Bệnh lý viêm tụy là một tình trạng viêm gây ra cảm giác đau đớn cho người bệnh. Nguyên nhân viêm tụy có thể là do nhiều yếu tố như uống rượu, hút thuốc lá, tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất béo, tiền sử gia đình hoặc do một số bệnh lý khác. Để làm rõ hơn về vấn đề này, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh lý viêm tụy ở người lớn
1.1. Khái niệm về bệnh lý viêm tụy ở người lớn
Tuyến tụy là một bộ phận quan trọng nằm ở phía sau dạ dày, gần ổ bụng với 2 chức năng chính đó là:
– Chức năng ngoại tiết: Tuyến tụy sản xuất ra dịch tụy chứa enzyme tiêu hóa đảm nhận vai trò tiêu hóa thức ăn.
– Chức năng nội tiết: Tuyến tụy giúp sản xuất ra các hormone quan trọng giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
Tuyến tụy có thể bị tổn thương khi các enzym tiêu hóa bắt đầu hoạt động trước khi tuyến tụy tiết vào ruột non. Bệnh lý viêm tụy cũng được chia ra thành 2 loại chính:
– Viêm tụy cấp: Là tình trạng tụy bị viêm đột ngột và xảy ra trong thời gian ngắn. Đa số những người mắc viêm tụy cấp đều có thể hồi phục hoàn toàn nếu điều trị bệnh đúng cách. Tùy vào từng thể trạng của cơ thể mà bệnh có thể nhẹ hoặc tiến triển nặng.
– Viêm tụy mạn tính: Đây là tình trạng viêm sưng lâu dài của tuyến tụy do viêm tụy cấp lặp đi lặp lại nhiều lần gây tổn thương tuyến tụy và dẫn tới viêm tụy mạn tính, từ đó hình thành mô sẹo làm mất chức năng của tụy.
1.2. Triệu chứng có thể nhận biết về bệnh lý viêm tụy
Biểu hiện nhận biết viêm tụy cấp
– Viêm tụy cấp thường bắt đầu với những cơn đau từ từ hoặc đột ngột ở phần bụng trên và kéo dài ra giữa lưng. Khi ăn uống có thể làm cơn đau này nặng hơn, đặc biệt là khi tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo.
– Chướng bụng.
– Sốt.
– Buồn nôn và nôn.
– Rối loạn hệ tiêu hóa (gặp vấn đề về khó tiêu hoặc tiêu chảy).
– Nhịp tim và hô hấp tăng đột ngột.
Biểu hiện nhận biết viêm tụy mạn tính
– Đau ở vùng bụng trên và lan ra sau lưng. Cơn đau này thường xảy ra sau ăn một cách dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài trong nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày.
– Tiêu chảy.
– Suy dinh dưỡng, sụt cân và cơ thể mệt mỏi.
– Vàng da, ngứa hoặc da phát ban do tắc nghẽn ống mật.
– Nước tiểu sẫm màu.
2. Những nguyên nhân viêm tụy bạn cần biết để phòng tránh
2.1. Sỏi mật – Một trong những nguyên nhân viêm tụy phổ biến
Tình trạng sỏi mật là một nguyên nhân viêm tụy cấp phổ biến nhất, chiếm tới 40% các trường hợp. Sỏi mật sẽ phát triển khi túi mật không rỗng hoàn toàn. Túi mật lưu trữ chất lỏng được gọi là mật giúp cơ thể tiêu hóa chất béo.
Tình trạng sỏi mật xảy ra có thể là do sự tích tụ của cholesterol trong dịch mật, từ đó hình thành sỏi và mắc kẹt ở trong lòng túi mật khi túi mật co bóp. Sự tắc nghẽn này sẽ làm cho tuyến tụy không giải phóng được enzym và gây nên tình trạng viêm tụy.
2.2. Lạm dụng rượu bia và hút thuốc lá trong thời gian dài
– Uống nhiều rượu bia có khả năng làm tăng sản xuất các chất gây tổn thương mô tụy. Với người có thói quen lạm dụng rượu bia thì nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 4 lần so với những người bình thường. Sử dụng rượu bia gây ra tới 40% các trường hợp mắc viêm tụy mạn tính và khoảng 1/2 trường hợp mắc viêm tụy cấp.
– Thói quen hút thuốc lá cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lý này. Khi hút thuốc, các chất như nicotin trong thuốc lá có thể làm hỏng các tế bào tuyến tụy và dẫn tới viêm nhiễm. Hút thuốc càng nhiều thì nguy cơ mắc viêm tụy cấp và các bệnh lý nguy hiểm khác càng cao.
2.3. Tăng triglyceride trong máu
Tăng triglyceride máu hoặc nồng độ chất béo (chất béo trung tính) trong máu cao gây ra tới 10% các trường hợp mắc viêm tụy cấp.
Khi cơ thể có nồng độ chất béo cao sẽ bị phân hủy thành các axit béo tự do và gây ra viêm tụy.
2.4. Nhiễm trùng
Tình trạng nhiễm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra khoảng 10% các trường hợp viêm tụy cấp. Virus gây ra hầu hết các bệnh nhiễm trùng dẫn tới viêm tụy như: Viêm gan B (nhiễm trùng gan), virus HIV (suy giảm miễn dịch ở người)…
2.5. Một số nguyên nhân viêm tụy khác
– Gặp chấn thương ở vùng bụng do tai nạn hoặc phẫu thuật.
– Do yếu tố di truyền: Một số người có nguy cơ cao mắc viêm tụy do di truyền từ gia đình.
– Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, steroid và thuốc giảm đau có thể gây viêm tụy.
3. Cách để giảm ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe
Viêm tụy cấp nếu không được điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng như suy đa cơ quan, viêm tụy hoại tử nhiễm trùng hoặc nặng hơn là tử vong. Viêm tụy mãn tính có thể dẫn tới suy dinh dưỡng, tiểu đường, suy chức năng tụy hoặc là ung thư tuyến tụy.
Do đó, phát hiện càng sớm thì hiệu quả điều trị bệnh càng cao và hạn chế được những biến chứng gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Dưới đây là một số cách giảm ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe:
– Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc lá và rượu bia để tránh gây tổn thương tới tuyến tụy.
– Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh và ăn nhạt, hạn chế tiêu thụ các chất béo giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể.
– Duy trì trọng lượng của cơ thể hợp lý và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh.
– Đối với những người có tiền sử mắc bệnh mỡ máu, sỏi mật hay đái tháo đường… cần chủ động thăm khám định kỳ để kiểm soát bệnh, tránh những diễn biến nặng của bệnh.
Có thể thấy, viêm tụy là một bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe nếu không được phát hiện bệnh sớm. Bài viết trên đã cung cấp cho bạn một số nguyên nhân viêm tụy và những dấu hiệu cũng như cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Nếu còn thắc mắc cần giải đáp thêm, hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ ngay!