có thể chủ động phòng ngừa những biến chứng mà bệnh gây ra.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là bệnh viêm chân răng có mủ?
Cấu tạo của răng bao gồm lớp men răng ngoài cùng, ngà răng ở giữa và hốc rỗng chữa các mô mềm. Phần mô mềm bao gồm mạch máu, thần kinh và mô liên kết, được gọi là tủy răng. Mạch máu và hệ thống dây thần kinh đi vào trong răng qua một lỗ ở đỉnh của chân răng, khu vực đó được gọi là cuống răng.
Chân răng là phần không thể nhìn được bằng mắt thường vì nó nằm ở trong hốc xương ổ răng, bên ngoài được bao bọc bởi lợi hay còn gọi là nướu. Viêm chân răng có mủ là tình trạng tủy răng hay nướu răng bị vi khuẩn tấn công gây nên tình trạng viêm nhiễm, tạo nên các ổ áp xe ở cuống răng và vùng lợi xung quanh chân răng.
Các dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị viêm có mủ ở chân răng theo các chuyên gia nha khoa bao gồm:
– Cảm giác đau răng kéo dài, sờ vào vùng lợi thấy đau, có dịch bất thường tiết ra.
– Phần nướu ở chân răng sưng to, đỏ, ấn vào thấy mềm và đau nhức.
– Khi ăn nhai cảm thấy phần lợi và răng đau hơn nhiều.
– Răng lung lay, có cảm giác răng đau bị trồi lên, cộm cộm khó chịu.
– Phần men răng bên ngoài có dấu hiệu đổi màu, mất đi màu sắc trắng sáng tự nhiên.
– Sờ thấy có hạch dưới hàm, ở cổ, ấn vào hạch thấy đau.
– Khi bị viêm mưng mủ ở chân răng, mọi người thường bị hôi miệng.
Tình trạng viêm có mủ ở chân răng không chỉ gây đau nhức khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe răng miệng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng người bị bệnh. Do đó, khi phát hiện thấy các biểu hiện của bệnh thì bạn cần tới ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân gây viêm có mủ chân răng
Theo các bác sĩ nha khoa TCI, có hai nguyên nhân chính gây nên tình trạng viêm có mủ, áp xe chân răng là:
– Do bệnh viêm quanh răng (viêm nha chu): Việc vệ sinh răng miệng không đúng cách, kém khoa học có thể khiến thức ăn còn sót lại nơi kẽ răng, nằm sâu dưới lợi mà không được loại bỏ hoàn toàn. Trong thời gian dài, thức ăn thừa sẽ trở thành mảng bám, bám chặt vào trong kẽ răng. Nếu không thường xuyên đi cạo vôi răng, vi khuẩn sẽ hình thành từ mảng bám và phát triển mạnh mẽ, tấn công các tổ chức mô quanh răng, gây viêm quanh răng. Khi tình trạng viêm lợi không được xử lý đúng cách sẽ hình thành các ổ mủ quanh răng.
– Do bệnh của tủy răng: Sâu răng, chấn thương hoặc nhiễm trùng quanh răng lâu ngày sẽ lan xuống tận vùng cuống răng, làm ảnh hưởng tới tủy trong răng. Vi khuẩn từ lỗ sâu lan xuống tủy răng, làm tủy bị sang chấn, nhiễm trùng và chết tủy. Viêm tủy răng lâu ngày khiến các ổ nhiễm trùng lan ra xuống tận cuống răng gây nên tình trạng áp xe răng. Các ổ viêm không chỉ lan lên toàn bộ chân răng mà còn có thể ảnh hưởng tới các chân răng khác, khiến răng lung lay phải nhổ bỏ. Nghiêm trọng hơn, vi khuẩn tại túi mủ có thể di chuyển vào máu gây nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng của người bệnh.
– Ngoài ra, một số loại thuốc có thể để lại tác dụng phụ khiến sức khỏe của răng lợi giảm sút, dễ bị vi khuẩn tấn công. Sức đề kháng kém cũng là một yếu tố khiến răng lợi bị viêm nhiễm khi có sự xuất hiện của tác nhân có hại.
3. Nguyên tắc điều trị viêm có mủ chân răng tại nha khoa
Khi chân răng đã viêm nhiễm nặng đến mức hình thành các ổ mủ và bị áp xe, cách tốt nhất để điều trị triệt để chính là đến gặp bác sĩ nha khoa. Khi đó, bác sĩ sẽ thăm khám để chẩn đoán chính xác tình trạng răng miệng và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Nguyên tắc điều trị cụ thể dựa theo tình trạng viêm nhiễm ở chân răng của người bệnh, cụ thể:
– Cô lập ổ viêm, nhiễm trùng bằng kháng sinh, kháng viêm để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.
– Sử dụng một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt, giảm sưng nề để người bệnh cảm thấy bớt khó chịu hơn.
– Loại bỏ ổ viêm nhiễm bằng việc dẫn lưu khối mủ, lấy dị vật mắc ở lợi…
– Điều trị bệnh viêm quanh răng bằng việc lấy cao răng, nạo sạch chất bám bẩn quanh lợi và chân răng.
– Lấy hết tủy răng bị tổn thương, làm sạch kỹ lưỡng và hàn kín tủy răng.
– Cắt cuống răng để loại bỏ ổ nhiễm trùng ở khu vực phần cuống của răng.
– Nếu tình trạng viêm nhiễm quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định nhổ răng, nạo vét hết vùng viêm nhiễm và trồng răng phục hình.
Sau khi điều trị, việc theo dõi tại nhà cũng rất quan trọng, đảm bảo ổ viêm không tái phát. Bởi vậy, bạn nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ hoặc ngay khi có các dấu hiệu bất thường để được xử lý kịp thời.
4. Ngừa bệnh viêm có mủ ở chân răng đúng cách
Ngừa bệnh viêm chân răng có mủ là cách tốt nhất giúp ngăn ngừa những cơn đau nhức do bệnh gây ra và biến chứng bạn có thể gặp phải. Chăm sóc răng miệng đúng cách sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh, giữ gìn sức khỏe và thẩm mỹ cho hàm răng.
– Chăm sóc răng miệng hằng ngày một cách khoa học bằng việc chải răng đều đặn bằng bàn chải lông mềm, mảnh và kem đánh răng chuyên dụng.
– Loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám sâu trong kẽ răng bằng chỉ nha khoa và tăm nước.
– Súc miệng thường xuyên để làm sạch khoang miệng, ngăn ngừa tình trạng hôi miệng.
– Lấy cao răng định kỳ khoảng 6 tháng/lần để đảm bảo sạch sẽ cho răng miệng.
– Thăm khám sức khỏe răng miệng thường xuyên để phát hiện sớm bệnh lý, chủ động điều trị đúng cách.
– Không tự ý điều trị tại nhà, sử dụng kháng sinh kháng viêm khi chưa có hướng dẫn từ bác sĩ.
Ngoài ra, xây dựng chế độ ăn uống khoa học cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về răng:
– Nên ăn những thực phẩm tươi xanh, lành mạnh, nhiều trái cây và rau củ.
– Hạn chế những món ăn cứng, dai, quá nóng, quá lạnh hoặc quá cay.
– Hạn chế thực phẩm có nhiều đường hoặc có tính axit cao bởi chúng có thể gây mòn men răng.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn có thể hiểu rõ hơn về bệnh lý viêm chân răng có mủ để có thể chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị đúng cách. Hãy tới các nha khoa uy tín khi có nhu cầu điều trị bệnh lý răng miệng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng như hiệu quả điều trị lâu dài. Nếu có thắc mắc, bạn nên liên hệ trực tiếp tới nha khoa để được các chuyên gia giải đáp chính xác nhất.